Tôi là một người con của biển, được sinh ra ở biển và được nuôi dưỡng bằng những sản vật của biển. Tôi yêu biển như một đứa con yêu mẹ, bởi cuộc sống của tôi gắn bó với biển từ khi tôi được sinh ra cho đến ngày tôi phải xa quê lên thành phố học. Biển quen thuộc với tôi trong cái nắng gắt và trong cả mùi vị mặn nồng. Cái mùi vị mà chỉ cần từ đằng xa bắt gặp tôi có thể gọi được tên của biển.
(Cảnh đánh cá, Nguồn: Internet)
Tôi yêu biển nhưng cũng sợ biển. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn bị ám ảnh và sợ cái cảm giác bất ngờ muốn nuốt chửng của biển. Nỗi sợ ấy thật ghê ghớm đối với một đứa bé bảy tuổi. Bị cuốn vào lòng biển và đôi tay không còn biết nắm lấy cái gì là một cảm giác rất đỗi kinh hoàng trong kí ức của tôi. Tuy nhiên, tai nạn ấy không làm cho tôi phải hoảng sợ đến độ không còn dám nhìn mặt biển. Trong lòng, tôi vẫn yêu biển và vẫn hay ra chơi với biển trong những dịp có thể.
Đứng trên bờ, tôi thường quan sát những con sóng biển, chúng đập vào bờ rồi lại rút ra xa. Trừ khi tôi muốn đến gần, còn không tôi luôn giữ một khoảng cách an toàn với biển. Tôi đứng ở một vị trí nào đó dám chắc biển không tới mình được và thách thức những cơn sóng biển hoặc sẽ chạy ù đi khi sóng chuẩn bị tới chân mình. Mặc dù đây là trò chơi của trẻ con nhưng đến bây giờ tôi vẫn còn rất thích. Tôi chỉ chơi và không biết tại sao biển lại chịu bỏ cuộc đối với một đứa trẻ. Tại sao lại không chịu vào bờ xa hơn? Tôi đặt cho biển câu hỏi đó từ bé mà cũng quên luôn không tìm câu trả lời.
Cho đến một hôm, trong một lần về quê gần đây nhất, tôi thấy ở quê mình có những đống cát đen. Tôi không biết đó là cát gì, lấy ở đâu ra nên hỏi một số người ở quê. Vài người nói với tôi đó là cát đen được đãi lên từ bãi biển. Nó có tên khoa học là gì họ không biết nhưng hình như nó có giá trị lắm, có thể bán qua Trung Quốc. Một số người còn cho tôi biết cát đen ở bãi biển so với cát trắng khá nặng. Loại cát này có tác dụng giữ cho biển khỏi lấn sâu hơn vào bờ. Tôi không biết điều đó có đúng hay không nhưng nếu đúng thì… Bất chợt trong tôi có ý nghĩ nếu như người ta tiếp tục khai thác thế này không chừng sẽ có một ngày… Tôi không dám tưởng tượng nữa. Tôi nghĩ đến sự an toàn của biển đối với con người và lời thách thức ngày xưa của mình.
Tôi lên mạng Internet để mong biết thêm nhiều thông tin hơn. Vừa gõ hai từ “cát đen”, tôi đã thấy hiện ra hàng loạt các bài viết về việc khai thác mỏ khoáng sản này ở Bình Thuận. Theo các thông tin tôi được biết, “cát đen” mà người dân gọi nôm na có tên là sa khoáng. Sa khoáng là lớp cát sỏi có chứa nhiều khoáng vật có ích, tạo thành do sự phân hủy đá gốc. Khi đá gốc bị phá hủy, nhiều khoáng vật bị hòa tan, biến thành đất và bị nước cuốn đi. Các khoáng vật bền vững thường đọng lại với cát sỏi gần chân núi tạo nên các bồi tích, các tàn tích hoặc các bãi cát ven biển. Bình Thuận được đánh giá là một trong những địa phương có trữ lượng sa khoáng lớn nhất Việt Nam…
Tôi lần lượt đọc từng bài một. Các bài báo này chủ yếu đề cập đến các giá trị từ lượng cát đen khổng lồ đang được khai thác không có kế hoạch ở Bình Thuận, cũng như các tỉnh ven biển khác. Không có một thông tin nào cho biết nếu mất đi loại cát này, biển có nguy cơ lấn bờ hay không. Tôi không thể phân tích hay nghiên cứu để biết thực hư sự việc này đáng lo sợ đến thế nào, nhưng tôi không muốn kí ức của tôi về sự nuốt chửng của biển trở thành nỗi kinh hoàng cho nhiều người hơn nữa. Biển hiền hòa, sẵn sàng nuôi dưỡng con người bằng những sản vật của mình nhưng làm ơn đừng làm biển nổi giận.
Dù việc biển xâm lấn bờ có đúng hay không thì chuyện khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách quá bừa bãi, như thực trạng mà các bài viết trên báo đưa ra, thực sự cũng là một điều đáng báo động. Tôi vẫn cho rằng con người có quyền làm chủ tự nhiên nhưng thật cần thiết để đòi hỏi nơi con người thái độ của một ông chủ thân thiện và tốt bụng. Bản thân tự nhiên có một sự hài hòa mà bản thân con người không hiểu hết được ý đồ của sự hài hòa đó. Tại sao có đất, trời, mây, mưa, gió, biển? Tại sao chúng lại có thể kết hợp với nhau một cách có trật tự và tuyệt vời đến thế. Với tự nhiên, con người thật bé nhỏ. Tôi đã cảm nhận được điều đó khi tôi đứng trước biển và đối mặt với sự giận dữ của biển. Bao tai họa gần đây xảy ra như thể tự nhiên đang chống lại con người. Tôi tự hỏi những nỗi kinh hoàng đó sẽ chỉ đọng lại trong kí ức của con người về một sự mất mát, hay là một câu trả lời công bằng hơn đối với tự nhiên?
Ngọc Lưu