Bến Cát tháng tư (p3)

0
865

Từ khi chúng tôi đến ở đây, dường như Út rất vui, cười nói rôm rả. Dì thường tâm sự cho chúng tôi nghe về nỗi cô đơn và sợ hãi khi ở một mình trong căn nhà này. Cứ sáng sáng, dọn dẹp xong, Út ngồi cầm tô cơm lạnh ngắt rồi nhìn ra đám gà đang tung tăng mổ thóc, chốc chốc nghe tiếng chó sủa đòi ăn. Út thường nói, nếu không đi làm chắc Út quên luôn tiếng người. Lòng tôi thấy thương dì lắm, rồi đây sau 7 ngày náo nhiệt với sự có mặt của hai đứa tôi, Út sẽ buồn thêm đến dường nào. Tôi giật mình khi nghe Út gọi “ăn cơm đi con!”….

NGÀY 13/4/2012

 Công việc ngập đầu khiến hai chúng tôi quên mất lời nguyền xui xẻo của ngày 13 thứ sáu. Theo như kế hoạch đã hẹn, 8 giờ sáng chúng tôi lên Ủy ban thị trấn Mỹ Phước làm việc với chị Châu. Có lẽ hôm nay chị đang rất bận nên bảo chúng tôi chờ.
Ngồi ở bàn làm việc, chị nhận điện thoại liên tục, hết người ra rồi lại người vào, vẻ mặt rất căng thẳng và khó chịu. Tôi với Sang cũng hơi lo, liệu hôm nay chị có rãnh để giúp mình liên hệ với các đối tượng phỏng vấn hay không, không khí yên lặng bao trùm hai đứa tôi. Bỗng tôi giật mình khi nghe tiếng chị Châu gọi, chúng tôi tức tốc chạy đến chỗ chị.
Như phân công giữa hai chúng tôi, Sang đi tìm hiểu vấn đề y tế ở trạm y tế khu công nghiệp Mỹ Phước, còn tôi ở lại phỏng vấn đại diện vấn đề giáo dục. Ngồi chờ ở ủy ban đến 9 giờ, thầy Ẩn đến, người thầy nhỏ nhắn, da ngâm đen, nói chuyện liếng thoắt, trên tay xách cặp khá to và nặng, có vẻ đang rất bận rộn được chị Châu giới thiệu, tôi tiến hành phỏng vấn ngay. Thầy cho biết đã làm công tác giáo dục phổ cập giáo dục từ năm 2006 đến giờ và phụ trách công tác giáo dục cho tất cả các trường ở Mỹ Phước, bao gồm trường Tiểu học Mỹ Phước, Tiểu học Trần Quốc Tuấn, Tiểu học Võ Thị Sáu, Mẫu giáo-tiểu học Phù Đổng, THCS Lê Quý Đôn, THPT Bến Cát, Trung tâm giáo dục thường xuyên, đó là chưa kể các trường mần non trên địa bàn. “Khó khăn chủ yếu về vấn đề giáo dục con em trên địa bàn nói chung và con em công nhân nói riêng chính là cơ sở vật chất, vì số lượng con em công nhân tăng nhanh, thậm chí là tăng đột biến, cô coi số liệu này đi, mà trường lớp thì chưa được xây thêm. Hiện nay, chúng tôi cũng đang triển khai xây dựng thên cơ sở nhưng không biết khi nào tiến hành”. Cuộc phỏng vấn của tôi với thầy An kéo dài đến 10 giờ. Thầy cung cấp rất nhiều thông tin, sau khi chia tay, thầy còn cho tôi một tờ số liệu về con em công nhân trên địa bàn Mỹ Phước.

