Nhớ thực tập, nhớ đồng bào Khmer Nam Bộ – Kỳ 1: Băn khoăn với những gia đình Khmer nghèo

0
828
Năm ngoái, khoảng độ tháng này, lớp chúng tôi có đợt thực tập tại cộng đồng người Khmer tại tỉnh Trà Vinh. Hôm nọ họp lớp, tụi bạn ngẫu hứng nhắc lại về các nhóm thực tập làm tôi nhớ quá kỉ kiệm của những ngày ấy. Những ngày mà chúng tôi được trực tiếp cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm và sống những ngày thật trọn vẹn với đồng bào người Khmer tại Nam bộ.
 Vì chỉ có thể ở cùng người dân nơi đây vỏn vẹn có mười ngày nên khi vừa xuống cộng đồng, mỗi người chúng tôi đã xác định ngay điều mà mình muốn quan tâm tìm hiểu về nơi này. Như một số bạn khác trong nhóm, tôi cũng có cùng mối quan tâm đến những người nghèo ở khu vực này. Sau khi hỏi dò người dân, tôi biết được các hộ gia đình ở tổ 2, ấp Bà My, xã Hòa Ân đa số đều là các hộ nghèo, không có đất canh tác, chủ yếu kiếm sống bằng nghề làm thuê. Mặc dù biết rằng với số lượng ít ỏi của các hộ trong tổ, tôi chưa thể đi đến được một kết luận nào cho vấn đề mình quan tâm, nhưng tôi vẫn quyết định gắn bó với nhóm các hộ gia đình nhỏ này trong suốt mười ngày ở đây. Với những gì mà tôi quan sát và ghi chép được, tôi mong được ghép lại cùng với các bạn trong lớp để thấy rõ hơn một bức tranh sống động về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của cộng đồng người Khmer tại vùng đất Nam  Bộ.
 Người Khmer trong lễ Dâng y (Cathina) – ảnh do tác giả cung cấp
Khu vực tổ 2, ấp Bà My, xã Hoà Ân cho tới thời điểm tôi tìm hiểu được xem là khu vực có đông hộ gia đình làm thuê sinh sống nhất. Nguồn gốc của các hộ gia đình này phần lớn không phải là dân chính cư ở tại ấp Bà My từ trước tới nay mà là dân di cư ở các khu vực lân cận đến. Theo lời kể của bác Thạch Khiêl là chủ chùa Bà My, trước đây khu vực này là một mảnh đất vườn thuộc sở hữu của ông chủ Xuân có được do thắng kiện ông Bích. Năm 1945, khi giặc Pháp xâm chiếm khu vực này, ông chủ Xuân bỏ đi để mảnh vườn này trở thành khu đất hoang không ai coi sóc. Đến năm 1954, sau khi giặc Pháp rút quân, thế sự trong vùng được bình ổn, ông Vaizai lúc đó được bầu làm chủ chùa mới bắt đầu tiếp quản khu vực này. Nhận thấy tình cảnh nghèo khổ của những người không có đất canh tác trong vùng cùng với người dân di cư từ những nơi xa xôi đến đây làm mướn, ông mới chia đất cho các hộ gia đình này. Bản thân ông cũng là người ở nơi khác đến chứ không phải là người ở đây nên chính ông cũng chia cho gia đình mình một phần đất như tất cả mọi hộ gia đình khác. Vì số lượng người di cư từ các nơi khác đến đây đông, như từ xứ Trà Kháo, Giồng Lớn, Thông Thảo, hoặc xa hơn như dân ở các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng,… nên đất được chia cho các hộ gia đình không nhiều. Mặt khác, vốn dĩ khu vực này là đất vườn nên người dân ở đây chỉ có thể tận dụng để cất nhà hoặc trồng một số cây xung quanh nhà để lấy củi. Ngoài số đất được chia như vậy, những người đến đây không hề có đất ruộng để trồng lúa như các hộ định cư trong khu vực, nên họ  phải  kiếm sống bằng cách làm thuê.
Hiện nay, ở tại khu vực này, với mức độ gia tăng dân số như hiện nay, số hộ gia đình đông hơn trước kia rất nhiều. Tuy nhiên, hầu hết các hộ gia đình ở đây đều vẫn phải duy trì cách  kiếm sống cũ như ông bà cha mẹ họ bằng nghề làm mướn, vì số đất được cha mẹ chia cho họ ngày càng bị thu nhỏ. Nhiều hộ gia đình hiện nay chỉ có một mảnh đất vườn nhỏ đủ để cất một ngôi nhà chứ không có đất để chia cho con cái họ khi ra ở riêng.
Hoạt động kinh tế của các hộ gia đình này vì thế mà thêm phần khó khăn. Mặc dù nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ các chính sách của nhà nước, các hộ gia đình này qua nhiều năm vẫn không thể thoát nghèo mà ngược lại số hộ nghèo phát sinh ngày càng đông hơn trước.
Lưu Thủy

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.