Hà Nội giai đoạn 1873-1888 (3)

0
784

BTKUXH – Hướng về đại lễ 1000 năm Thăng  Long – Hà Nội, chúng tôi xin giới thiệu bản dịch nội dung quyển sách “Hà Nội giai đoạn 1873-1888” của tác giả André Masson viết về Hà Nội những năm cuối thế kỷ 19 để chúng ta hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử của thành phố qua góc nhìn của một nhà nghiên cứu phương Tây. Quyển sách do Nhà Xuất bản Hải Phòng biên dịch và ấn hành.

Chương 1: Trường Thi

Hãy chào đón thành phố, một trong những góc của thế giới

Jules Boissière

Ngày nay, cả tường vây lẫn nhà cửa trong Trường Thi (Camp des Lettés) không còn nữa nhưng người ta vẫn tìm thấy nó trên các bản đồ cổ và có thể tái hiện các cơ sở bên trong nó nhờ một phác thảo chi tiết về Trường Thi vẽ vào năm 1875 và ghi chép của lãnh sự quán chúng ta về cuộc thi năm 1876 và 1879.

Nằm ở phía Đông Nam của Thành Hà Nội (Citadelle) và ngoài khu buôn bán một chút, Trường Thi có kích thước khoảng 150x200m và chiếm khu vực hiện nay giới hạn bởi các phố Borgis Desbordes (nay là Tràng Thi – chú thích của người dịch) ở phía Bắc, phố Lamber (nay là Dã Tượng – chú thích của người dịch) ở phía Tây, đại lộ Jauréguiberry (nay là Quang Trung – chú thích của người dịch) ở phía Đông và ở phía Nam là đường thẳng chạy từ Trường Mỹ thuật Ứng dụng (Ecole des Arts appliqués) tới Tòa án. Nó bao trọn các cơ sở hiện nay là Sở Lưu trữ và Thư viện (Direction des Archives et Bibliothèques), Tổng Thanh tra Nông nghiệp (Inspection générale d’ Agriculture), Sở Hiến binh (Gendarmerie) và Trường Mỹ thuật Ứng dụng.

Giống như mọi trường thi khác ở An Nam, Trường Thi Hà Nội được phân thành hai khu vực chính: một khu hoàn toàn tự do, trừ một ngôi nhà nhỏ ở trung tâm gọi là nhà Thập Đạo, dành cho các thí sinh, một khu vực khác gồm các tòa nhà cho giám khảo. Khu giám khảo lại chia thành ba khu nhỏ, mỗi khu nhỏ dành cho giám khảo của một trong ba kì thi.

Nếu đi từ khu thí sinh sang khu giám khảo, trước hết ta gặp ngoại trường là nơi ở của chánh chủ khảo; tiếp đến, một khu hình chữ nhật nhỏ là chỗ ở của các quan đề tuyền, những người nhận bài vào cuối ngày thi sau đó ghi số phách và cắt phách bài thi; cuối cùng, nội trường là nơi các giám khảo chấm sơ khảo và phúc khảo.

Trong khi khu thí sinh thông với bên ngoài bằng chín chiếc cửa thì khu giám khảo ba mặt bị đóng kín một cách nghiêm ngặt vì chỉ có một cửa thông sang khu thí sinh. Trong suốt 35 ngày diễn ra cuộc thi, các giám khảo không được ra ngoài khu của mình dưới bất kì lí do nào, thậm chí người trong ban chấm kì này cũng không được gặp người trong ban chấm kì khác vì lúc nào cũng có hai người lính gác trước các cửa thông các khu với nhau. Ngược lại, các thí sinh có thể gặp nhau. Tất cả có ba kì thi và đều là thi viết. Mỗi kì diễn ra đúng một ngày và kì sau cách kì trước 10 ngày.

Trên sơ đồ vẽ lại dưới đây (hình 5), người ta thấy rất rõ hai khu cũng như các khu nhỏ và các cửa như mô tả ở trên. Phần bản đồ ứng với khu thí sinh, ta không thấy có một ghi chú nào. Ở phần kia ta có thể đọc được các ghi chú năm 1875 cho các ngôi nhà của giám khảo: các ngôi nhà ở khu ngoại trường dành cho các quan võ, thầy thuốc, quan khâm mệnh và các quan vĩ chỉ huy và binh lính. Cách bố trí của các kì thi năm 1876 và 1879 không có gì thay đổi so với sơ đồ trên.

Trên đây là những nét chung về Trường Thi khi Francis Garnier đổ bộ lên Hà Nội vào ngày 5-11-1873. Vài ngày trước đó, ông ta viết thư cho tuần phủ Hà Nội: “Tôi cần một chỗ ở đủ an toàn cho đội quân của tôi. Tôi thấy Thành Hà Nội là thích hợp nhất cho việc này”[1]

Các quan An Nam khăng khăng không chịu thỏa mãn yêu cầu đó. Quên hẳn tính chất chính thức của phái đoàn Garnier, các quan đã khiêu khích, thậm chí đề nghị ông ta thuê nhà trọ. Hãy nghe Francis Garnier kể đã thoát ra khỏi tình thế khó khăn đó như thế nào[2]:

