Hành trình tìm hiểu công việc làm thêm của sinh viên Đà Lạt

0
1028

BTKUXH – Báo chí thì vẫn nói nhiều về đời sống sinh viên, về những công việc làm thêm của sinh viên ở hai đô thị lớn là Hà Nội và Tp.HCM, nơi đô thị đông đúc, náo nhiệt. Tuy nhiên, những vấn đề này của sinh viên học ở các tỉnh thành khác và ở đây là Đà Lạt – thành phố chậm chậm,  buồn buồn thì lại ít được nhắc tới. Vậy nên Bảo tàng Ký ức Xã hội xin giới thiệu cùng bạn đọc bài nhật ký điền dã tập sự của bạn Nguyễn Thị Thúy Hảo (sinh viên lớp VHK32 – ngành Văn hóa học – ĐH Đà Lạt) viết về công việc làm thêm của một số sinh viên nơi đây.

Bài viết liên quan:
Đời sống dưới hầm ở Đà Lạt

Ngày 13/9/2010

Sống ở Đà Lạt đã hơn 2 năm nay, nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy mình cần phải có một cái nhìn toàn diện hơn đối với cuộc sống nhộn nhịp của các bạn sinh viên trên địa bàn thành phố thơ mộng này. Để tìm ý tưởng và tư liệu cho bài viết của mình, tôi đã la cà theo con đường Bùi Thị Xuân. Con đường mang tên một trong “Tây Sơn ngũ phụng thư” dưới vương triều Tây Sơn – đô đốc Bùi Thị Xuân. Có thể nói đây là con đường tấp nập, đông vui nhất ở vùng ngã 5 đại học lúc về đêm. Khoảng 6 giờ thì cái không khí vui nhộn đã bắt đầu với tiếng nhạc vang lên từ các quán cà phê, tiếng nói chuyện trong các quán cơm, tiếng các bạn sinh viên trêu đùa trên đường hay tiếng chào hàng trao đổi mua bán… Tất cả như hòa vào nhau tạo nên một bức tranh đa thanh đa cảnh. Tâm trạng tôi hôm nay thật khác, đó là cái cảm giác bồn chồn và hồi hộp vì hôm nay tôi đóng vai trò là người đi tìm hiểu và tiếp cận những công việc mà các bạn sinh viên đang làm thêm ở đây.

Nơi đầu tiên mà tôi ghé lại là quán bánh tráng nướng của bạn Đỗ Thu Huyền. Huyền 22 tuổi, quê ở Quảng Bình, hiện đang là sinh viên năm cuối ngành Kế toán, trường Đại học tại chức. Có lẽ chính mùi bánh thơm ngon cùng lời nói nhẹ nhàng của cô chủ quán đã thu hút được rất nhiều khách. Tôi đợi đến lúc khách hơi thưa rồi mới bắt đầu câu chuyện của mình. Lúc này đã là 19 giờ 15 phút, vừa ăn bánh tôi vừa hỏi chuyện Huyền một cách vui vẻ. Huyền chân thành và cởi mở kể cho tôi nghe về công việc của mình. Là con thứ hai trong một gia đình có bốn chị em, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, muốn đi làm để phụ thêm cho ba mẹ nên Huyền đã chọn công việc này. Buổi sáng học ở trường, buổi chiều ở nhà chuẩn bị để tối đi bán. Khi tôi hỏi Huyền có mệt khi làm công việc này không, Huyền nhoẻn miệng cười một cách hiền lành trả lời tôi: “Làm gì cũng vậy thôi à, công việc có hơi vất vả một chút nhưng vui lắm. Bạn thấy đó, tui làm công việc này quen được rất nhiều người và học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm”. Thế đi làm như vậy thì Huyền học vào lúc nào? Buổi tối đi làm về mình tranh thủ học thôi chứ biết làm răng nữa”, Huyền nói. Nói rồi Huyền lại cười và bắt tay vào công việc của mình. Rời quán Huyền, nhìn cô bạn nhỏ nhăn tôi thấy thật vui vì sự có gắng của bạn.

