Hiểu biết về giới tính của nam thanh niên một ấp vùng sâu (kỳ cuối)

0
888

BTKUXH – Sự thiếu hiểu biết và hiểu lệch lạc về vấn đề giới tính của những thanh niên trẻ, đặc biệt là những người ở vùng sâu vùng xa là một điều đáng lo ngại hiện nay. Điều này đã được thể hiện qua những ghi chép điền dã về những cuộc nói chuyện với nam thanh niên ở xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai của bạn Khai Tâm – sinh viên lớp NH07 khoa Nhân học – ĐH. KHXH&NV TP.HCM.  Sau đây là những ghi chép mà bạn Khai Tâm gửi về cho Bảo tàng Ký ức Xã hội.

Kỳ 1: Tìm hiểu địa bàn nghiên cứu

Kỳ 2: Vấn đề giáo dục tại địa phương

Kỳ 3: Vai trò của gia đình và nhà trường

Hầu hết các em đều không đề cập đến vai trò của gia đình về vấn đề giới tính của các em . Có chăng là một số bà mẹ chủ động mua quần lót cho con trai. Tuy nhiên có trường hợp đứa con phải kêu mẹ mua hoặc tự ý đi mua. Các em không bao giờ trình bày những vấn đề đó với cha mẹ. Đó là một thực tế mà hiện nay các gia đình dù ở nông thôn hay thành thị vẫn đang vướng phải.

Một thực tế là hầu hết các em được tôi phỏng vấn đều nghỉ học giữa chừng. Trình độ văn hóa cao nhất là một em học đến lớp 4, nhưng cá nhân em này cũng đã ở lại lớp 4 năm. Một số em là Việt kiều Canpuchia mới về Việt Nam mấy năm gần đây nên hoàn toàn không biết chữ. Có em thì học lâu quá rồi nên không nhớ chữ. Thậm chí, có em không sử dụng điện thoại vì không biết chữ. Có em thì sử dụng điện thoại nhưng không nhắn tin được và không lưu tên vì không biết chữ. Ai gọi đến thì nghe và nhớ được số rất nhanh. Cá nhân tôi nhận thấy đối với em học đến lớp 4 có một chút gì đó chín chắn hơn, em cho biết:

“Theo em chỉ nên làm việc đó (quan hệ tình dục) với người yêu mình thôi, mà thôi, cũng không nên, lỡ dính bầu thì mất công, phải cưới nhau đã” ( V.18t)

Tại đại phương, không có bất kì chương trình giáo dục về giới tính hay sức khỏe sinh sản nào cho thanh niên trong vùng. Các chương trình nếu có cũng chỉ nhằm vào các đối tượng là phụ nữ đã có gia đình nhưng mức độ cũng rất hạn chế.

Các vấn đề về giáo dục giới tính chỉ xuất hiện ở môn Sinh học ở cấp 2 trong một chương ngắn ngủi. Tuy nhiên, như đã thấy số lượng trẻ em học lên cấp 2 là rất ít và có chăng chỉ là các em gái. Một em 15t cho rằng hồi em học lớp 2, em đã từng được nghe nói về Sida nên em biết Sida lây qua đường máu và tình dục ( không nhớ đường lây truyền tự mẹ sang con).

Tôi thực sự cảm thấy bất an. Tôi cũng chia sẽ vấn đề này với một số bạn sinh viên trong đoàn và cũng nhận được những sự chia sẻ.

Nhưng phải làm gì? Các em sẽ trưởng thành. Với những kiến thức về giới tính, về tình dục, về AIDS mà các em có được ở đây liệu các em sẽ ra đời như thế nào? Tôi chưa đi sâu vào việc tìm hiểu những hệ quả của việc kém hiểu biết về giới tính và tình dục trong cộng đồng này liệu có dẫn đến tình trạng quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, kết hôn sớm hay Sida không? Nhưng hệ quả đầu tiên mà tôi thấy được nếu chúng ta không có những can thiệp thì một thế hệ đàn em 8, 9 tuổi cũng sẽ tiếp bước thế hệ đàn anh. Rồi tiếp nữa, tiếp nữa…

Trong quá trình phỏng vấn ấy, tôi đã không làm trọn trách nhiệm của người nghiên cứu. Tôi đã xen vào cuối những vấn đề phỏng vấn ấy là những kiến thức nhỏ bé của tôi về vấn đề giới tính và tình dục. Có thể với vai trò là một người nghiên cứu, tôi đã sai. Nhưng với tư cách là một người anh, một người bạn, tôi đã làm đúng. Tôi không có quá nhiều thời gian.

Trẻ em ở xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Khai Tâm

Tôi đã trở về lại với cuộc sống của mình. Nhưng những buổi nói chuyện của tôi với các em vẫn còn đó.

Hôm nay, tội gọi điện hỏi thăm các em. Các em nói tuần sau các em sẽ ra Ngã ba Trị An đi làm với các anh trong làng, “ở đây không có việc gì làm chán quá!”

Tôi tự hỏi: Rồi các em sẽ như thế nào?

Khai Tâm
Lớp Nhân học 07, ĐH. KHXH&NV TP.HCM

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.