Niềm vui của công nhân

Tôi thở phào nhẹ nhõm vì máy thâu âm hôm nay không dở chứng. Một lát sau, Sang quay lại rước tôi. Thấy nó có vẻ không hài lòng lắm về cuộc phỏng vấn với đại diện cơ quan y tế. Hỏi ra mới biết nó quên hỏi một số ý.
“Không sao! Bữa nào hỏi lại nữa chứ có gì đâu!”, tôi an ủi nó. Cũng giống như hôm qua thôi, hai đứa chỉ hỏi được vài thông tin sơ bộ, chưa gọi là phỏng vấn sâu. Thật ra tôi chẳng hài lòng với những cuộc phỏng vấn như thế, vì rất mất thời gian. Hy vọng ngày mai chúng tôi sẽ thu được nhiều thông tin hơn. Công việc sáng nay kết thúc sớm nên hai đứa quyết định đèo nhau đi siêu thị. Ở khu Mỹ Phước này, chỉ có mỗi siêu thị Vinatex và có lẽ bị lép vế so với những khu chợ rẻ của công nhân, hàng hóa không nhiều, người mua thì lèo tèo. Tìm mãi, hai đứa tôi mới đem về được bánh mì sanwich và bánh bao hấp. Trưa nay, Sang trổ tài nấu nướng, nên Út khỏi phải ra tay.
Từ khi chúng tôi đến ở đây, dường như Út rất vui, cười nói rôm rả. Dì thường tâm sự cho chúng tôi nghe về nỗi cô đơn và sợ hãi khi ở một mình trong căn nhà này. Cứ sáng sáng, dọn dẹp xong, Út ngồi cầm tô cơm lạnh ngắt rồi nhìn ra đám gà đang tung tăng mổ thóc, chốc chốc nghe tiếng chó sủa đòi ăn. Út thường nói, nếu không đi làm chắc Út quên luôn tiếng người. Lòng tôi thấy thương dì lắm, rồi đây sau 7 ngày náo nhiệt với sự có mặt của hai đứa tôi, Út sẽ buồn thêm đến dường nào. Tôi giật mình khi nghe Út gọi “ăn cơm đi con!”. Cũng đã lâu lắm rồi tôi mới được ăn bữa cơm có nhiều người như thế này. Trời nắng nóng làm hai đứa tôi thiếp đi lúc nào không hay, đến khi kịp tỉnh dậy thì đồng hồ đã gần 2 giờ chiều. Sang giục tôi nhanh lên vì đã trễ hẹn. Ba chân bốn cẳng, chúng tôi vọt lẹ đến ủy ban thị trấn Mỹ Phước để gặp chú Xung, trưởng ban quản lý nhà trọ Mỹ Phước.
Cũng may là vẫn còn kịp, chú hẹn chiều ngày mai sẽ dẫn chúng tôi đến làm quen với công nhân ở khu trọ mà chúng tôi tiến hành làm thảo luận nhóm. Chú Tám Hùng khoảng trên 40 tuổi, trông khá nghiêm nghị và kiệm lời, mãi đến khi chúng tôi đưa phong bì, chú mới tỏ ra nhiệt tình hơn. Quả là sức mạnh của “Bác Hồ”! Chúng tôi đi tìm trụ sở Công Đoàn khu chế xuất. Đi lòng vòng mãi mới thấy nó nằm ngay cạnh trụ sở ban quản lý khu công nghiệp. Định trước là gặp chú Vắt, chủ tịch công đoàn, nhưng chỉ gặp được đồng chí Phỉ, là nhân viên tại đây. Anh bảo muốn biết các vấn đề gì về công đoàn của công nhân thì sáng thứ hai lên đây gặp chú Vắt vì hiện giờ chú không có ở đây.
Chúng tôi đành ra về. Chiều nay tôi có hẹn với Út đi chợ cùng dì Loan. Như đã hẹn, tôi đón Út trước cửa cơ quan vào giờ tan ca. Hai vợ chồng dì Loan và chú Nam đèo nhau trên chiếc xe wave màu đỏ. Chú Nam chừng 40 tuổi, người nhỏ nhắn, da ngâm đen, Nghe Út nói lúc trước chú ở dưới quê, mới lên đây được chừng mấy tháng, làm lương không bao nhiêu nhưng ngày nào cũng nhậu nhẹt, cứ mỗi buổi chiều là lo đi mua đồ về nhậu, khi thì thịt chó, khi thì lòng heo, khi thì cá khô,….kinh tế trong nhà chỉ phụ thuộc vào hai đứa lớn. Nghe tới đây tôi liền nghĩ đến ánh mắt của Ngàn và Thúy, ánh mắt ngây thơ vụn dại lắm, không biết nó có cảm nghĩ như thế nào khi phải bỏ sức lao động “chín ép” của mình để kiếm từng đồng bạc về cho ba mình nhậu mỗi tối. Theo sau chú Nam quẹo qua nhiều con đường, bỗng chú dừng lại trước một quán bún riêu. Nghe Út nói quán này chỉ có 10 ngàn một tô thôi, công nhân tan ca ra ăn nhiều và Út thường bao hai người này ăn bún riêu.
