Thế là tôi đã đi “Tây” (4)

0
1107

BBT: Khi gửi bài hồi ký “Thế là tôi đã đi Tây”, bác Trần Thắng có chia sẻ với BTKUXH rằng: “Lúc đầu tôi chỉ định tâm sự với con cháu và người thân trong nhà. Nhưng khi gặp Bảo tàng Ký ức Xã hội, tôi thấy như gặp một người bạn mà mình có thể chia sẻ nhiều về những gì đã qua. (…) Hồi đó không có điều kiện và thời gian để chụp ảnh nên chỉ có duy nhất tấm ảnh chụp khi kết thúc khóa học. Tôi cũng chỉ giữ được một cái nồi áp suất thôi. Còn tất cả ra bã rồi còn đâu.”.

Mời quý bạn đọc chia sẻ với bác Trần Thắng câu chuyện đi học Liên Xô của mình.

THẾ LÀ TÔI ĐÃ ĐI “TÂY” – kỳ 4
Hồi ký: Trần Thắng
————————————-

Phần 1 /Phần 2 / Phần 3

Bây giờ ở Nga là cuối thu, trời bắt đầu trở lạnh. Còn 1 tuần nữa mới vào học nên mọi người bàn nhau tranh thủ đi kiếm hàng. Thường thì nhóm 4 tên Thắng, Thạo, Huấn, Dũng hay đi với nhau. Ông Vinh hay đi một mình, cậu Đà cũng vậy. Khi tôi đã tạm hồi phục thì nhóm 4 tên rủ nhau ra phố. Sở dĩ phải đợi tôi vì lúc này tôi đang giữ 100 rúp tạm làm quĩ của nhóm. Đầu tiên phải tìm hiểu mạng lưới xe điện ngầm vì đây là phương tiện khá tiện lợi, chỉ cần nhớ ga xe điện ngầm gần nhà, sau đó cứ thế mà đi, kiểu gì cũng về được. Thứ hai là phải có nhiều tiền lẻ và tiền xu và thứ ba là phải khỏe vì phải đi bộ nhiều.

Có trạm xe buýt ngay trước nhà, chúng tôi nhảy lên, mua vé bằng xu. Xe khá đông, quân ta nhỏ bé thấp lùn lọt thỏm vào đám người Nga cao to, lúc này mới thấm “nỗi buồn nhược tiểu”. Tới bến xe điện ngầm chúng tôi xuống. Phải nói rằng mỗi ga xe điện ngầm được xây dựng và trang trí như một cung điện rộng lớn, không ga nào giống ga nào. Cái ấn tượng to lớn lại đến với tôi. Người đông nghịt, khi đi chúng tôi mặc khá nhiều quần áo vì ngoài trời chỉ khoảng 14, 15 độ, nhưng vào ga và lên tàu chúng tôi toát mồ hôi hột vì nóng. Đang đứng đợi thì 1 đoàn tàu lao vụt đến rồi dừng lại êm ru, mọi người vội vã lên xuống trong khoảng 30 giây. Con tàu lại lao vụt đi chui vào đường hầm hun hút tối mò. Lên tàu tôi để ý thanh niên, đàn ông không một ai đến ghế ngồi. Chỉ có mấy bà già và phụ nữ trung niên là ngồi. Đàn ông, thanh niên vô ý ngồi xuống là bị mọi người nhìn như quái vật. Tất nhiên là chúng tôi cũng đứng, có điều tôi phải chọn 1 góc nào đó để tựa vào cho khỏi ngã, có chỗ mà bám tay cho chắc. Đến ga trung tâm chúng tôi xuống. Lên đến mặt đất tôi choáng ngợp vì sự to lớn, rộng rãi và sang trọng. Đi lướt nhanh qua các tủ kính to lớn bày hàng hóa đắt tiền, chúng tôi chui vào cửa hàng mà bây giờ hay gọi là siêu thị. Hàng hóa khá nhiều, người đi mua cũng lắm, nhưng chúng tôi chỉ để tâm tới mấy món hàng “chiến lược” dễ tiêu thụ và lãi suất cao như tủ lạnh Saratop, nồi áp suất, chậu nhôm to, dây mayso cho bếp điện, bàn là, máy khâu, các loại ổ cắm điện. Dạo một vòng qua mấy cửa hàng chúng tôi chưa phát hiện ra hàng “chiến lược”, nhưng cũng thích vài thứ và nảy ra ý định mua sắm lung tung. Mọi người xác định lại “tư tưởng” và không mua gì, coi như đi trinh sát thôi. Nói thực lúc đó tôi còn mệt, không biết tiếng tăm gì, tiền nong có hạn nên cũng không mấy hứng thú với trò mua bán. Nhưng vì “trách nhiệm nặng nề” nên phải cố thôi. Tôi rất ngại và xấu hổ vô cùng.

