Là cây bút có giá trị sử liệu nổi tiếng nói thẳng, không sợ mất lòng, Vương Hồng Sển khẳng khái nhận xét bậc tiền bối của mình: “Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của là ba ông minh triết bảo thân, gần bùn mà chẳng nhuốm mùi bùn, không ham “đục nước béo cò” như ai, thấy đó mà mừng thầm cho nước nhà những cơn ba đào sóng gió còn người xứng danh học trò cửa Khổng…”.
Nhà mồ Trương Vĩnh Ký
Giữ đạo nhà
Suốt buổi chiều ngồi trò chuyện với chúng tôi về ông cố Trương Vĩnh Ký của mình, hậu duệ Trương Minh Đạt cứ đau đáu nỗi lòng: “Người ta nói theo Tây tìm lợi lộc, nhưng cố tôi giàu sang gì đâu, đến xuôi tay vẫn còn giấy nợ bên mình. Nhiều tài liệu nói nhà mồ này do Trương Vĩnh Ký tự xây trước, nhưng tôi nghe cha mình kể lại có lẽ không phải vậy. Đến đời con trai cố tôi, nhà mồ này mới được xây dựng cho cha mẹ yên nghỉ không tủi nắng mưa và cho cả chính mình, nên trong nhà mồ còn có phần mộ người con đầu Trương Vĩnh Thế”.
Vũ Ngọc Phan: “Ông là một nhà bác học hơn là một nhà văn, ông lại hơn người ở chỗ làm việc rất mải miết, rất đều đặn, nên sự nghiệp văn chương của ông thật lớn lao…”.
Jean Bouchot: “Ta thấy con người thuần Nam kỳ ấy đã sánh kịp các nhà thông thái bậc nhất của châu Âu trong đủ mọi ngành khoa học”.
T. Thomson: “Tôi không bao giờ quên được nỗi sững sờ khi người ta giới thiệu ông với tôi. Ông nói tiếng Anh rất giỏi, hơi pha chút ít giọng Pháp, còn tiếng Pháp của ông thì thật thanh lịch, tao nhã. Tiếng Tây Ban Nha, Ý, Bồ Đào Nha … đối với ông đã trở thành quen thuộc”.
|
Chuyện nhà mồ ở đại lộ Galliéni nay là Trần Hưng Đạo, TP.HCM được xây dựng năm nào chưa thể rõ ràng vì nhiều tài liệu gia tộc họ Trương không còn ở đây, nhưng có một điều xác tín rằng cả đời nhà bác học ngôn ngữ này đã sống đạo thanh khiết, thậm chí nghèo khổ cuối đời. Trong tất cả hình ảnh còn lại về ông, cả những lúc làm việc, dạy học, viết sách hay đeo huân chương trên ngực … chưa bao giờ thấy ông rời bỏ áo dài khăn đóng truyền thống của tổ tiên.
Một người biết 26 thứ tiếng, từng dạy học vua Đồng Khánh, thông ngôn sứ bộ Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, có tài năng và đức độ khiến các đại văn hào, nhà khoa học, chính khách nổi tiếng như V.Hugo, Littré, Renan, Paul Bert … phải quý mến, kết giao mà vẫn trọng giữ lấy lề thầy đồ thanh bạch của dân tộc. Ông mang tên đạo Pétrus Ký nhưng dứt khoát không nhập tịch Tây. Trả lời thắc mắc sao không “vào dân Tây”, ông đã khí khái bày tỏ: “Tôi lấy sự ấy làm trái tự nhiên không ăn thua vào đâu … Không lý trời sanh ra tôi làm con quạ, bây giờ nói tôi một hai là con cò làm sao đặng? Nên là điều trái tự nhiên hết sức. Đặng một bên mất một bên, lợi thì ít mà hại thì nhiều”. Đó chính là lối sống mà Trương Vĩnh Ký đã tự bạch bằng câu cách ngôn Latin “Sic vos non vobis” (ở với họ mà không theo họ). Sự hiểu biết, tài năng và những gì làm được cho hậu thế, ông đã đi trước thời đại mình rất xa, đến mức có thể bị kẻ đương thời suy diễn này nọ, nhưng chưa bao giờ ông để mất gốc rễ mình, mất lương tâm một con dân nước Việt.
