Nhật ký điền dã: chuyện về đời sống công nhân (8)

0
802

BTKUXH – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng không thể lường hết những khó khăn mà công nhân ngày nay đang gặp phải. Nếu như trước kia người công nhân Việt Nam còn có “hậu phương” là mảnh vườn, miếng đất… phòng kế mưu sinh thì người công nhân ngày nay đa phần phải rời xa quê hương đến tập trung tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong sự bơ vơ, thiếu thốn… và hành trang của họ chỉ là cuộc sống tạm bợ của lớp nghèo thành thị. BTKUXH xin chân thành cảm ơn tác giả Kim Liên đã chia sẻ tư liệu nhật ký điền dã về đời sống công nhân tại thành phố Hồ Chí Minh, nằm trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu các loại hình và cách thức tập hợp thanh niên công nhân vào sinh hoạt tập thể tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tại thành phố Hồ Chí Minh do ThS. Nguyễn Đức Lộc làm chủ nhiệm đề tài. Đây là những trang nhật ký được tác giả ghi lại vào tháng 03/2008, chúng tôi xin lần lượt đăng các bài của tác giả tạm lấy tên là: “Những câu chuyện về đời sống công nhân”.

Những câu chuyện về đời sống công nhân: Phần 8

Thứ bảy ngày 12 tháng 07 năm 2008

Hôm nay tôi và Huệ (người bạn cùng làm việc với tôi đợt này) xuống Hội đồng nhân dân phường Linh Xuân vì có một trục trặc xảy ra. Tối qua, tôi gọi điện cho cô Thanh xem tình hình tập hợp công nhân thế nào rồi thì cô Thanh cho biết là cô lên phường gặp Bí thư Đoàn trình bày sự việc của chúng tôi thì Bí thư Đoàn không đồng ý vì họ không nhận được giấy giới thiệu nào từ phía chúng tôi. Vậy là hôm nay tôi lại phải xuống gặp bí thư Đoàn để “nói chuyện”.

