“Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất ta sẽ chỉ cho” (St.12,1)
Giáo xứ Lai Ổn xưa kia được thành lập năm 1659, còn được gọi là Kẻ On hay xứ Phủ Thái, thuộc địa phận Đàng Ngoài. Giáo xứ bao gồm nhiều nhóm họ đã lãnh nhận Đức Tin Công Giáo cư ngụ trong các làng mạc chiếm cả phía Bắc tỉnh Thái Bình ngày nay. Năm 1679, giáo xứ thuộc địa phận Đông, năm 1848 thuộc địa phận Trung và năm 1924 thuộc địa phận Bùi Chu.
Năm 1936, giao xứ thuộc địa phận Thái Bình. Năm 1954, giáo xứ chỉ còn tám họ gồm: Lai Ổn, Đồng Bằng, Vọng Lỗ, Đại Điền, Trung Chu, Đồng Au, Thuỷ Cơ, và Cao Nội. Người giáo dân chủ yếu sống bằng nghề nông, hiền lành, chất phác. Nhiều người cả đời chưa hề bước chân ra khỏi khu vực sinh sống. Cảnh bom rơi, đạn lạc ngày càng tăng cường độ làm nhiều người phải mất mạng, nhiều gia đình phải tản cư đến nơi khác an toàn hơn, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống gia đình.
Sự kiện tháng 7 năm 1954, người nông dân chẳng biết sự gì đã xảy đến. Chẳng ai bảo ai, những người còn ở lại các giáo họ xa xôi đã ùn ùn kéo về nhà xứ như những dòng nước từ con suối nhỏ đổ ra suối cái. Tất cả họ dừng chân tại nhà xứ để nghỉ ngơi, kiểm tra dân số và nhận thông báo về cuộc di cư 1.
Sáng ngày 27/7/1954, cha chánh xứ Đaminh Đỗ Đức Thụ cùng toàn thể dân xứ hiệp dâng thánh lễ cuối cùng tại nhà thờ nhà xứ Lai Ổn để xin ơn bình an cho cuộc lữ hành. Sau thánh lễ, cha xứ bùi ngùi lên tiếng từ giã thầy xứ và những người giáo dân ở lại, từ giã ngôi thánh đường thân yêu, giã từ quê hương yêu dấu là nơi các bậc tổ tiên đang an nghỉ, làm nhiều người mủi lòng và khóc nức nở.
Đúng 13 giờ cùng ngày, cha xứ dẫn đoàn chiên lên đường, đoàn người lũ lượt theo nhau, tay xách, nách mang ra đi trong thinh lặng buồn bã. Họ bỏ lại sau lưng tất cả nhà cửa, trâu bò, ruộng vườn, mồ mả tổ tiên. Hành trang quý nhất họ mang theo là một “niềm tin”. Thỉnh thoảng người ta ngoảnh đầu lại ngắm nhìn làng xã thân yêu mỗi lúc một xa dần, rồi mất hút. Sau ba cây số, qua sông Luộc rồi họ nghỉ đêm tại Phụ Dực. Sáng ngày, một đoàn xe đến chở dân xứ sang An Thổ, nghỉ lại đây một đêm, cha xứ cho giết con ngựa quý của mình đãi giáo dân một bữa tiệc.
