Cảm nhận bước đầu về đạo Cao Đài ở Nam Cali (ghi chép điền dã)

0
1057

Vấn đề chúng tôi thường hỏi khi nghiên cứu về đạo Cao Đài là liệu có sự khác nhau nào về quan điểm, cách hành đạo, nghi thức tôn giáo, lễ nghi, lễ phục, cách thờ tự… giữa các chi phái trong đạo Cao Đài ở Việt Nam hay không? Câu hỏi này phần nào đã được giải đáp khi chúng tôi thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường và thực hiện luận án tiến sĩ. Khi đặt chân đến đất Mỹ, câu hỏi nghiên cứu ấy lại xuất hiện một lần nữa, nhưng với hình thức khác là liệu đạo Cao Đài ở Việt Nam và ở Mỹ có khác nhau không? Mặc dù đạo Cao Đài ở Mỹ có nguồn gốc từ Việt Nam.

Chúng tôi đến Mỹ, tính đến nay (ngày 5.8.2009) là 6 tuần. Thời gian không nhiều, và cũng không có nhiều cơ hội để tiếp xúc với những người theo đạo Cao Đài ở Mỹ, do bởi chúng tôi phải tập trung học Anh văn nhằm cải thiện một chút khả năng nói và nghe tiếng Anh của chúng tôi để chuẩn bị bước vào kỳ học mùa thu tại trường USC (University of Southern California). Nói như thế không có nghĩa rằng, chúng tôi hoàn toàn thụ động trong việc tìm hiểu cộng đồng tín đồ Cao Đài ở Mỹ. Trước khi sang Mỹ, tôi đã đọc nhiều tài liệu liên quan đến đạo Cao Đài ở Mỹ trên internet, đặc biệt là đạo Cao Đài ở California, vì đây là nơi tôi đến học và nghiên cứu. Khi chuẩn bị đi Mỹ, ba tôi, một tín đồ Cao Đài ở Việt Nam, cũng đã cố gắng liên lạc với những tín đồ Cao Đài ở California và cũng nhờ họ giúp đỡ cung cấp tư liệu, giới thiệu với đồng môn khi tôi tiến hành điền dã tại đây. Thêm vào đó, Giáo sư bảo trợ của chúng tôi, GS.TS. Janet Hoskins, cũng là một trong những chuyên gia nghiên cứu về đạo Cao Đài đã giới thiệu cho tôi một số Thánh thất Cao Đài tại Nam Cali (Southern California) và một số tín đồ quan trọng mà tôi có thể tiếp xúc với họ.

Từ những thuận lợi trên, đặt chân đến Mỹ mà cụ thể là Nam Cali, chúng tôi đã chủ động liên lạc (bằng e-mail) với những tín đồ Cao Đài ở đây và được họ nhiệt tình đón nhận, hẹn gặp trong những ngày tới khi chúng tôi có thời gian rãnh (có thể là sau khi kết thúc khóa học Anh văn của chúng tôi).

Ngày 2.8.2009, nhận lời mời của BS. Bùi Đắc Hùm, danh tiếng của người này tôi đã từng nghe khi còn ở Việt Nam, đến tham dự buổi nói chuyện về chuyên đề “tham” và “sân” tại Thánh thất Anahiem, số 9661 Ball Road, Anahiem, CA, 92804. Chúng tôi được anh Nguyên, một tín đồ trẻ của đạo Cao Đài, đưa xe đến đón tại nhà, sau đó chở chúng tôi đến thẳng phòng làm phim về chương trình “Sống Đạo” của một bộ phận tín đồ Cao Đài ở khu vực Nam Cali.

Tác giả bài viết tại phòng làm phim, ngày 2.8.2009

Khi đến đây, chúng tôi được biết, tín đồ Cao Đài tại đây tự xây dựng cho mình một chương trình khoảng 45 phút trình bày về đạo đức, lối sống dưới góc độ tôn giáo để phát trên đài truyền hình. Chương trình này được mang tên “Sống đạo” do BS. Bùi Đắc Hùm đảm trách cùng các phát thanh viên là tín đồ đạo Cao Đài ở đây. Phòng làm phim tương đối nhỏ, gọn, nhưng lại có những trang thiết bị hiện đại. Đây là lần đầu tiên chúng tôi bước vào phòng làm phim của một đài truyền hình người Việt ở Mỹ, ở Việt Nam chúng tôi cũng chưa có cơ hội này.