Nhà văn Hoàng Lại Giang sưu tầm tư liệu, nghiên cứu viết về Trương Vĩnh Ký, kể rằng ông đã từng thâm thúy trách dạy Lê Phát Đạt, một học trò rơi vào đường bất đạo, làm quan tranh thủ thời thế “đục nước béo cò” cho thân mà không đếm xỉa nỗi khổ của dân. Khi Đạt tỏ ý chê thầy không biết cách làm giàu, Trương Vĩnh Ký trả lời rằng: “Anh khoe với ta tài làm giàu ư? Với ta đó là sự sỉ nhục mà học trò ta đã gieo cho ta. Ta muốn khuyên anh chớ vui mừng quá sớm: đang lúc vui nên gẫm mà buồn lần đi”. Còn bạn đốc phủ đương thời hỏi Trương Vĩnh Ký sao chẳng lo làm giàu, ông đã nhẹ nhàng viết thư trả lời: “Các ông hỏi tôi ý làm sao không lo về phần của cải? Sao không mua đất sắm ruộng kiếm tiền bạc mà tiêu dùng? … Thật thì ai cũng phải lo về sau, nhưng mà xét cho cùng mà coi thì cũng chẳng nên lo cho quá làm chi … Chi bằng ý thực tùy duyên tự nhiên khoái lạc: có nhiều ăn nhiều, có ít ăn ít thì được vui vẻ, yên lòng, yên trí…”.
Hơn 100 năm sau, hai người cháu cố Trương Minh Tấn và Trương Minh Đạt vẫn kể chuyện cha ông nhắc nhớ đến cuối đời Trương Vĩnh Ký còn thiếu nợ nhưng không phải nợ tậu đất, mua nhà mà nợ xuất bản sách… Ngay tài sản lớn nhất ông còn để lại là mảnh đất hơn 2.000m2 ở đường Trần Hưng Đạo đang làm nhà mồ và chỗ ở cho con cháu cũng được cho là của bên vợ ông, quê hương bà Vương Thị Thọ, xưa gọi là Chợ Quán.
Phiến đá lát trên mộ Trương Vĩnh Ký – Ảnh: Q.V.
Hậu thế minh định
Ông Đạt kể lời cha ông truyền đời rằng Trương Vĩnh Ký từng có mặt trong nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, giao thân với nhiều nhân vật có thể quyết định vận mệnh dân tộc, nhưng chưa bao giờ ông nhận lãnh chức quan nào. Ngoài những lúc thời cuộc đưa đẩy phải làm thông ngôn chênh vênh giữa hai phía, tâm huyết Trương Vĩnh Ký là dạy học, viết sách, làm báo đến nỗi phải nợ nần. Trong thư gửi bạn, Trương Vĩnh Ký tự bạch rằng: “Tôi có được thư ông nói sao tôi không ra làm chức chi … như phủ, huyện, đốc phủ với người ta lấy danh chơi? … Song tôi trộm xét theo ý riêng tôi, tôi tưởng chẳng cần chi. Vì tôi nghĩ rằng làm huyện, làm phủ mặc dầu, cũng ở dưới tay người ta, người ta sai cắt hành hạ, tánh tôi không chịu được … Chi bằng mình sẵn làm ông thầy dạy học, lại dạy là dạy Tây các quan…”.
Viếng mộ Phan Thanh Giản, rồi thắp nén nhang lên bàn thờ Trương Vĩnh Ký, hai thân phận bị cuốn cùng một dòng xoáy lịch sử và phải mang nặng nỗi niềm đến khi nhắm mắt xuôi tay vẫn chưa nguôi, chúng tôi bùi ngùi nhớ lại lời Trương Bá Cần viết: “… Cuốn sổ bình sinh công với tội/ Tìm nơi thẩm phán để thừa khai. Đã 100 năm trôi qua, còn nói công với tội làm gì? Đối với Trương Vĩnh Ký cuộc đời đã khép lại rồi, không thể khai báo gì thêm”.
Tuy nhiên cũng chính Trương Bá Cần, người có công trình nghiên cứu sâu sắc mối quan hệ Việt – Pháp trong 100 năm ân oán, vẫn không quên lời công minh với ông: “Nhưng vào lúc đất nước đã thống nhất, nhiệm vụ còn lại là xây dựng con người và xây dựng đất nước, nếu có đặt vấn đề dựng lại tượng đài hay phục hồi tên trường cho Trương Vĩnh Ký thì có lẽ không phải là thuần túy muốn sự công bằng cho người đã quá cố. Bởi vì về mặt trí tuệ và lao động khoa học cần cù, Trương Vĩnh Ký là một khuôn mặt làm rạng rỡ giống nòi được thế giới kính trọng”.
Thôi thì, công tội cuộc đời ông hãy phó thác cho hồn thiêng sông núi. Trăm năm thiên hạ vẫn chưa hết ngược, xuôi về Trương Vĩnh Ký, thì ba trăm năm sau hay ngàn năm nữa hậu thế chắc sẽ minh định tấm lòng ông!
Quốc Việt
(Theo Tuổi Trẻ)
Post Views: 212