Ngày hôm sau, đoàn xe lại đến chở dân xứ ra Xuân Sơn (Kiến An), nghỉ lại đây 25 ngày tại giáo xứ Liễu Dinh để chờ đón những người trong xứ đi sau. Ở đây, tất cả mọi người đều được chích ngừa và chủng đậu. Ngày thứ 25, xe lại đến chuyển dân xứ ra Hải Phòng tá túc qua đêm. Sáng sớm hôm sau, dưới cơn mưa dầm, đoàn xe tiếp tục chuyển bánh ra bờ biển, sau đó mọi người được hướng dẫn xuống tàu “Há Mồm”. Tàu ra khơi, dân xứ được đưa lên chiếc tàu loại lớn, bên hông tàu có đề con số 500 đã đậu sẵn ngoài Biển Đông. Dân xứ được dành cho một boong tàu rất rộng, nên sớm tối người giáo dân được tham dự thánh lễ và rước lễ như của ăn đàng mà đi cho đến nơi. Sau bốn ngày lênh đênh trên biển cả, con tàu dừng lại thả neo. Lần lượt từng chiếc ca-nô cặp sát con tàu, chở dân xứ tiến thẳng vào bến đò Bình Đông Sài Gòn. Ở đây người ta đã dành sẵn những gian nhà kho (chứa gạo) rộng lớn cho dân di cư tạm dừng chân. Tại đây, cha xứ cử hành thánh lễ tạ ơn Chúa vì cuộc hải hành của dân xứ được bình an. Cha cũng căn dặn mọi người hãy yên tâm nghỉ lại đây để cha đi tìm địa điểm định cư thích hợp. Thời gian ở lại đây, cha đã mua được một bộ kèn trống và não bạt 2.
Một buổi chiều trung tuần tháng 9/1954, đoàn xe của Tổng Uỷ Di Cư đến. Mọi người thu hành trang lên xe, đoàn xe len lỏi rồi hướng ra quốc lộ 1 tiến về địa phận tỉnh Biên Hoà. Đến cây số 9 Hố Nai (gần chợ Thánh Tâm ngày nay), đoàn xe dừng lại, lúc này trời đã chạng vạng tối. Trước mắt mọi người là hàng loạt những chiếc lều bạt lớn nhỏ đã được căng sẵn, trông giống như một làng của những người tí hon giữa cánh rừng hoang sơ tàn tạ. Các lều bạt được phân chia theo khu vực cho từng giáo họ, gia đình nhiều người thì được chia cho chiếc lều lớn hơn gia đình ít người. Mọi người lo thu dọn nền đất rồi kiếm ít cỏ rác để lót nền. Đêm đầu tiên trong cảnh màn trời chiếu đất giữa cánh rừng hoang vu thật là kinh hãi. Nghe nói trong rừng có thú dữ, nhiều người không ngủ được, đêm khuya thanh vắng, tiếng côn trùng rên rỉ khắp mặt đất. Đột nhiên, có tiếng của một người phụ nữ thét lên, rên la đau đớn. Nhiều người chạy đến cứu giúp, nhưng chẳng thấy có vết thương nào ngoài một nốt chấm đỏ. Với ánh đèn kỳ leo lét, người ta tìm kiếm mãi mới phát giác thấy một con côn trùng có hình hài ghê sợ. Đầu nó có hai cái càng to, có nhiều chân nhỏ và một cái đuôi uốn cong vút. Ngoài đồng bằng bắc bộ người ta chưa thấy con gì như vậy 3. Tiếp theo sau là một cơn mưa tầm tã, khiến mọi người ngồi xổm mà thức suốt đêm.
Qua đêm đầu tiên, khi bình minh ló dạng, mọi tín hữu lại tụ tập quanh bàn thờ tạm, cùng với cha xứ dâng thánh lễ tạ ơn Chúa với tâm tình sốt mến. Sáng hôm đó, người ta chở đến gồm: Thực phẩm, nước và các dụng cụ dùng trong xây dựng để cấp cho dân. Cha và các vị trùm họ cùng nhau đi thị sát các khu vực chung quanh để lên phương án lập cư. Trước tiên, họ đi theo một con đường lớn từ quốc lộ vào rừng, ngay đầu đường có một cái bảng ghi là “Đường Colonel” (con đường chợ Thánh Tâm ngày nay). Tiến sâu vào chừng 200 mét, phái đoàn phát giác ra một con suối lớn có nước trong vắt, ngọt và chảy thường xuyên, đây là tín hiệu đáng mừng, vì nguồn nước do Uỷ Ban Định Cư cung cấp chỉ đủ uống mà thôi.
1 – Không ai được mang hành trang nặng quá 50kg.
2 – Bộ trống kèn này cha mua của người dân di cư thuộc gốc Rí (Đọ)
– Giáo xứ cũng mang theo được 2 cây kèn không có phím.
3 – Người phụ nữ bị bọ cạp chích
Đức Khương
Các bài viết liên quan: