Mùi quê trên hè phố Sài Thành

0
805
Củ khoai nướng to tròn nóng hổi, bóc bỏ lớp vỏ cháy sém bên ngoài để thưởng thức phần thịt dày ngọt, bùi, thơm nức mùi mật. Món ăn dân dã quê mùa này hiện được bán phổ biến trên nhiều tuyến đường ở Sài Gòn.
Cứ chiều đến, hàng chục chiếc xe bán khoai lang và ngô nướng xếp hàng trên những tuyến đường lớn như: Sư Vạn Hạnh, 3 tháng 2 (quận 10), Phan Xích Long, Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận)… Những củ khoai mật tím đỏ to tròn sạch sẽ, những trái ngô nếp trắng tươi nằm trên vỉ than hồng trông bắt mắt, thu hút đông đảo người đi đường ghé lại mua thưởng thức.
Ngày nào cũng vậy, sau giờ tan tầm về nhà, anh Trường đều mua vài củ khoai nướng nóng hổi trên đường Sư Vạn Hạnh. Sau khi chọn được những củ khoai như ý, anh kiên nhẫn đứng chờ người bán nướng chín đều rồi gói cẩn thận trong giấy báo và bọc nilon để khoai vẫn giữ được độ nóng khi về đến nhà.
“Hồi đó kinh tế gia đình khó khăn, mẹ hay đào khoai sau vườn để nấu độn cơm, lâu lâu lại luộc hoặc nướng cho anh em mình ăn. Lúc nhỏ không cảm nhận được gì nhưng giờ sau gần 20 năm vào Sài Gòn mới thấy nhớ món ăn mộc mạc này. Chỉ tiếc là không được chính tay mẹ nướng”, anh Trường chia sẻ.
Vốn được mệnh danh món ăn của “con nhà nghèo” ở các vùng quê, song khi vào đến Sài Gòn, khoai và ngô nướng lại trở thành “xa xỉ” bởi có giá không hề rẻ: trung bình 2.500 đồng cho 100 gram khoai, 7.000 đồng một trái ngô nướng. Những người bán món ăn này đa phần là dân nhập cư từ các tỉnh thành miền Bắc. Họ lấy khoai và ngô từ các chợ đầu mối với giá rẻ rồi chọn ra loại to đem nướng, còn loại nhỏ hơn luộc bán.
Nổi tiếng nướng khoai và ngô ngon phải kể đến chị Nguyễn Thị Nguyệt, bán 2 món này trên đường Sư Vạn Hạnh. Chị cho biết, hơn 10 năm gắn với nghề này nên chị hiểu được thị hiếu của người Sài Gòn thích nhất loại khoai mật Đà Lạt và ngô nếp từ Đồng Nai, Bình Phước… Chị đặt mối lấy tận gốc để đảm bảo chất lượng.
Bán từ 16 đến 23h, mỗi ngày chị Hà kiếm lời khoảng 200.000 đồng. “Khi nướng không để cho than quá nóng vì khoai chỉ cháy lớp ngoài còn bên trong vẫn sượng, đồng thời phải trở luôn tay để củ khoai chín đều. Chỉ lo những ngày trời mưa ẩm ướt khoai nướng lâu chín, người dân ngại ra đường mua nên bán không được bao nhiêu”, chị Nguyệt, quê ở Hà Tây (Hà Nội bây giờ) kể.
 Cũng dừng lại lựa mua một củ khoai nặng gần 400 gram với giá 10.000 đồng, chị Hà (quận Tân Bình) cho biết, dù sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn nhưng chị rất thích món ăn “chân quê” này. Chị kể, lần đầu tiên biết đến khoai nướng là hồi còn học đại học. Mùa hè năm thứ hai đại học, chị tham gia chiến dịch tình nguyện đến một vùng quê nghèo ở Tây Nguyên. Sau một ngày lao động vất vả, đến tối cả đội được người dân địa phương thết đãi món ăn “hương đồng gió nội” này làm chị nhớ mãi.
“Mỗi tối sau khi đốt lửa trại xong, cả nhóm xúm lại nướng khoai rồi vừa nhâm nhi vừa nói chuyện. Mình thấy khoai luộc cũng ngon nhưng nướng là ‘đúng bài’ nhất, củ khoai vừa bở, ngọt, lại có mùi thơm đặc trưng”, chị Hà háo hức kể. Rồi chị tần ngần: “Mới đây mà đã hơn 10 năm rồi, mỗi lần ăn mấy món dân dã này lại nhớ da diết thời sinh viên ngày ấy”.
Thi Trân (Theo Vnexpress.net)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.