30 người để tìm hiểu chỗ ở dành cho chúng tôi. Đội cận vệ Titai người Vân Nam do người Châu Âu chỉ huy đứng thành hàng rào danh dự trên đường đi của tôi. Chẳng lâu la gì tôi tới công quán, nơi người ta nói đó là chỗ đón tiếp tôi. Chỗ ở của quan khâm sai triều đình (Envoyeé de Hué) liền bên cạnh chỗ tôi. Như vậy, mọi việc được tính toán để tôi không có bất cứ cớ nào vào Thành Hà Nội. (Thực ra, Garnier cố tình hiểu sai chức năng của công quán – chú thích của người dịch)

Sau bức thư của tôi, thật là buồn cười khi người ta đề nghị tôi cho một trăm người cùng với pháo binh ở trong quán trọ ngay giữa phố xá, không có một phương tiện chống cự nào khi bị tấn công, không thể cách li binh lính với dân chúng, không có khả năng giữ kỷ luật quân đội khi ở lẫn với dân chúng. Trong đầu tôi không lúc nào rời ý nghĩ không chấp nhận những chỗ ở như vậy, kể cả chấp nhận tạm thời. Thế là tôi cùng một nửa quân số tiến về Thành Hà Nội, để một nửa ở lại đuổi những người tò mò và bảo vệ việc bốc dỡ hàng. Tôi gửi một bức thư đi trước báo cho nhà cầm quyền tôi sẽ chỉ dừng lại ở nhà tổng đốc. Ông Dupuis đã cho tôi biết về sự có mặt ở Hà Nội của tổng trấn Bắc Kỳ, tướng Nguyễn Tri Phương, địch thủ cũ của chúng ta ở Kỳ Hòa mà ngài đã yêu cầu triều đình triệu hồi. Ông Dupuis cho rằng ông ta không nghĩ tôi sẽ tới và sẽ về nhiệm sở ở Tây Sơn. Qua viên cố đạo An Nam phải gấp tới chỗ tôi để yêu cầu tôi chờ nhà cầm quyền chuẩn bị việc đón tiếp, tôi biết tướng Nguyễn Tri Phương vẫn còn ở trong Thành Hà Nội. Ngay lập tức tôi tới chỗ ông ta, đồng thời truyền lệnh cho ông Trentitian mang 20 người tới chờ tôi ở cổng thành. Tôi qua cổng không gặp một trở ngại nào. Người ta bắt tôi dừng lại hai lần để chờ tướng Phương, nhưng tôi không nghĩ phải đứng chờ trong phố chỉ vì ý thích của ngài tổng trấn là không một việc thích hợp, thế là tôi đi vào phòng tiếp kiến. Viên tướng chấp nhận ra mắt và ngay lập tức xuất hiện trong y phục dùng trong nhà. Ông ta tỏ ra nhanh trí, vừa bắt tay vừa nói với chúng tôi mấy câu tiếng Pháp, cho mang đồ giải khát ra, giới thiệu viên khám sai của triều đình và tuần phủ Hà Nội tới sau đó một lúc. Tôi tỏ ra ngạc nhiên về chỗ ở dành cho tôi và yêu cầu phải chỉ ngay cho tôi trong buổi họp này một chỗ khác có đủ các điều kiện an ninh, nếu không tự tôi sẽ chọn một điểm thích hợp trong Thành để ở. Dĩ nhiên không có chỗ trong Thành và chẳng có chỗ nào xứng cho tôi. Trước sự kiên quyết của tôi, tướng Phương nói là gần Thành Hà Nội có một cái trại là có lũy tương tự như trường thi Sài Gòn trong có nhiều nhà rộng đáp ứng được an ninh. Từ chối trước việc xem xét các địa điểm và luôn luôn có ý cắt đứt các cuộc đàm phán, tôi ra lệnh cho viên phó của tôi, ông Esmez, đi xem địa điểm đó và quay lại báo cho tôi biết. Trong thời gian ông Esmez vắng mặt, câu chuyện đề cập tới những chuyện bình thường. Tôi nghe thấy ở phía sau tiếng thì thào là các cổng thành vừa mới được đóng lại khi đơn vị Trentinian lại gần. Tôi vừa cười vừa nói với tướng Phương rằng việc đề phòng như vậy là vô ích vì trước đó tôi đã không ra lệnh cho đơn vị này tiến vào thành. Ngài tổng trấn cũng ngạc nhiên như tôi về hành động thiếu tin cậy đó. Ông ta nói với tôi rằng các thuộc viên của mình quá nhiệt tình trong công việc.

Khi quay lại, ông Esmez nói với tôi rằng khu nhà đề nghị là khu nhà thích hợp nhất, tường vây có hào bao quanh bảo vệ, số lượng nhà đủ cho số người gấp năm lần số người của chúng tôi, nhưng nhà nào cũng chỉ có bốn bức tường. Thế là tôi chỉ còn việc nêu lên vấn đề chuyển ngay những vật dụng cần thiết nhất cho việc ăn ở của đội quân. Ngay lập tức, tướng Phương điều khoảng 300 hay 400 người làm việc đó trước khi cáo từ. Ngay tối hôm đó toàn bộ đội quân viễn chinh đóng trong chỗ ở mới một cách thoải mái”.


[1] Hồ sơ Các Đô đốc số 124844, Sở Lưu trữ Trung ương Đông Dương.

[2] Hồ sơ các Đô đốc 12461, Sở Lưu trữ Trung ương Đông Dương. Thư chưa công bố: Romanet du Caillaud và H. Gautier có thể cho biết một số chi tiết về việc Garnier tới Hà Nội không phải theo tài liệu này mà theo một bức thư ngắn hơn Garnier gửi em mình và theo lời kể của viên đội Imbert.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.