Địa điểm thứ hai mà tôi dừng chân là một góc nhỏ của bạn Nguyễn Công Phúc, phía trước trường Nguyễn Trãi. Bây giờ đã là 20 giờ 10 phút, Phúc chọn công việc dán điện thoại để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống. Giờ Phúc không có khách nên tôi có thể nói chuyện với bạn một cách dễ dàng. Khác với Huyền, Phúc mồ côi ba khi lên 14 tuổi, Phúc còn một em nhỏ đang sống với mẹ ở quê hương Thái Bình. Phúc năm nay 20 tuổi, đang theo học lớp Luật học, trường Đại học Đà Lạt. Mơ ước trở thành luật sư đã thôi thúc Phúc cố gắng học tập. Khi mơ ước đã thành, bạn phải bươn chải kiếm tiền để lo cho cuộc sống vì số tiền mẹ cho không đủ lo cho việc học. Khi được hỏi về công việc của mình, Phúc không nói gì nhiều: “Tớ đi làm việc này vì thấy nó cũng dễ, không khó làm, gọn gàng, dễ di chuyển, lại đầu tư kinh phí ít, khi không có khách thì lấy sách ra học cũng vui”. Trò chuyện với Phúc chừng 30 phút thì tôi chào Phúc ra về.

Dán keo xe, dán điện thoại ở Đà Lạt. (Ảnh minh họa. Nguyễn Trần Bình)

Trên đường trở về nhà, dòng suy tư của tôi cứ mãi nghĩ về hai bạn ấy. Mỗi người có một số phận, mong sao hai bạn sẽ có được tương lai tốt đẹp.

Ngày 14/09/2010

Hôm nay là buổi tối thứ hai trên hành trình đi tìm hiểu công việc làm thêm của các bạn sinh viên. Địa điểm mà tôi chọn cho chuyến đi hôm nay là khu chợ đêm Đà Lạt. Dọc theo con đường Nguyễn Văn Trỗi gần 20 phút tôi mới đến nơi. Đà Lạt đang vào mùa mưa nên khách du lịch đến đây không nhiều. Khu chợ không còn vẻ đông đúc tấp nập như những ngày lễ hội lớn hay mùa nghỉ mát. Vẫn tiếng rao bán, tiếng mời chào khách nhưng hôm nay nghe sao buồn thế. Chắc có lẽ vì dạo này ít khách ghé lại. Tôi bước vào khu chợ bán quần áo, nơi tập trung các bạn sinh viên làm việc. Tôi đã tìm được đối tượng cho tôi tìm hiểu. Đó là một bạn nữ dáng cao và hơi gầy, bạn đang giới thiệu với khách các mặt hàng trong quán. Khi thấy tôi bạn niềm nở chào:
– Bạn định mua gì vậy, bạn cứ xem đi, ở đây có nhiều mặt hàng rất đẹp, thích cái nào cứ nói mình sẽ lấy cho bạn xem.
Khi được biết tôi muốn tìm hiểu về công việc của mình bạn cười:
– “Có gì đâu mà tìm hiểu chứ?”

Bán áo khoác ở chợ Đà Lạt vào buổi tối, tháng 9/2010. Quay phim: Nguyễn Trần Bình

Lúc đó tôi rất sợ, sợ rằng bạn sẽ từ chối những câu hỏi của tôi. Cười cười, nói nói tôi cố làm thân. Cuối cùng tôi cũng biết được bạn tên là Thanh, người Sóc Trăng. Năm nay Thanh 22 tuổi, đang học lớp Công tác xã hội và Phát triển cộng đồng trường Đại học Đà Lạt. Tôi hỏi Thanh:
– Sao không chọn công việc nào gần chỗ trọ mà lại làm xa thế này?
Thanh trả lời tôi:
– Vì ở gần không có công việc thích hợp cho mình làm.
Tôi lại hỏi:
– Làm ở đây một tháng bạn kiếm được bao nhiêu?
– 700.000 đồng. – Thanh nói.
– Bạn thấy công việc này như thế nào?
Thanh nở một nụ cười ngộ nghĩnh làm cho cảm giác lo sợ của tôi nảy giờ như tan biến. Thanh bảo:
– Bạn dai thật đó, mình không muốn nói chuyện vì sợ chủ mắng, giờ mình sẽ trả lời bạn được chưa nào. Công việc thì không khó nhưng hôm nào cũng phải cười để chào khách nên miệng mình ngày càng rộng ra thôi, với lại đường đi làm cũng hơi xa, nói chung là cũng ổn.
Được thể tôi hỏi tiếp:
– Lý do mà Thanh đi làm thêm là gì?
Thanh đánh “ừm” một cái rồi nói:
– Đơn giản vì mình muốn tiếp xúc nhiều với xã hội và cũng muốn thử sức trong việc kiếm tiền.
Tôi thấy hay vì lý do hài hước đó của Thanh. Có khách nên Thanh phải đi bán hàng, chào Thanh tôi ra về.