BS. Bùi Đắc Hùm (ở giữa) cùng hai phát thanh viên Nguyệt và Huy trong buổi ghi hình ngày 2.8.2009

Sau khi quan sát cách làm tin trên truyền hình, chúng tôi tự nhủ mình có thể xây dựng một chương trình phim dân tộc học ở khoa Nhân học bằng phòng làm phim theo kiểu này để phát triển ngành Nhân học, đặc biệt là Nhân học hình ảnh (Visual Anthropology) ở Việt Nam, nhưng phải với điều kiện là có đơn vị tài trợ trang thiết bị.

Buổi làm phim cho chương trình “Sống đạo” hôm đó có 2 chủ đề “tham” và “sân”. Mỗi chủ đề kéo dài 45 phút, dự kiến sẽ được phát trên truyền hình vào hai tuần kế tiếp (mỗi tuần một chủ đề). Đến khoảng 01 giờ chiều, chương trình kết thúc, chúng tôi được mời đến Thánh thất Anahiem để dùng cơm trưa và trao đổi về hai chữ “tham” và “sân” mà chúng tôi vừa được nghe tại phòng làm phim.

Khi đến Thánh thất, chúng tôi thấy có khoảng 10 người đang ngồi tại khách trai đường của để dùng bữa trưa. Quả thật chúng tôi không nghĩ Thánh thất Anahiem lại nhỏ như vậy, chỉ như một cái nhà của người dân bình thường ở Mỹ, không mang kiểu dáng của một thánh thất truyền thống ở Việt Nam, không có gác chuông, không có lầu trống. Bên trong chánh điện có bàn thờ Thầy và bàn thờ Hộ pháp. Bên ngoài, trên vách có treo hình Tam thánh ký hòa ước. Thật đơn giản. Chúng tôi được mời vào dùng bữa trưa. Món ăn cũng đơn giản, chỉ mỗi một món bánh canh chay được nấu với nấm các loại. Đang đói nên chúng tôi ăn rất ngon.

Thánh thất Anahiem (ảnh chụp ngày 2.8.2009)

Bàn thờ Hộ pháp và bức tranh Tam thánh ký hòa ước (ảnh chụp ngày 2.8.2009)

Sau khi dùng xong bữa trưa, chúng tôi bước vào chánh điện, hành lễ trước bàn thờ Thầy, rồi trở ra và được mời vào ngồi lại chỗ mình vừa ngồi ăn để cùng sinh hoạt giáo lý. Lúc chúng tôi đến có khoảng hơn 10 người, cùng với chúng tôi nữa (7 người) là khoảng gần 20 người, nhưng khi tham dự buổi sinh hoạt giáo lý thì chỉ có 7 người chúng tôi, những người khác đã về trước đó. Bác Khanh, đầu họ của Thánh thất Anahiem, chuẩn bị máy quay phim để ghi hình cho buổi sinh hoạt. Lúc này bác không mặc áo của tín đồ mà chỉ mặc thường phục, những người còn lại cũng mặc thường phục tham dự buổi nói chuyện giáo lý.

Bắt đầu buổi nói chuyện, chúng tôi đứng lên đọc bài kinh “Vào học”, sau đó BS. Hùm mở đầu bài thuyết trình của mình về hai chữ “tham” và “sân”. Do chúng tôi là những người đã nghe trước đó tại phòng làm phim nên BS. Hùm không cần phải nhắc lại nội dung mà đi vào thẳng vấn đề để thảo luận. Mọi người cùng đặt câu hỏi xung quanh các vấn đề làm sao để kiềm giảm sự ham muốn và kiềm chế tính sân trong mỗi con người? Ai cũng biết tác hại của tham và sân, nhưng lại không có khả năng kiềm chế nó. Trong đạo Cao Đài có những pháp môn nào có thể giúp cho con người tự kiềm chế nó được không? BS. Hùm đã giải đáp về những thắc mắc này, đặc biệt có đề cập đến pháp môn “tọa thiền” hoặc “điều hòa hơi thở” trong đạo Cao Đài để giúp con người tĩnh tâm hơn khi gặp nhưng trường hợp bất trắc ngoài ý muốn.

