Có một Hà Nội với những mái ngói xô nghiêng, những cô nàng tóc đuôi gà, yếm thắm, những ông đồ “mực tàu giấy đỏ”… đang được tái hiện trong triển lãm “Để hiểu hơn một Hà Nội xưa”, khai mạc chiều 25/1.
Cuộc triển lãm, do tạp chí Xưa và Nay phối hợp với Thư viện Hà Nội tổ chức, diễn ra tại 47 Bà Triệu, Hà Nội. Đây là bộ sưu tập phong phú những tấm ảnh xưa, trong đó có những bức ảnh chụp từ thế kỷ 19. Ở đó, người ta nhận ra một Hà Nội thời thuộc địa, Tây hóa trong những công trình do Pháp xây dựng nhưng vẫn vẹn nguyên nét dân dã, nửa quê ở phố thị của một đất nước nông nghiệp.
“Và từng mái ngói xô nghiêng” đã làm nên nhạc của Phú Quang (Em ơi, Hà Nội phố) và tranh của Bùi Xuân Phái.
Với khoảng 100 chủ đề được giới thiệu, công chúng ít nhiều hình dung ra một Hà Nội xưa qua những di tích, hình ảnh 36 phố phường, những công trình kiến trúc, cách ăn lối mặc của người dân…
100 năm trước, Hà Nội bắt đầu có Cầu Long Biên, có Nhà hát lớn, có Khách sạn xa hoa Metropole – những dấu hiệu của một đô thị hiện đại và sầm uất. Nhưng người dân thành phố vẫn mặc yếm thắm, cột tóc đuôi gà, đội nón quai thao… Nay, nhiều nét văn hóa xưa đã vĩnh viễn không còn, nhiều công trình đã bị hủy hoại. Nhận xét về sự thay đổi của Hà Nội, nhà sử học Dương Trung Quốc nói: “Hà Nội đã thay đổi rất nhiều, có những thay đổi đáng tự hào, nhưng cũng có những điều đáng buồn, đáng trách… “.
Một số hình ảnh về Hà Nội xưa tại triển lãm
Chiếc yếm – trang phục quen thuộc của người dân Việt Nam xưa.
Thiếu nữ với cách vấn tóc đuôi gà.
Những ông đồ già với “mực tàu giấy đỏ” trên phố.
Chơi cờ tướng ở bãi sông Hồng.
Tượng “Bà công lý” (Monument de Justice) – phiên bản tượng Nữ thần Tự do của Pháp gửi tặng nước Mỹ. Bức tượng từng được đặt tại Hà Nội, nhưng sau đó bị phá bỏ.
Phố Hàng Lọng.
Nghề cạo mặt lấy ráy tai rong.
Hồ Gươm nhìn từ trên cao, xa xa là cầu Long Biên.
Lưu Hà
Nguồn: VnExpress, 27/1/2010