Tôi lang thang gần 30 phút sau mới trở về nhà. Lúc này đã là 21 giờ 10 phút. Tôi ngồi chờ Hồng, cô bạn cùng xóm trọ có dáng người nhỏ nhắn với mái tóc dài để tiếp tục cho công việc của mình. Hồng năm nay 21 tuổi, quê ở Nghệ An, hiện Hồng đang theo học lớp Kế toán – trường Đại học Đà Lạt. Hồng sinh ra trong một gia đình khá giả, lại là con một nên cuộc sống không mấy khó khăn với bạn. Ở cùng xóm trọ nhưng tôi và Hồng rất ít khi nói chuyện vì buổi ngày Hồng đi học, buổi tối lại đi dạy thêm tới khuya mới về. Đang miên man trong dòng suy nghĩ đâu đâu, tôi giật mình khi nghe tiếng xe kêu lọc cọc báo cho tôi biết Hồng đã về. Tôi xách tập và bút sang nhà Hồng.
– Hi, hôm nay sao về trễ vậy? Tôi ngồi trong bà nãy giờ này.
– Trông tôi làm gì?Có gì cho tôi ăn sao?
Hồng vừa cười vừa nói, đôi lúm đồng tiền lộ rõ trong thật dễ thương.
– À,tôi muốn hỏi bà chút chuyện ấy mà.Có trả lời giúp tôi không này? – Tôi đáp.
– Ừm, vậy đợi tôi chút nha.
Trong lúc đợi Hồng tôi có dịp ngắm nhìn căn phòng bé nhỏ xinh xắn. Nó thật ngăn nắp, sạch sẽ như chính cô chủ nhỏ của nó vậy. Điều đặc biệt trong căn phòng chính là kệ sách với rất nhiều sách đủ các loại. Vừa xoa xoa hai bàn tay Hồng hỏi tôi:
– Nào bà muốn hỏi gì đây?
– À, tôi đang tìm hiểu công việc làm thêm của các bạn sinh viên, thấy bà đi dạy thêm nên tôi muốn tìm hiểu một chút.
Và cuộc trò chuyện của chúng tôi bắt đầu. Tôi hỏi:
– Bà có yêu thích công việc này không?
– Có chứ! Ước mơ của tôi là nghề gõ đầu trẻ mà.
– Nơi dạy của bà hiện tại như thế nào?
– Ừm, nói chung là tốt, có nhiều hôm cũng bực mình nhưng kiên nhẫn một chút rồi cũng quen.
– Bà làm ở đó thì tháng được bao nhiêu?
– Được 800.000 đồng một tháng.
– Bà có thể cho tôi biết tiền kiếm được bà dùng vào viêc gì không?
– Mua sách và tiết kiệm.
Hai đứa ngồi nói chuyện cho tới gần 22 giờ 15 phút tôi mới trở về phòng mình.

Xa nhà, sinh viên ngoài chuyện học còn co biết bao nỗi lo khác. Một số bạn gia đình khá giả, bố mẹ chu cấp đầy đủ thì không sao. Nhưng cũng có nhiều bạn hoàn cảnh gia đình khó khăn phải bươn chải kiếm tiền để lo cho cuộc sống. Dù có vất vả, khó khăn nhưng tôi tin rằng mai sau các bạn sẽ thành công và đạt được điều mình mong muốn.

Nguyễn Thị Thúy Hảo
Sinh viên lớp VHK32, ngành Văn hóa học – ĐH Đà Lạt

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.