Tôi đi lượm ve chai – Kỳ 1

0
846
Tôi tham gia dạy một lớp học tình thương cho các trẻ em nghèo người Khmer ở khu vực Hồ Đá, làng ĐHQG. Gia đình các em đều là những gia đình nghèo cư trú tạm bợ ở ven Hồ đá. Phụ huynh của các em phần lớn đi làm thuê bữa có bữa không. Các em ngoài việc phụ giúp các công việc gia đình thì hằng ngày còn phải đi lượm ve chai khắp khu vực làng đại học. Trong tư cách là một người dạy chữ nhưng đồng thời là một người bạn, tôi quyết định đi nhặt ve chai cùng các em để phần nào hiểu hơn cuộc sống của chúng.
Một buổi trưa tháng Tư, tôi cùng ba em nhỏ lên đường đi “hành nghề”. Em Tí chỉ mới bảy tuổi nhưng nhanh nhẹn. Do điều kiện sinh sống thấp, Tí còi cọc và nhỏ bé hơn so với tuổi của mình. Bé Thương chín tuổi, vết sẹo lớn do bị chó cắn hồi nhỏ cũng không che lấp nụ cười trong sáng và đôi mắt long lanh của em. Phi là đứa lớn nhất, 13 tuổi nổi bật với làn da cháy đen. Hành trang bốn anh em đi làm không có gì khác ngoài một cái bọc nilon lớn hoặc một cái bao nhỏ nhặt ven đường. Giữa trưa nắng gay gắt lúc 12 giờ trưa, chẳng đứa nào đội nón hay đi dép mặc dù vào đầu năm chúng tôi (những người tham gia dạy lớp học) đã chuẩn bị mũ, dép cho từng đứa. Có lẽ vì thế mà da đứa nào cũng cháy đen, tóc thì có mùi “khét”.
Một ngày làm việc của các em bắt đầu từ lúc 5h30 sáng. Các em tranh thủ đi sớm trước khi những người nhặt rác khác đến hoặc trước khi xe rác đến thu gom tất cả. Các em chỉ thu nhặt những chai nước bằng mủ như C2, Pepsi,… hoặc các lon bia hay nước ngọt. Em Thương còn tranh thủ gom cơm thừa về cho đàn vịt hoặc hai con heo mọi ở nhà. Ở làng đại học có khá nhiều người lượm ve chai, ngoài các em ra còn có nhiều người lớn và một vài em nhỏ khác nữa. Thông thường mỗi nhóm hoặc cá nhân có địa bàn riêng. Khi tôi hỏi: “Tại sao không xuống khu vực gần kí túc xá hay Đại học An Ninh vì anh đi ngang qua thấy ve chai ở đó rất nhiều?”  thì các em trả lời “Ở dưới đó có người nhặt rồi, tụi em mà xuống đó là bị người ta chửi. Thằng Tí có hôm bị ông kia cầm cây đánh luôn đó. Tụi em không xuống đó mà chỉ đi vòng khu đại học thôi”. “Khu đại học” ở đây được các em xác định là khu vực vòng từ trường Nhân văn đến trường Tự Nhiên. 