The la toi da di Tay
Chiếc nồi áp suất - kỷ vật đi Liên Xô duy nhất tôi còn giữ lại

Sau đó là mấy ngày cuối tháng 8, chúng tôi vào học viện để làm các thủ tục, anh Vinh trưởng đoàn cũng đề xuất luôn vài đề nghị: xin cấp quân trang, xin gửi thùng hàng… Quân phục chúng tôi mang đi là loại K82 may vải của LX cho nên khá tươm tất nhưng không thể bằng vải may cho sĩ quan LX và LX may. Nhất là sơ mi của chúng tôi khá bèo so với sơ mi – áo bay của Liên Xô đang là hàng “hot” ở Việt Nam. Đang mùa thu và mùa đông sắp tới mà chúng tôi không có áo khoác, quân trang của họ theo mùa, mùa thu có áo khoác mỏng (panto) và mùa đông có áo khoác dày (xinhen) kèm theo mũ lông. Sở dĩ vấn đề quân trang quan trọng không phải chúng tôi muốn mặc đẹp mà vì chúng rất có giá ở Việt Nam lúc đó. Từ cái áo bay, đến đôi giày da nâu, từ cái áo panto đến cái mũ lông… cái gì cũng qui ra tiền hết. Mà quân ta thì đang rất cần tiền. Theo qui định thì học kỳ hạn 6 tháng sẽ không được cấp quân trang và không được gửi thùng hàng. Nhưng sau đó một vài tuần chúng tôi được thông báo: sẽ được may 2 áo bay, 1 áo panto, cấp 1 đôi giày da. Được gửi 1 thùng hàng nhưng chỉ có kích thước 1,2×1,2×1,2m, tuy nhỏ nhưng có còn hơn không. Kết quả này có sự góp công của vài chai Lúa mới đây. Áo bay và panto đo may chỉ 2 tuần là xong. Nhận áo đa số cất kỹ, riêng tôi thấy mấy cái sơ mi của tôi quá cũ lại bạc phếch nữa nên tôi lấy áo bay ra mặc luôn. Về quần áo của quân ta so với quân đội các nước thật quá kém, kiểu cách, chất liệu đều rất tồi. Người ngợm đã quắt queo dặt dẹo, đi đứng liêu xiêu, lại mặc những bộ đồ chán như vậy càng làm cho quân ta chẳng giống ai. Nhất là cái món quân hàm, vừa xấu, vừa bèo nhèo, lại màu sắc sặc sỡ trông đến chán. Nguyên gắn sao, gắn gạch rồi đeo vào áo đã là một kỳ công. Vậy mà mỗi người chỉ có 1 bộ, khi sao rụng, gạch gẫy thì thật buồn cười, có anh đại úy một bên 4 sao, một bên 3 sao; có anh thiếu tá một bên 2 gạch, một bên 1 gạch. Chuyện này rất hay xảy ra vì mùa thu, mùa đông ra khỏi nhà là phải mặc áo khoác. Khi vào nhà cởi ra vô ý một chút là sao gạch rụng sạch. Đấy là chưa nói quân đội các nước họ mặc khác ta, áo sơ mi có quân hàm, áo vét có quân hàm, áo panto có quân hàm, mà quân hàm thường có màu gần giống màu quân phục nên rất nền nã; sao không sắc nhọn và được bắt bằng ốc vít rất chắc, sau đó may vào áo. Còn ta chỉ có nhất bộ đeo ở áo vét thôi, màu lúc mới thì sặc sỡ nhưng khi cũ bạc xỉn màu rất xấu, sao vạch bằng đồng mỏng sắc nhọn lại mạ bạc mỏng nên khi cũ nó bong tróc, đen xỉn rất chán, lại gắn bằng các dây đồng nhỏ hay chân bằng nhôm nên hay gẫy lắm. Cải tiến cải lùi mãi mà vẫn không khá lên được. Thật chán.

Toàn bộ các phần của bài viết “Thế là tôi đã đi “Tây”” tại đây

Trần Thắng

(còn tiếp)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.