Vĩnh biệt người đưa Doraemon về với trẻ em Việt Nam

0
857

BTKUXH –  Doraemon là nhân vật truyện tranh dễ thương có nhiều ảnh hưởng sâu đậm tới nhiều thế hệ người Việt trẻ sinh sau 1975, trong đó có những người biên tập Bảo tàng Ký ức Xã hội. Sau khi tác giả của loạt truyện tranh Doraemon qua đời cách nay không lâu, vốn là một sự kiện không vui của hàng triệu người hâm mộ trên toàn thế giới, thì nay, người đầu tiên mang Doraemon đến Việt Nam cũng đã không còn.

Báo Tuổi Trẻ gọi ông là “Anh hùng xuất bản”.  Nhà văn Nguyễn Quang Lập xem ông là một người anh lớn và gọi ông là “Ông già nghiện sách thiếu nhi”.  Nhưng cách gọi ông Nguyễn Thắng Vu – người đầu tiên đưa Doraemon về với trẻ em Việt Nam, lại là tiếng gọi đầy kính trọng nhất của trẻ em Việt Nam dành cho ông. Nhờ ông, trẻ em Việt Nam đã được bước vào một thế giới mới đầy hạnh phúc. Một thế giới mà có lẽ mãi mãi về sau này nữa sẽ chẳng bao giờ có một nhân vật truyện tranh nào với sức hấp dẫn lớn lao đến vậy có thể đem lại được nữa.

Bảo tàng Ký ức Xã hội trích đăng lại bài viết trên báo Tuổi Trẻ như một sự tưởng nhớ đến một con người đã góp phần tạo nên “thế hệ Doraemon” tràn đầy ước mơ sáng tạo ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Thắng Vu với các độc giả thiếu nhi - đối tượng mà ông dành trọn đời cống hiến - Ảnh: V.A.

Ông Nguyễn Thắng Vu, người được giới xuất bản Việt Nam mệnh danh là “anh hùng xuất bản” (Tuổi Trẻ ngày 30-5-2010), sau một thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư hiểm nghèo đã từ trần hồi 3g20 ngày 14-10-2010 tại nhà riêng số 35 Ngũ Xã, P.Trúc Bạch, Q.Ba Đình, Hà Nội, hưởng thọ 76 tuổi.

Ông Nguyễn Thắng Vu, người được giới xuất bản Việt Nam mệnh danh là “anh hùng xuất bản” (Tuổi Trẻ ngày 30-5-2010), sau một thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư hiểm nghèo đã từ trần hồi 3g20 ngày 14-10-2010 tại nhà riêng số 35 Ngũ Xã, P.Trúc Bạch, Q.Ba Đình, Hà Nội, hưởng thọ 76 tuổi.

Ông Nguyễn Thắng Vu tên thật là Nguyễn Lôi, sinh năm 1935 tại Quảng Bình, là người dành hơn 50 năm cuộc đời gắn bó với ngành xuất bản. Đặc biệt từ khi làm giám đốc NXB Kim Đồng (1988-2002), ông đã đi tiên phong trong việc chủ động giao dịch bản quyền và mở rộng thị trường sách thiếu nhi.

Tính đến thời điểm hiện tại, hai đầu sách ăn khách nhất của Việt Nam là Doraemon (sách dịch) và Kính vạn hoa (truyện dài thiếu nhi của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh) đều do ông tự tay giao dịch, ký kết bản quyền và đặt hàng tác giả.

Ông cũng là người đã tặng 1 tỉ đồng từ tiền cá nhân cho Quỹ khuyến học Doraemon (tháng 5-2010) mà ông và tác giả Fujiko F. Fujio là người sáng lập từ năm 1996.

Lễ viếng ông Nguyễn Thắng Vu bắt đầu từ 10g sáng thứ bảy 16-10-2010 (tức ngày 9-9 năm Canh Dần) tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Lễ truy điệu bắt đầu lúc 11g30 cùng ngày. An táng tại nghĩa trang công viên Vĩnh Hằng, xã Vật Lại, huyện Ba Vì, Hà Nội.

“Anh hùng xuất bản”

Không phải một nhà văn được ông “đỡ đầu” nhiều tác phẩm, không phải những nhân viên dưới quyền được ông dìu dắt, cũng không phải một cây bút trẻ được ông phát hiện, người dành cho ông già làm sách thiếu nhi Nguyễn Thắng Vu (ông sinh năm 1943) những lời ca ngợi tốt đẹp nhất lại là một “đối thủ” cạnh tranh trực tiếp trên thị trường: nguyên giám đốc Nhà xuất bản Trẻ Lê Hoàng.

Ông Hoàng kể lại, giọng còn nguyên sự xúc động chân thành:

– Với riêng Nhà xuất bản Trẻ và tôi có một kỷ niệm, cũng là một sự hàm ơn mà chúng tôi không bao giờ quên với anh Vu và Nhà xuất bản Kim Đồng. Khi Đôrêmon đã làm mưa làm gió ở VN, Nhà xuất bản Trẻ vẫn chưa có cách nào tiếp cận thế giới truyện tranh Nhật Bản, chính anh Vu chứ không ai khác, sau một chuyến đi Nhật thương lượng tác quyền, đã chủ động “cho” chúng tôi bộ truyện tranh Subasa và gọi hai biên tập viên Cúc Hương – Thu Hương của Nhà xuất bản Trẻ sang để “chuyển giao công nghệ”.

Từ Subasa, Nhà xuất bản Trẻ đã có đầu mối để tiếp tục bằng nhiều loạt truyện tranh khác và đã có lãi lớn từ truyện tranh, để bắt đầu cho một giai đoạn mới: lấy tích lũy từ truyện tranh để nuôi truyện chữ.

Tôi kính trọng anh Vu vì cái tâm với sách thiếu nhi. Với anh, lợi nhuận không bao giờ là dấu chấm hết. Từ lợi nhuận của Đôrêmon, anh Vu và Nhà xuất bản Kim Đồng đã lập ra Quỹ Đôrêmon hàng tỉ đồng để giúp các học sinh nghèo vượt khó, từ lợi nhuận của Đôrêmon cũng đã hiện hữu thành 50 tủ sách khác nhau của hệ thống “Tủ sách vàng Kim Đồng” – những tủ sách chắc chắn không ai dám làm nếu chỉ nghĩ đến lợi nhuận.

Ngành xuất bản Việt Nam thật may mắn vì có một người như anh và tôi nghĩ sẽ rất lâu nữa mới lại có được một “anh hùng xuất bản” thầm lặng mà cao cả như thế.

(trích báo Tuổi Trẻ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.