Đầu lân – Một góc nhìn văn hóa (kỳ 1)

0
749
Nghề thủ công truyền thống là một lĩnh vực nghiên cứu của văn hóa dân gian. Đó là những hoạt động độc đáo có từ rất lâu đời trong đời sống văn hóa của các tộc người. Tuy nhiên trong xu thế phát triển của nền kinh tế thị trường, các ngành thủ công truyền thống đang dần bị mai một và rơi vào quên lãng.
Ngày nay với kỹ thuật công nghệ cao, người ta dễ dàng tạo ra các sản phẩm giống nhau hàng loạt. Nhưng để tìm ra một sản phẩm độc bản là tác phẩm riêng thẩm mỹ và kỹ năng của người nghệ nhân, người ta không thể nào không quay về với nghề thủ công truyền thống.
Vì những lí do đó, nhóm chúng tôi quyết định chọn tìm hiểu về nghề thủ công truyền thống làm đầu lân, đặc biệt là nhìn nghề thủ công truyền thống này dưới một góc nhìn của dòng chảy văn hoá.
           
Để thực hiện mục tiêu này, chúng tôi đã chọn Chợ Lớn – một khu buôn bán sầm uất nhất của người Hoa làm địa điểm để tìm hiểu. Cụ thể, chúng tôi đã được tiếp xúc với một nghệ nhân trong một gia đình có truyền thống làm đầu lân từ lâu đời. Người dân ở đây gọi chú là “ông Tỉ đầu lân”. Hiện chú đang sống tại đường Phan Văn Khỏe, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh.
           
Với nghiên cứu nhỏ này, ngoài việc tìm hiểu cách thức làm đầu lân, chúng tôi mong muốn giải mã những giá trị đằng sau nghề thủ công truyền thống này. 
Cách thức làm đầu lân
Một đầu lân làm thường mất khoảng năm ngày. Ngày đầu tiên cho bộ khung. Ngày thứ hai dán vải mùng quanh khung rồi phơi khô. Công việc trong ngày thứ ba là dán hai lớp giấy lên lớp vải mùng hôm trước và cũng phơi cho các lớp dán cứng lại. Đầu lân lúc này đã ra dáng. Việc sơn màu, vẽ mắt được làm vào ngày thứ tư. Và ngày cuối cùng là để dán lông, râu, kim sa, gắn râu mũi và đèn cho mắt. Tuy nhiên, trước khi bắt tay vào làm bộ khung, người nghệ nhân phải tốn mất mấy ngày để chuốt tre, làm riêng các vòng mắt, sừng, cắt râu mũi,… để khi dán giấy xong thì mới gắn các bộ phận này vào.
Ngoài cây kềm để cắt kẽm (việc cột kẽm cũng làm bằng tay) thì không có thứ dụng cụ nào khác trong công đoạn này, kể cả thước đo.
“Để tìm ra một sản phẩm độc bản là tác phẩm riêng thẩm mỹ và kỹ năng của người nghệ nhân, người ta không thể nào không quay về với nghề thủ công truyền thống.” (ảnh do nhóm tác giả cung cấp).
Khung lân được làm theo hình chữ D. Chất liệu của khung lân thường làm bằng tre, nhưng ngày nay khung lân có thể được thay thế bằng những thanh nhôm mỏng để làm cho đầu lân được nhẹ hơn. Phần cong của hình chữ D là mặt lân, đường thẳng là phần gáy lân. Tay cầm của người múa lân là hai ống nhựa bắt chéo từ mặt cong của khung qua thanh nhôm thẳng phía sau. Nghệ nhân dùng những thanh tre cứng để làm khung chính cho đầu lân. Ngoài ra, họ còn dùng những thanh tre nhỏ để tạo dáng vẻ riêng biệt cho mỗi con lân.
Sau khi hoàn tất bộ khung nghệ nhân sẽ làm tiếp khâu dán vải. Vải được cắt ra thành những mảnh nhỏ dài chừng một gang tay, rộng chừng ba lóng tay. Người nghệ nhân thấm những miếng vải đó vào trong khay hồ bột và úp lên khung sườn. Công đoạn dán giấy cũng tương tự như vậy nhưng dán vải có phần khó khăn hơn, vì khi dán phải đảm bảo tấm vải căng thẳng, làm như vậy, khi dán giấy lên thì giấy sẽ dính chắc vào khung mà không bị chùng. Điều này đòi hỏi rất nhiều ở kinh nghiệm và sự khéo tay của nghệ nhân. Dán giấy hay vải không tốn nhiều thời gian, khoảng nửa ngày là xong. Vải chỉ dán ở mặt ngoài nhưng giấy phải dán chẳng những hai lớp ở mặt ngoài mà còn ở mặt trong khung sườn. Mục đích là để cố định các thanh tre trong khung sườn và kết chặt lớp ngoài với khung.
Đầu lân sau khi phơi khô xong sẽ được gắn các bộ phận rời như mắt, sừng vào. Sau đó, đầu lân sẽ được sơn màu và trang trí bằng các họa tiết. Việc làm khung, dán giấy thường do nam đảm nhận vì họ có sức khoẻ. Còn việc vẽ họa tiết, đính râu, kim sa, cắt râu mũi đòi hỏi tỉ mỉ và kiên nhẫn nên thường để nữ làm.
 Các họa tiết tuy có mô-típ giống nhau nhưng thường thì mỗi đầu lân lại có đặc trưng riêng. Đó là nét độc đáo của sản xuất thủ công, sản xuất dựa vào cảm xúc thẩm mĩ của người lao động.
Nhóm tác giả

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.