Vừa xuống đến cổng Hội đồng nhân dân thì tôi thấy rất đông người tụ tập trước cổng chủ yếu là những người trung niên, nhiều nhất là phụ nữ, tôi cũng gặp cô Thanh ở đây nhưng nhìn kỹ tôi cũng bắt gặp một số bạn công nhân tham gia vào đám đông và khi lân la bắt chuyện thì được biết mọi người tụ tập ở đây để chuẩn bị được phân công đi xịt muỗi tại các tổ dân cư do bên Đoàn phường kết hợp với Trạm Y tế của phường. Được cô Thanh “chỉ mặt” nên tôi biết ai là Bí thư Đoàn phường, đó là anh Nam. Tôi đến trao đổi và giải thích tường tận sự việc và cuối cùng anh cũng biết được chúng tôi đến từ đâu khi chúng tôi nói chúng tôi đang thực hiện thu thập dữ liệu cho đề tài về công nhân của Thành Đoàn thì anh vui vẻ đón tiếp chúng tôi, do có sự nhầm lẫn về thông tin nên dẫn đến sự hiểu nhầm trên. Cuối cùng mọi việc cũng ổn thỏa. Sau khi giải quyết xong mọi vướng mắc tôi bắt đầu “điều tra” anh Nam. Tôi hỏi anh về những hoạt động mà bên Đoàn tổ chức cho công nhân, anh cho biết Đoàn thanh niên tổ chức khá nhiều hoạt động dành cho công nhân, chủ yếu là những hoạt động về chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân, với những việc cụ thể như: tổ chức văn nghệ; tặng quà, tổ chức đón giao thức cho những công nhân không có điều kiện về quê ăn Tết, những buổi tư vấn về tình yêu – hôn nhân – gia đình… anh còn nói thêm” “Anh thấy tổ chức đón giao thừa cho công nhân là hiệu quả và thiết thực mặc dù số tiền lì xì không nhiều, chỉ có 10.000 ngàn thôi nhưng họ rất là vui”. Anh còn bộc bạch “Đoàn phường và trường Nhân văn cũng đã hợp tác với nhau cũng được 5 năm rồi, năm nào cũng có Mùa hè xanh của trường Nhân văn đến đây tổ chức văn nghệ rồi tuyên truyền sức khỏe sinh sản cho công nhân, nói chung là có nhiều hoạt động thiết thực, công nhân tham gia cũng rất đông. Vừa rồi, bên Bộ môn Công tác Xã hội của trường Nhân Văn đã liên hệ với bên tụi anh để mở lớp dạy tiếng Anh, Hàn cho công nhân trong vòng 6 tháng, từ tháng 6 đến tháng 12”. Và Đoàn phường cũng đã hỗ trợ chi phí thuê phòng học cho Bộ môn Công tác Xã hội. Các lớp học sẽ được tổ chức vào các tối ba, năm, bảy và mỗi tối sẽ chia làm hai ca khác nhau (ca 1: tiếng Hàn, ca 2: tiếng Anh). Địa điểm là trường THCS Xuân Trường (gần trụ sở Hội đồng Nhân dân). Đây cũng là một cách thức thể hiện sự quan tâm đến đời sống công nhân. Anh Nam cũng đề cập đến dự án của ENDA – một tổ chức phi chính phủ, dự án này được thực hiện ở hai phường Linh Trung và Linh Xuân của quận Thủ Đức, đây là lần đầu tiên Đoàn phường nhận dự án của một tổ chức phi chính phủ. Thời gian thực hiện dự án là 3 năm, bắt đầu tháng 6/2008. ENDA đã tổ chức khảo sát về đời sống của công nhân ở đây và hiện tại tổ chức này đang tài trợ cho Đoàn Thanh niên mỗi quý là 15.000.000 đồng với điều kiện là phải dùng số tiền đó để tổ chức các hoạt động về đời sống tinh thần cho công nhân cụ thể là tổ chức các hoạt động văn nghệ, tuyên truyền các kiến thức về Luật (Luật Lao động, Luật Bình đẳng Giới, Luật Hôn nhân – Gia đình), tuyên truyền các kiến thức về sức khỏe sinh sản; và họ sẽ cung cấp công tác phí cho những người chịu trách nhiệm trong việc tổ chức các hoạt động văn hoá – tinh thần cho công nhân mỗi tháng là 300.000 đồng, theo anh Nam “công tác phí của cơ quan cao nhất là 150.000 đồng nhưng ở tổ chức này lại đến 300.000 đồng, còn họp hành thì trái cây, bánh kẹo, nước nôi thoải mái chứ không phải như mình, vì nhà nước đang thực hiện chính sách tiết kiệm nên họp hành nhiều lúc cũng nước trà thôi”. Được hưởng nhiều sự ưu đãi từ tổ chức này nhưng anh Nam không khỏi lo lắng khi anh nói rằng “nhận của người ta nhiều cũng vui nhưng mà rất lo, đâu có ai người ta làm không không mà không đòi hỏi một yêu cầu gì, từ trước đến này mình đã quen với cái kiểu họ muốn làm cái gì đó thì họ đặt rõ ràng, thẳng thắn yêu cầu của họ nhưng tổ chức này thì không, họ không đòi hỏi mình cái gì hết mà cho mình tiền để phục vụ cho công nhân. Nhận tiền kiểu này cũng lo lắm”. Từ lúc nhận tiền của tổ chức này Đoàn thanh niên cũng đã tổ chức nhiều hoạt động văn hoá – tinh thần cho công nhân, như là tổ chức văn nghệ, chiếu phim, anh Nam còn nói: “Cho nhiều tiền quá không biết làm gì nên mua cho mấy khu phố một dàn karaoke để cho công nhân hát hò, cũng chỉ 5 – 6 triệu thôi”. Tôi hỏi anh: “Vậy khi anh tổ chức hoạt động cho công nhân thì bên ENDA có giám sát không?” thì anh Nam nói rằng không có sự giám sát nào cả, sau khi xong một hoạt động nào đó thì gởi báo cáo lại cho họ, vấn đề thu chi thì chỉ cần gởi một bản sao là được, không cần bản gốc, anh chủ yếu liên lạc với họ qua thư điện tử và điện thoại và rất hiếm khi gặp trực tiếp để trao đổi. Nghe anh Nam nói như vậy tôi cũng hơi ngỡ ngàng khi mà một dự án tương đối lớn như vậy nhưng lại không được sự giám sát kĩ lưỡng của bên thực hiện dự án thì liệu rằng dự án đó có thể thực sự mang lại hiệu quả cho công nhân không? Có lẽ ba năm sau, sẽ có câu trả lời.

Sau một thời gian khá dài ngồi “tám” chuyện với anh Nam, chúng tôi xin phép ra về để đến gặp cô Thanh liên hệ lại việc tập hợp công nhân.

Như vậy, khâu liên hệ với địa phương đã hoàn thành. Theo thỏa thuận với cô Thanh thì tối nay chúng tôi sẽ thực hiện phỏng vấn sâu với một nhóm thanh niên nam nữ công nhân và nhóm còn lại sẽ được tiến hành vào ngày mai (chủ nhật 13/7/2008).

19 giờ. Chúng tôi có mặt ở nhà cô Thanh để chuẩn bị tiến hành buổi thảo luận nhóm. Trong khi chúng tôi chuẩn bị “đồ nghề” thì cô Thanh đi gọi các bạn công nhân trong khu phố và chỉ khoảng 15 phút sau mọi người được mời đã có mặt đầy đủ. Đó là một sự khởi đầu hết sức thuận lợi cho chúng tôi.

Cuộc thảo luận nhóm được bắt đầu với những khuôn mẫu quen thuộc là giới thiệu mục đích về sự hiện diện của chúng tôi và tiếp theo là giới thiệu tên tuổi của nhóm nghiên cứu và các thành viên tham gia cuộc thảo luận.

Vì đa phần các thành viên trong nhóm thuộc đối tượng không tham gia nhiều các hoạt động tập thể nên chúng tôi quyết định sẽ tiến hành thu thập thông tin thông qua thảo luận nhóm và bảng phân loại ưu tiên.