Hành trang bốn anh em đi làm không có gì khác ngoài một cái bọc nilon lớn hoặc một cái bao nhỏ nhặt ven đường” (ảnh minh họa) – Nguồn: Internet 
Tôi xác định trước là sẽ đi những nơi các em sẽ đi, làm những gì các em làm. Tuy nhiên, có vẻ các em ưu tiên cho tôi. Ngay khi xuất phát, mấy đứa nhỏ đã bàn cãi và thống nhất với nhau sẽ không đi ra khu Suối Tiên vì sợ tôi đi không nổi. Theo các em miêu tả thì chỗ đó khá xa, phải đi bộ qua Suối tiên, ở gần đó có một con suối (hay cống), người ta thường đổ rác ở đó. Tuy nhiên chỗ này lại rất dơ. Chúng lo tôi sẽ ói nên chỉ dẫn đi gần gần. Ban đầu tôi hơi sốc khi ba em chạy ùa đến giỏ rác phía trước khu trọ trên đường tắt từ bến xe buýt sang Nhân văn. Chợt thằng Tí la lên: “Em xí chỗ này”, tức thì hai đứa còn lại không chú ý gì đến giỏ rác trước mặt mà dáo dác tìm giỏ rác khác. Thông thường, các em thường đi nhặt rác theo nhóm 3-4. Đứa nào đi riêng là thế nào về cũng bị mấy đứa kia la. Đi đông như vậy thứ nhất là để không bị bắt nạt. Những người bắt nạt thông thường là những người lớn đi lượm ve chai và đặc biệt là các nhân viên của những xe rác. Nguyên nhân thứ hai là để chăm nom lẫn nhau. Các em nhỏ này đều có mối quan hệ họ hàng với nhau. Cha mẹ của chúng là họ hàng, anh em với nhau cùng nhau lên thành phố sinh sống. Gia đình này lên trước ổn định rồi kéo anh em họ hàng lên sau. Các em kể đôi lúc đứa này mệt, đứa kia ốm nhưng vẫn đi lượm; đi chung để canh chừng, trông nom lẫn nhau. Do đi chung như vậy nên chúng có một nguyên tắc là hễ khi đứa nào thấy giỏ rác hay chai nhựa trước thì hô lên: “xí cái này” và chỉ tay về hướng đó. Tất nhiên cái giỏ hay cái chai ấy thuộc về người lên tiếng trước và những đứa khác không được tranh giành. Hôm ấy hai đứa đều la “xí cái này” cùng lúc. Chúng cũng có tranh giành nhau và giải quyết bằng cách “oắn tù xì”. Sau khi chúng oắn tù xì thì tiếp tục lên đường, rượt đuổi, cười đùa với nhau. Chúng ban đầu thấy ngại khi tôi theo cùng. Nhưng khi thấy tôi cũng “xí cái kia” và chui đầu moi móc thùng rác thì chúng yên tâm hơn. Quả thật đó là một cảm giác khó tả. Tôi vốn dị ứng với cái gì bẩn bẩn, hôi hôi. Hễ ngửi thấy hay dòm thấy là tôi có thể nôn. Vậy mà hôm đó tôi lấy tay cào cào rác ở trong thùng, moi từ đầu đến cuối, cầm trên tay bịch vỏ cam, hộp cơm thừa mà không chút ghê tay. Thấy một cái chai hay cái lon nào đó là vui mừng như vừa hoàn thành điều gì to tát lắm. Lần đầu tôi còn dùng hai ngón tay bới rác. Lần thứ hai, thứ ba tôi dùng cả bàn tay để bới cho nhanh. Tôi bị góp ý ngay lần đầu “cào bới”. Tôi cào bới xong, nhặt được cái lon bia 333 xong. Tôi hớn hở cho vào bao nilon của mình, chùi tay vào quần và hăng hái lên đường. Bỗng mấy đưa nhỏ kêu tôi nhặt hết mấy rác mà tôi đã bới ra để lại vào chỗ cũ. Ối trời, tôi định bụng sẽ đi cùng mấy đứa nhỏ để xem chúng nó đi nhặt ve chai như thế nào rồi về xem xét dạy bảo chúng. Ai dè tôi lại là người bị sửa dạy. Do trước đó, chúng hay cào rác lên tìm các vỏ chai lọ rồi bỏ đi. Bữa sau khi quay lại thì bị chủ nhà mắng hay đuổi vì làm bấy nhầy cái sọt rác. Rút kinh nghiệm nên sau khi bới rác chúng để lại nguyên vẹn. Tôi hơi quê độ tí xíu nên cả đám xúm vào phụ tôi gom rác lại chỗ cũ cho tôi đỡ ngượng. 
Khai Tâm

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.