Buổi sinh hoạt giáo lý tại Thánh thất Anahiem (ảnh chụp ngày 2.8.2009)

Khi chúng tôi đang nói chuyện đến phương pháp tọa thiền và điều hòa hơi thở thì bác Khâm, một tín đồ Cao Đài tu theo pháp môn của ngài Ngô Minh Chiêu, đến. Bác Khâm vừa từ Tây Tạng về, đi du lịch ở Tây Tạng để tìm hiểu về pháp môn Yoga của các tu sĩ Tây Tạng. Bác Khâm cũng góp một số ý kiến vào vấn đề tu tâm pháp để giúp cho con người ta tĩnh tại, nhưng không được nhiều thông tin lắm, vì hết giờ. Mọi người phải về. Tôi được biết tín đồ ở đây sống rất xa Thánh thất, họ muốn đến đây để sinh hoạt phải đi hơn 1 tiếng đồng hồ xe hơi (ít nhất khoảng cách cũng phải hơn 80 cây số). Chúng tôi có hẹn gặp lại vào những buổi chủ nhật kế tiếp tại các Thánh thất khác ở Cali.

Qua tiếp xúc buổi đầu tiên với tín đồ Cao Đài ở một Thánh thất tại Nam Cali, chúng tôi cảm nhận về một số điểm nhau trong sinh hoạt tôn giáo giữa tín đồ ở Nam Cali mà cụ thể là ở Thánh thất Anahiem với tín đồ ở các Thánh thất tại Việt Nam.

So về vật chất, tín đồ ở Nam Cali khá hơn rất nhiều, họ tự trang bị cho mình một chương trình truyền hình riêng để nói chuyện về “Sống đạo”. Ở Việt Nam, một số chi phái cũng có cách tuyên truyền sống đạo của mình, nhưng dưới hình thức viết tập san và không thường xuyên như chi phái Cao Đài truyền giáo có tập san Sống đạo phát hành vào cuối năm âm lịch, nhưng chỉ lưu hành nội bộ.

Về sinh hoạt tôn giáo, sự cảm nhận bước đầu của chúng tôi là có một cái gì đó chưa gắn kết, hệ thống chức sắc ở đây cũng chưa thật rõ ràng. Trước khi qua đây, ba tôi nói, Cao Đài ở nước ngoài không có phân chia chi phái như ở Việt Nam, chỉ có một Cao Đài mà thôi, nhưng tôi lại thấy sự gắn kết của họ không thật sự rõ ràng, có lẽ sự cảm nhận này sai vì mới tiếp xúc lần đầu.

Về lễ phục, thông thường trong những sinh hoạt giáo lý, tín đồ đều phải mặc lễ phục (áo dài khăn đóng), nhưng buổi sinh hoạt giáo lý tại Thánh thất Anahiem lúc đó, tín đồ chỉ mặc thường phục. Có lẽ, những người hôm đó là chúng tôi, những người vừa về từ phòng làm phim, nên không nhất thiết phải thay lễ phục?

Sự khác biệt này, tuy không quan trọng lắm, nhưng cũng nói lên được phần nào về sự tác động của môi trường văn hóa dẫn đến sự khác biệt về sinh hoạt tôn giáo của cộng đồng. Đây chỉ là những nhận định ban đầu, có thể sẽ không chính xác, nhưng nó cũng là một trong những gợi ý và những cảm nhận bước đầu của chúng tôi. Từ đây, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu kỹ hơn để có thể giải quyết được một số vấn đề nghiên cứu mà chúng tôi đã đặt ra khi đến đất Mỹ.

5.8.2009
Huỳnh Ngọc Thu

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.