Trong quá trình tiến hành thảo luận nhóm, các câu hỏi của chúng tôi đặt ra được các công nhân thẳng thắn trả lời. Qua đó, thấy được một bức tranh chung về đời sống công nhân hiện nay:

– Về đời sống vật chất: thiếu thốn, chật vật với những chi phí để trang trải cho cuộc sống hàng ngày, nhất là trong thời buổi “giá cả leo thang” như hiện nay, như lời của một công nhân cho biết: “Đồng lương đi làm là đồng lương thu nhập thấp mà chi tiêu lại cao. Làm một tháng 600.000 đồng nhưng bó rau có 500 đồng bây giờ làm 600.000 đồng bó rau lên tới 1.500 đồng. Đời sống vật chất nó rất là chật vật”. Giữa cơn bão của thị trường giá cả như hiện nay, công nhân luôn là nạn nhân bị thiệt hại nhiều nhất, bởi vì lương công nhân chỉ là một khoản lương rất nhỏ, trong khi thời gian, công sức mà công nhân bỏ ra là rất lớn, hay nói một cách thẳng thắn là người công nhân đang bị bóc lột sức lao động bởi các ông chủ công ty, xí nghiệp, sự bóc lột đó thể hiện qua việc thời gian tăng ca quá nhiều đến nỗi người công nhân không có nhiều thời gian để tái sản xuất lại sức lao động cho ngày hôm sau (tăng ca đến 21 – 22h), những tưởng sức lao động của người công nhân phải bỏ ra nhiều như vậy thì họ sẽ được đền bù bằng những đồng tiền xứng đáng với mồ hôi, nước mắt của họ, nhưng… không, công nhân chỉ được trả những đồng lương rất còm cõi và ít ỏi, phải chi tiêu dè xẻn thì may ra cũng có dư “chút ít”.

– Đời sống tinh thần: nghèo nàn và đơn điệu. Thật vậy, câu nói “có thực mới vực được đạo” trong trường hợp này không sai chút nào. Khi mà gánh nặng “cơm, áo, gạo, tiền” đang đè nặng trên vai với những lo toan, toan tính, bon chen trong cuộc sống thì làm sao tinh thần họ có thể thoải mái, thảnh thơi. Đó là một trong những lý do làm nên bức tranh ảm đảm về đời sống tinh thần của người công nhân, ngoài ra, còn có những nguyên nhân khác, như:

Nếu mà tăng ca một ngày 11 tiếng rưỡi đến 12 tiếng, nếu mà làm như thế thì làm sao mà vui vẻ được, sáng đi, tối đi, đi làm cả tuần. Nếu mà làm cả tuần như thế thì lấy lương, lương cao. Nếu mà làm cả tuần rồi làm cả thứ 7, chủ nhật thì làm gì mà thư giãn, thư thái đầu óc nữa”.

Hay: “Tắm rửa xong rồi ngủ bởi vì làm đến 9- 10 giờ thì làm sao mà làm việc khác nữa”.

Với thời lượng tăng ca nhiều như vậy thì sức lao động của người công nhân sẽ bị giảm sút đáng kể,  một khi sức lao động kiệt quệ thì sức khoẻ tinh thần của họ cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, một trong những dấu hiệu nghiêm trọng nhất là bệnh stress, và lúc đó, đời sống tinh thần của người công nhân gần như rơi vào bế tắc do áp lực của công việc và sự có hạn của sức lao động.

Hơn nữa, từ việc phải dành quá nhiều thời gian cho công việc, người công nhân sẽ không có thời gian để dành cho các hoạt động khác: tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, văn nghệ, thể thao… để làm phong phú đời sống tinh thần của bản thân. Từ đó, dẫn đến hiện tượng nhàm chán trong cuộc sống của chính họ, nhưng bản thân họ không biết làm thế nào để thoát ra khỏi cái vòng tròn đơn điệu đó, mà thay vào đó họ chấp nhận cuộc sống  như vậy. Tại sao vậy??? Suy cho cùng thì cũng là do vấn đề kinh tế: “Người ta không còn lối giải pháp nào nữa vì cuộc sống gia đình nên họ làm và làm mà thôi”.

Hầu hết công nhân đều có mong muốn tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí ở khu chế xuất, công ty hay địa phương tổ chức, vì những hoạt động đó mang lại cho họ những giây phút thư giãn tâm trí, thoải mái đầu óc và làm cho đời sống tinh thần của họ đa dạng hơn, mới mẻ hơn so với cuộc sống hàng ngày của họ. Thế nhưng, mong muốn của họ không dễ dàng thực hiện được vì thời gian làm việc của họ quá nhiều, chính vì thế, nhiều khi vào ngày nghỉ công nhân chỉ muốn ở nhà để ngủ, để phục hồi sức khoẻ, ngày mai đi làm tiếp mà không muốn tham gia bất cứ hoạt động gì: “Đi làm tăng ca chỉ có thứ 7, chủ nhật được về sớm rảnh rỗi họ tranh thủ ngủ mà thôi”. Đây cũng là một trong những lí do, lí giải tại sao  các hoạt động tập thể không thu hút được công nhân tham gia.

Kim Liên
(học viên Cao học ngành XHH, trường ĐH KHXH&NV TP.HCM)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.