Trong chốc lát, công nhân từ đâu ùa ra khắp các nẻo đường, quán bún riêu cũng đông khách lên rất nhanh. Mọi người cũng đã ăn xong phần của mình, dì Loan giục chúng tôi đi chợ kẻo trễ. Chạy qua chợ khu I, nằm cạnh siêu thị Vinatex. Mọi người ghé vào một hàng thịt đầy ruồi nhặn , dì Loan mua liền 2 kí thịt đùi chỉ với giá 55 ngàn một kí. Út bảo: “nhà bã ăn vậy không đó con, bởi vậy hay than đau bụng hoài àh”. Quay sang hàng rau, dì Loan mua tiếp một trái bí xanh và một củ cà rốt nhỏ rồi bảo đi về. Tôi hỏi dì mua bao nhiêu đó ăn được mấy ngày, dì bảo” được 3 ngày”. Tôi ngạc nhiên nhìn dì Út như muốn đặt câu hỏi. Cả gia đình 6 người, hai kí thịt heo ế, một trái bí, một cà rốt trong vòng 3 ngày ư? Nhìn quanh khu chợ, công nhân tan ca túa ra từ khắp nơi, nhưng không thấy họ vào chợ này để mua đồ. Nghe Út nói họ mua đồ ở chợ khu II, chợ ở đó rất rẻ.
Út bảo tôi chở về nhà vì cũng đã khá trễ, phải về nấu cơm cho thằng Sang ăn. Út cưng Sang ghê, ganh tỵ thiệt! Ăn cơm xong tôi và Sang đến chỗ khu trọ dì Loan phỏng vấn sâu. Lần này Sang phỏng vấn một đối tượng về vấn đề nhà ở, con tôi phỏng vấn một đối tượng về vấn đề giáo dục. Men theo con hẻm tối, bé Thúy dắt tôi vào nhà một người cùng quê với dì Loan, dãy nhà trọ này cũng giống như dãy nhà trọ bên kia, ẩm thấp và tạm bợ. Bước vào nhà, ập vào mắt tôi là hai đứa trẻ chừng 3- 4 tuổi đang nằm trên võng ngậm bình sữa, ngồi bên cạnh là một phụ nữ mặc đồ bộ đã cũ sờn, đầu tóc rối bù. Dì Loan la lớn: “có người gặp nói chuyện nè Danh ơi!”. Thì ra người phụ nữ đó chính là đối tượng trò chuyện của tôi. Chị tên Nguyễn Thị Danh, năm nay 34 tuổi nhưng đã sinh 4 con rồi, chị cũng là người Đồng Tháp, hai vợ chồng chị làm công nhân cho công ty nào chị cũng chẳng biết tên.
Đứa con lớn của chị được 14 tuổi rồi nhưng nghỉ học ở nhà phụ mẹ nuôi em, cả gia đình chỉ có một cháu đi học. Tôi và chị ngồi trên chiếc giường tre trước nhà, kế bên có một vài người ngồi trò chuyện rôm rả, chốc chốc lại có tiếng quát mắng nhau, tiếng xe máy chạy inh ỏi làm tôi thấp thỏm. Phỏng vấn chị xong tôi và Sang gặp nhau ở nhà dì Loan, Sang vẫn còn ngồi nói chuyện với hai vợ chồng chị Lan. Cuộc trò chuyện của họ có vẻ rất vui. Lúc này cũng đã hơn 9 giờ tối, chúng tôi chào mọi người ra về. Cũng giống như mọi ngày, sau khi chúng tôi đi về vào buổi tối, Út đều hỏi thăm chúng tôi có hỏi được gì không. Cả hai đứa đều trả lời “có”, mặc dù thế, chúng tôi vẫn chưa hài lòng về những cuộc phỏng vấn đã thực hiện. Tôi ước gì được hỏi lại lần nữa…..

Bích Ngọc 
Trích nhật ký Bến Cát

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.