Xã hội truyền thống của người Khmer vùng Tây Nam Bộ- Kỳ 2

0
782
Ngày thứ hai ở địa bàn: Khảo sát địa bàn chùa B.V
Sau khi chú F cho biết sáng hôm nay là một trong bốn ngày trong tháng người dân cúng cơm vô chùa, thầy T đã quyết định cho đoàn chúng tôi sáng nay tới chùa để tìm hiểu những vấn đề có liên quan đến nội dung nghiên cứu.
Khoảng hơn 7h sáng chúng tôi khởi hành, sau 20 phút đi bộ, chúng tôi có mặt tại chùa. Chú F đã có mặt và sẵn sàng hướng dẫn chúng tôi, chú F đưa chúng tôi đi một vòng trong chùa và hướng dẫn, giới thiệu các thông tin và trả lời các câu hỏi của chúng tôi đặt ra. Sau đây là một số thông tin mà tôi đã thu nhận được:
Chùa B.V thuộc ấp B.V, tổng thể chùa có ngôi chánh điện (Brahahra), hội trường (Sa la) nơi các sư ăn cơm và thuyết giảng, những ngôi nhà dành cho những người tu thiếp, hai tháp để cốt, một ngôi nhà đối diện với cổng chùa. Tất cả cơ sở vật chất của chùa này tương đối khang trang. Các chi tiết hoa văn hết sức độc đáo. Tại các mái chùa có các hình tượng con rồng và bốn cái đuôi quấn lại với nhau, hai bên cổng ra vào cũng có hai con rồng được xây dựng rất đẹp, nơi các cột chùa có các tượng người chim rất độc đáo.
Chùa B.V có diện tích bốn ha đất, trong chùa có một tháp cốt của một phụ nữ người Khmer. Khi được hỏi là người dân có xây tháp trong chùa hay không thì chú cho biết bây giờ có ai mất thì thiêu tại chùa và lấy cốt về nhà thờ chứ không xây tháp trong chùa, vì làm như thế sẽ làm hẹp diện tích đất chùa. Hiện nay, chùa có bốn ha đất ruộng, các đất này do ban quản trị chùa quản lý, hiện cho người dân thuê ruộng và lấy tiền đó phục vụ cho chùa. Cách đây khoảng10 năm, các sư có làm ruộng nhưng hiện thời thì không còn làm ruộng.
Trong chùa có trồng rất nhiều cây gỗ, chủ yếu là cây gỗ dầu và gỗ sao (một cây dầy cổ thụ mà mọi người cũng không biết tuổi của cây này)
Khi chúng tôi đi ngang tới một cái am nhỏ, làm bằng cây gỗ và lá dừa, chú Fa giới thiệu đây là A rắc phù hộ cho chùa và cho thú vật được bình an. Bên cạnh ngôi chánh điện là hai dãy nhà dung làm lớp học cho tín đồ, một trong hai dãy đã xuống cấp và có lẽ không còn sử dụng. Bàn ghế trong phòng đã không còn xếp ngay ngắn, bụi bặm bám đầy và cửa không còn khóa. Dãy còn lại mới hơn, cửa được khóa lại. Đây là nơi ở của các sư.
Theo như chú F cho biết thì chùa thường được xây về hướng nam, chánh điện xây về hướng Đông. Trước khi bước vào chùa, tôi bắt gặp hai bảng xi măng có ghi chữ Khmer. Tôi cũng quan sát thấy hai bảng này ở phía ngoài đường. Sau khi thắc mắc về điều này, chú F giải thích đó là tên và số tiền những người đóng góp xây hàng rào. Trước đây, hàng rào làm bằng dây thép gai. Khi một người trong nhóm có hỏi về việc có tên chú F trong bảng danh sách này không thì chú F mới nói đến vệc chú đóng góp và xây lò hỏa táng.
Người Khmer trước tổ tiên
(Ảnh minh hoạ- Nguồn: Internet)
 Cô D gợi ý cho chú, muốn được tới thăm lò hỏa tang thì chú rất sẵn sàng. Khi đi ngang qua các căn nhà thì chúng tôi được biết đây là nơi dạy chữ Khmer và chữ Pali. Sau các ngôi nhà này có một dãy khác gồm 21 phòng nhỏ với diện tích khoảng năm đến sáu mét vuông, chú F cho biết đây là nơi dành cho người tu thiếp.
Chú F cho biết sư cả là người lớn tuổi nhất trong Chùa và không làm theo nhiệm kỳ nhưng làm cho tới lúc hoàn tục thì thôi. Nếu không hoàn tục, người này phải làm cho tới chết. Riêng ban quản trị thì nhiệm kỳ là ba năm nhưng nếu có khả năng và uy tín thì vẫn được làm tiếp. Sư cả hiện nay đã giữ nhiệm vụ này đã được hai năm.
Tới lò hỏa thiêu cách khu vực chùa khoảng 70m, chúng tôi thấy một nơi để làm lễ trước khi hỏa táng. Mái che có bốn con rồng đầu hướng ra bốn hướng bốn đuôi cuộn lại và đỡ một tháp, trước đây chỗ này là nơi hỏa táng. Hiện nay, người ta đã xây một lò hỏa thiêu với kinh phí khoảng 300 triệu, xây dựng năm 2007. Trước đây, người chết không có con cháu hoặc không có điều kiện chi phí thì người ra chôn nhưng hiện nay tại các wện có hội mai táng.
Nếu trước kia, người ta phải mất hai đến ba thước củi để hoả tang một người thì bây giờ khi có lò hỏa táng họ chỉ sử dụng nửa thước (70.000đồng) vì lò hoả táng được xây xung quanh bằng đá lửa. Sau khi thiêu người chết xong,  người nhà lấy một phần cốt về nhà để thờ. Khi được hỏi là có trường hợp nào người dân đưa cốt vào chùa? Chú F trả lời là có hai trường hợp. Thứ nhất là nhà đó có nhiều người chết thì được đưa cốt vào trong chánh điện. Trường hợp thứ hai là người ta đi nơi khác nên gửi cốt ông bà, cha mẹ lai đây và hàng năm về làm lễ.
(Còn tiếp)
25/05/2011



Trần Thị Thuỳ Trang

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.