Nguyễn Trường Tộ và hậu thế

0
1337

BTKUXH – Với cái nhìn của người hậu thế khi tìm tòi lại những cứ liệu lịch sử, chúng tôi không khỏi xót xa với vận mệnh của đất nước trong thời loạn lạc… chuyện kết án và quy tội mất nước có lẽ là việc chẳng đặng đừng, bởi vì mỗi hòan cảnh lịch sử và những con người sống trong hòan lịch sử đó đều có thế giới quan riêng và đôi khi sự nhìn nhận hạn chế của một vài người dẫn đến một kết cục bi thương cho cả dân tộc. Hoặc sự sáng suốt của những bậc cao minh nhưng không đúng thời cuộc thì cũng đành ngậm ngùi nhìn vận nước rơi vào tay ngọai xâm. Chính vì vậy, trong bài viết này, chúng tôi muốn nhìn nhận lại cuộc cải cách của Nguyễn Trường Tộ ở Việt Nam dưới triều đại nhà Nguyễn. Một triều đại chịu trách nhiệm với lịch sử dân tộc với việc đánh mất giang san về tay giặc Pháp.

Trí tuệ của Nguyễn Trường Tộ thể hiện bản lãnh trí tuệ Việt Nam. Vượt xa khỏi tầm thời đại, ông đã vượt lên trên tất cả vua quan triều Nguyễn lúc bấy giờ, những người bị ám muội bởi tư tưởng cổ hủ của Tống Nho giữa lúc thời thế đòi hỏi phải canh tân.

Mục đích canh tân là để nước mạnh, để giữ nước. Đó là tư tưởng nhất quán của Nguyễn Trường Tộ. Trong 14 tập tờ trình, ông đề cập tới nhiều lĩnh vực canh tân. Khai mở tình hình đại cuộc thế giới trước họa xâm lăng để vua và quần thần cùng suy ngẫm, tìm kế sách khôn khéo, lâu dài khôi phục chủ quyền những vùng đất bị mất, chính sách thuế má, khai thác tài nguyên, chính sách khai hoang, tinh binh tinh cán và hiện đại vũ khí trong quốc phòng, chính sách đổi mới giáo đục, gửi học sinh du học tại các quốc gia có nền kỹ nghệ tiên tiến, mở cửa, bắt tay với nhiều quốc gia để học hỏi và để mưu đồ chống thực dân xâm lược v.v…

Để phá vỡ thế cô biệt, tăng thế mạnh quốc gia, ông chủ trương mở rộng ngoại giao với nhiều nước, nhằm tranh thủ sự giúp đỡ của họ, ghìm bước chân xâm lăng của thực dân Pháp, tìm bè bạn học hỏi kinh nghiệm, liên kết với nhau trong các nước lân bang. Khi quốc gia hưng thịnh, hội được những điều kiện cần thiết sẽ tạo thời cơ thu hồi những vùng đất đã mất, giữ được chủ quyền, đánh đuổi Pháp quốc. ông đề nghị mở thêm nhiều cảng biển, cảng sông tiện bề giao thương kinh tế, mở rộng ngành nghề, khuếch trương buôn bán. Chủ trương cho nước ngoài vào đầu tư, việc này có nhiều ý nghĩa: Quốc gia thêm nguồn thu nhập, dân ta có thêm việc làm, lại học hỏi được công kỹ nghệ tiên tiến của Tây phương.

“Dân là dân của ta, đất là đất của ta, cớ sao mà sợ mất”, ông quan niệm. Đây là một cách nghĩ thật mới và chí lý của Nguyễn Trường Tộ. Khi kêu gọi đầu tư với nước ngoài. ông đề ra mấy phương thức: Các công ty nước ngoài bỏ vốn tự đầu tư, còn Nhà nước thu thuế thông qua lợi nhuận. Và cũng có thể họ cùng ta liên doanh trên cơ sở đôi bên sử dụng lợi thế của mình. đôi bên cùng có lợi. ông còn cẩn thận nhắc nhở, “cần hết sức cảnh giác khi ký kết hợp đồng với các đối tác nước ngoài. Để chấn hưng kinh tế nước nhà, ông lưu ý, phải coi nông nghiệp là gốc. Bởi thế, ông đề nghị triều đình lập ra bộ canh nông để thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Đối với đất ruộng, đất đồi, núi, trang trại, vườn tược, phàm trồng cây ăn quả, thu hoạch hay trồng cây lấy gỗ đều phải theo phép nước, có sự chỉ dẫn, quản lý của chính quyền các cấp.

Để khuyến khích những người biết làm ăn giỏi, phải có chế độ khen thưởng xứng đáng: khen thưởng cho những người giỏi chài lưới, đánh bắt, chế biến cá mú, biết khai thác từ đất hoang phế, khuyến khích những người biết cách đào khai kênh mương, đắp đập, chống hạn, dẫn thủy nhập điền.

Về chính sách tài chính quốc gia, chủ yếu là thuế má, ngay từ ngày đó, ý thức công bằng, hướng đến người nghèo là một tư duy sáng sủa. Ông chủ trương: Đánh mạnh thuế cờ bạc, thuế rượu, hàng tơ lụa xa xỉ, thuế nhà cao cửa rộng. Nhưng để không thất thoát thuế thu, cần điều tra dân số, ngăn chặn bọn hào lý địa phương gian đối.

Trong giáo dục, ông phản đối lối học tầm chương trích cú, đóng cửa khư khư giữ lấy cái sự học lỗi thời chỉ cốt có học vị bằng cấp. Ông chủ trương học để thực hành. Ngay cả bản thân, ông không hề đề tên ứng thí một khoa nào, không hề có bằng cấp gì nhưng kiến thức của ông sâu rộng mang tầm bách khoa, uyên thâm trong nhiều lĩnh vực.

Theo ông cần phải đưa vào chương trình giáo dục những tri thức về nông nghiệp, địa lý, thiên văn, công nghệ, luật pháp, nghĩa là những gì xã hội, cuộc sống hiện đại thực sự cần tới trước mắt và lâu đài, chứ không phải dùi mài tứ thư ngũ kinh với những giáo huấn xa vời của Khổng Mạnh.

ông cũng sớm đề xuất soạn tự điển cho người học, nghiên cứu Hán học, Tây học. Có thể nói, những suy nghĩ canh tân của Nguyễn Trường Tộ bao trùm toàn bộ cuộc sống. Những đề xuất của ông không chỉ trên phương diện lý thuyết, phương hướng mà còn bàn cụ thể, rất chi tiết tới những biện pháp thực hiện. Trước khi bạo bệnh khiến ông phải từ giã cuộc đời khi chưa tròn 44 tuổi. Nguyễn Trường Tộ còn gửi một tờ trình lên Nam triều, hối thúc thực thi những chính sách canh tân của ông. Ông coi đó là những biện pháp vô cùng khẩn cấp, chớ nên nói,” ‘hãy để đến sang năm”. Ông hối thúc triều đình cử phái bộ đi Tây để mở rộng ngoại giao, lợi dụng những khó khăn, mâu thuẫn nội bộ của Pháp đặng tìm đối sách thích hợp.

Nhưng không chỉ phái bộ như ông đề xuất không được cử đi Tây mà những tư tưởng và biện pháp canh tân đất nước với tất cả tấm lòng đau đáu vì vận nước của Nguyễn Trường Tộ, triều đình thời vua Tự Đức cũng không hề quan tâm. Vì đầu óc bảo thủ, vì sự thờ ơ, vô trách nhiệm đối với dân với nước mà vua quan triều đình bỏ qua những chủ trương táo bạo, đúng đắn vào lúc đất nước đang cần mạnh lên hơn bao giờ hết. Trong khoảng hơn mười năm suy ngẫm, ông đã gửi nhiều tờ trình canh tân đất nước, trên một quyết sách tránh ngoại xâm, Nguyễn Trường Tộ minh chứng một đầu óc sáng suốt, một tinh thần can đảm, quyet nói thẳng, nói hết những điều mình suy nghĩ mà không sợ “khi quân” vì sự tồn vong và hưng thịnh của đất nước.

Nói đến trí tuệ Nguyễn Trường Tộ không ai không khỏi khâm phục ông qua 58 bản “điều trần” ông dâng vua Tự Đức đã được tác giả Trương Bá Cần giới thiệu trong cuốn Nguyễn Trường Tộ – con người và di thảo[1]. Trong bản trần tình ông viết: “Về việc học không môn nào tôi không để ý tới: cái cao của thiên văn, cái sâu của địa lý, cái phiền toái của nhân sự, cho đến luật lịch, binh quyền, tạp giáo, dị nghệ, các môn cách trí, thuật số, không môn nào tôi không khảo cứu, nhất là để ý nghiên cứu về sự thế ngang dọc, tan hợp trong thiên hạ”[2]. Cái học của ông không phải là cái học từ chương câu chữ theo kiểu sôi kinh nấu sử như các nho gia bấy giờ thường làm, mà cái học của ông là cái học ứng dụng, học đi đôi với hành để giúp đời. Nhận xét về cái học của Nguyễn Trường Tộ, giáo sư Hồ Lê viết: “chỉ riêng phần di thảo thu thập được và in trong sách của Trương Bá Cần đã dài hơn 20 vạn chữ. Trong đó phần lớn được xem là những công trình khoa học nghiêm túc, chỉ rõ thế đứng chênh vênh của Việt Nam trên trường quốc tế, giới thiệu nhiều thành tựu mới của phương Tây và đề xuất chiến lược để Việt Nam thoát hiểm và tiến lên”[3]. Ông uyên thâm cả Nho học lẫn Tây học. Có lẽ chính Nho học đã dạy ông rằng: “Đại học tri đạo tại minh minh đức, tại tân dân, tại thỉ ư chí thiện”. Và Tây học đã cho ông cái thực nghiệm của khoa học kỹ thuật ứng dụng. Hai cái đó trở thành tuyệt hảo của tài và đức nơi con người ông và theo ông suốt cả cuộc đời.

Hồ Nguyên Đức


[1] Xem Trương Bá Cần, Nguyễn Trường Tộ – con người và di thảo, NXB tp HCM, 1988.

[2] Xem Trương Bá Cần, Sđd, Tr 120.

[3] Xem Hồ Lê, Trí tuệ và nhân cách Nguyễn Trường Tộ, trong cuốn Nguyễn Trường Tộ với vấn đề canh tân đất nước, Viện KHXH, trung tâm nghiên cứu Hán Nôm xb, 1992, Tr 183 –184.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.