“Bảo tàng ký ức” của người thương binh già

0
659

Hơn 950 kỷ vật thời chiến không chỉ là kết quả của hàng chục năm bôn ba tìm kiếm, mà còn là những mảnh ký ức về một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” mà ông Vũ Đình Lưu ở số 9/17 Đặng Việt Châu (TP. Nam Định – Nam Định) chôn chặt trong đáy lòng.


Trong bảo tàng của mình, ông chú thích các kỷ vật và sắp xếp theo tiến trình lịch sử rõ ràng.

Hành trình đi tìm kỷ vật

Khi đang công tác tại Đà Nẵng, trong một lần tham quan Thành cổ Quảng Trị, nơi ông từng tham gia chiến đấu, những ký ức về một thời máu và hoa lại trỗi dậy mãnh liệt trong người thương binh này.

“Lúc đỏ, thành Quảng Trị còn ngổn ngang bừa bộn, người dân khu vực thường đào những đồ vật còn sót lại trong chiến tranh đem bán. Thấy vậy tôi cũng mượn một cái xẻng ra đào thì vô tình tìm được một chiếc màn, vài mảnh đạn và một khẩu súng. Khẩu súng thì tôi giao nộp, còn những kỷ vật khác tôi đem về nhà cất giữ làm kỷ niệm. Từ đó, tôi nung nấu ý tưởng sưu tập những đồ vật của đồng đội cũ”, ông Lưu nhấp một ngụm trà, mắt lim dim hồi tưởng.

Từ ngày nghỉ hưu, ông đi mọi nơi tìm kỷ vật chiến tranh, cứ ở đâu báo tin là ông lại tìm đến. Nhiều kỷ vật cầm trên tay ông không cầm được nước mắt. Sau dần, đồng đội cũ, bạn bè gần xa biết được tấm lòng của ông đã gửi tặng. ông kể: “Có hôm trời mưa rét căm căm, cụ Nguyễn Văn Thọ, thương binh thời chống Pháp đã chống nạng hơn 3km đến biếu chiếc balô vuông từ chiến dịch Điện Biên Phủ. Rồi đồng chí Phạm Văn Hợp, đại úy Trần Ngọc Phương (đều sống ở Nam Định), mỗi người tặng tôi tới 40 kỷ vật”.

Một ngày khác, lúc đang ngắm nghía những kỷ vật của đồng đội, bỗng ông nhận được cú điện thoại từ Nho Quan (Ninh Bình). Người gọi điện là chị dâu của một đồng đội đã khuất, liệt sỹ Đinh Hoàng Chiêu. Bà muốn tặng cho ông chiếc gùi được đặt trang trọng trên bàn thờ, là vật dụng được Nhà nước trang bị đầu tiên cho bộ đội trong đợt mở đường Trường Sơn.

Để giao tặng kỷ vật này, cả gia đình liệt sỹ Chiêu đã họp mặt thắp hương, mỗi người chạm vào chiếc gùi lần cuối. Nhớ lại cảnh đó, mắt ông vẫn còn cay: “Xúc động lắm, kỷ vật đó được coi như linh hồn, thịt da của người đã khuất, giờ họ tặng mình thì mình phải gìn giữ nó như là báu vật trong nhà”.

Sau những lần tìm kiếm, các đồ vật thời chiến trong căn phòng ông ngày một nhiều, ông sắp xếp ngăn nắp rồi cùng ăn cùng ngủ với chúng, như giữ bên mình hoài niệm về một thời hào hùng đã qua.

Một bảo tàng, muôn vạn ký ức

Sau nhiều năm đi tìm kiếm, sưu tầm kỷ vật chiến tranh, đôi chân của người lính già đã in dấu khắp mọi miền Tổ quốc. Sau mỗi chuyến đi như thế, ông lại mang về khi thì vài chiếc huy hiệu, cái mũ tai bèo, lúc vài con dao nhíp hay cuốn nhật ký còn viết dở… Con đường đi tìm kỷ vật của ông cũng lắm gian nan, mỗi kỷ vật đều mang dấu ấn của một hành trình, một câu chuyện vui buồn.

Cuối năm 2007, số kỷ vật trong căn phòng nhỏ bé của ông đã lên tới hơn 300. Mỗi ngày lại có kỷ vật được gửi đến, căn phòng ngày càng chật chội.

Ý tưởng về một bảo tàng manh nha trong đầu ông. Thấy nhà bên cạnh rao bán, ông liền mua và cho tu sửa để cất giữ đồ vật. ông trang bị máy điều hòa, hút ẩm, hệ thống chiếu sáng để bảo quản đồ vật.

Với diện tích căn nhà hơn 40m2, ông chia làm ba khu: Kỷ vật thời kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ và thời kỳ bao cấp. Các kỷ vật được trưng bày theo tiến trình lịch sử và có chú thích rõ ràng. Bảo tàng tuy mới chính thức được công nhận vào tháng 12/2007, nhưng đến nay đã có hàng nghìn lượt khách đến tham quan, đông nhất là các em học sinh. “Bảo tàng của tôi đang lưu giữ rất nhiều kỷ vật có giá trị lịch sử như bản đồ biệt khu Sài Gòn trước năm 1975, chiếc máy ảnh của Pháp được sản xuất từ năm 1923, tấm khăn choàng… Cũng có nhiều kỷ vật mang theo một câu chuyện đẹp, thấm đượm tính nhân văn”, ông Lưu tâm sự.

Câu chuyện về chiếc chăn của anh bộ đội Lê Minh, bạn học cùng phổ thông với ông Lưu là một minh chứng. Vào chiến trường, anh Minh mang theo một chiếc chăn chiên rất nặng so với sức vóc của mình, khi đơn vị hành quân qua Quảng Bình, một bà mẹ đã đổi cho một chiếc chăn len nhẹ và ấm hơn, để anh đỡ vất vả.

Trong ruột chăn có hình một cô thôn nữ đang trao chiếc chăn cho anh bộ đội trước khi vào chiến trường với lời nhắn nhủ: “Ngày chiến thắng nếu anh trở về mang theo chiếc ruột này, chúng mình sẽ thành đôi!”. Nhưng anh Minh đã không về.

Hiện ông Lưu vừa làm giám đốc bảo tàng kiêm cả công việc thuyết minh cho khách. Với ông, đó cũng là cách để lưu lại trong mình ký ức của những năm tháng không thể nào quên.

Hoàng Dân

Nguồn: Kinh tế Nông thôn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.