Người gom nhặt ký ức thời bao cấp

0
860

Ngoài công việc viết báo, sáng tác văn và kịch bản, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến (Báo Hà Nội Mới) còn có một thú vui khá lạ: sưu tầm đồ thời bao cấp.

Anh Nguyễn Ngọc Tiến – Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tự nhận mình là người sống nhiều với quá khứ và khó quên những dấu ấn lịch sử của đất nước, anh Nguyễn Ngọc Tiến bắt đầu sở thích sưu tầm những đồ vật của thời bao cấp từ 10 năm trước. Kết quả của thú chơi này tính đến nay đã lên tới 10.000 món đồ, để chật kín ba tầng nhà anh. Diện tích sinh hoạt cá nhân bị co hẹp lại vỏn vẹn đúng trong một phòng ngủ chưa đầy chục mét vuông, bởi chủ nhân phải nhường chỗ làm kho cất đồ sưu tập. Anh Nguyễn Ngọc Tiến kể có lúc vừa mở cửa nhà, chính anh nhiều khi cũng phát hoảng khi thấy “núi” đồ sưu tầm đồ sộ cứ lấn dần diện tích từ trong ra ngoài, tràn tới gần mép cửa.

Đứng từ cửa nhìn thẳng vào nhà là vô số những đồ sưu tầm như bi-đông, ca nhôm, dép cao su, vòi nước công cộng, quạt tai voi Liên Xô, dần sàng thúng mủng, cối xay bột, nồi niêu xoong chảo cũ, bom bi… Những món đồ này khiến khách tới chơi phải ngại ngùng vì thấy nhà cửa lộn xộn và không có chỗ ngồi, trong khi các bà đồng nát đi qua thường rất thèm muốn, luôn xin mua. Anh từng phải đi thuê kho để cất giữ, bảo quản với hy vọng sau này có điều kiện sẽ làm một triển lãm riêng về thời bao cấp và thời chiến tranh chống Mỹ.

Anh Tiến thừa nhận mình luôn suy nghĩ và trăn trở về thời kỳ này, những điều không thể lý giải như tại sao một hòn đá có khắc tên người dùng để xếp hàng mua mấy lạng thịt lại có thể đại diện cho người ấy trong thời bao cấp… Chính từ những suy tư và tự nhắc mình không được lãng quên quá khứ đó, Nguyễn Ngọc Tiến đã tự mày mò tìm kiếm, sưu tầm từng cuốn sổ lương thực, từng tấm phiếu tem sữa, hoặc giấy đăng ký kết hôn, giấy chứng sinh đã ố vàng…

Đầu tiên anh huy động bạn bè, người thân tích cực lục lọi những đồ không dùng ở gia đình để tìm kiếm những món đồ thời bao cấp. Tiếp đó, anh thuê hẳn người chuyên tỏa đi các điểm tập kết hàng đồng nát, tìm kiếm những món đồ mà anh cho rằng có giá trị tinh thần to lớn. Mỗi lần được báo có một món hàng ở địa phương nào đó, anh lại gác mọi việc, lao xuống xem, nằn nì mua bằng được. Ngược lại cũng có nhiều món đồ do chính những độc giả hoặc khán giả đài truyền hình vô tình đọc được những bài báo hoặc chương trình truyền hình nói về thú chơi của anh mà cảm khái gửi tới tặng, như một sự chia sẻ, động viên.

Đồng hồ, radio và xe đạp thời bao cấp

Tem mua sữa thời bao cấp

Bên cạnh đó, anh Tiến cũng mất nhiều thời gian sưu tầm những đồ vật thời chiến tranh chống Mỹ như chiếc ca sắt tráng men, gạt tàn thuốc lá bằng vỏ máy bay B52, bi-đông đựng nước của nhà thơ Phạm Tiến Duật, gậy Trường Sơn của đại tá Bùi Đình Nguyên, mũ sắt, xác máy bay, vỏ bom bi, súng cao su của một cán bộ lão thành tặng… Kể từ khi quán cà phê Báo (65 Trần Quốc Toản, Hà Nội) phải đóng cửa, Nguyễn Ngọc Tiến không còn chỗ để trưng bày ít nhiều những món đồ sưu tập của mình. Nhưng anh cho biết sẽ tiếp tục tìm kiếm địa điểm mới để mở quán với mục đích giúp những người trẻ thời nay có điều kiện tìm hiểu về một thời quá khứ đáng ghi nhớ, từ đó thêm thông cảm với thế hệ của ông cha và trân trọng những gì mình hiện có.

Ánh Dương
(Nguồn: Thanh Niên Online)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.