Nhân Học !

0
871

Tôi thích những chuyến đi. Tôi say mê với những nẻo đường, vùng đất, khoảng trời và con người mới mẻ ; Những nền văn hóa mà tôi chưa từng được tận mất thấy. Xin lỗi vì đến hôm nay tôi mới thực sự ngồi lại và nhận ra trong suốt những hành trình ấy, Nhân Học theo tôi, đã sang năm thứ 3 rồi ! Xin lỗi và cảm ơn rất nhiều !

Ngày trước (khi chưa có Nhân học), tôi thấy cảm tình với một nụ cười người lạ, tôi cười lại rồi đi tiếp, vậy thôi. Nhưng giờ bỗng thấy sao khác quá, tôi yêu nụ cười của bác bán trái cây bên đường, trong đầu đặt ra cả ngàn câu hỏi : Ngồi nơi đây nóng nực, cực khổ, bốc mùi sao cười được tươi vậy ? Liệu ngồi đây có phải đóng thuế vỉa hè không? Bác có phải lao động chính của gia đình không ? Bán trái cây là phụ nữ thì thuận tiện hơn phải không, thường thì khách nào mua, có bác trai phụ giúp không ?… Sau đó giật mình vì không ngờ ý nghĩ ấy đã bật lên thành tiếng, bà bác trả lời hai ba câu rồi quay qua nhìn tôi lạ lùng… Ngơ ngác một lúc tôi bật cười, hóa ra mấy câu nói hồn nhiên chưa xin phép ấy ảnh hưởng từ đâu đó như là Nhân Học Đô Thị, Nhân Học giới. 

Ngồi nơi đây nóng nực, cực khổ, bốc mùi sao cười được tươi vậy ? Liệu ngồi đây có phải đóng thuế vỉa hè không? Bác có phải lao động chính của gia đình không ? …bà bác trả lời hai ba câu rồi quay qua nhìn tôi lạ lùng. Ảnh: T.Hiền

Bây giờ có cơ hội đi bất cứ nơi đâu cũng một cách tự nhiên nhất để ý tỉ mỉ địa hình thế nào, lịch sử ra đời vùng đất đó ra sao, có những khó khăn hay mâu thuẫn gì nảy sinh trong đời sống thường nhật của người dân nơi đó không ?! Trong một chuyến từ thiện tiếp tế lương thực cho bà con vùng chịu ảnh hưởng lũ, khi cả đoàn công tác còn bận mải chào hỏi chính quyền địa phương, ngồi chán, tôi đã lén tách ra chạy đến hỏi han và lắng nghe tâm sự của mấy cô bác đã đợi chờ nhận đồ cứu trợ từ rất sớm. Như phản xạ tự nhiên tôi xin phép họ cho ghi âm lại, rồi lấy sổ bút ghi ghi chép chép… Sau chuyến đi về gỡ băng để đó, mấy trang giấy viết vội cũng để đó ; không rõ sau này làm gì đến nó mà cất giữ như báu vật.
Tôi là đứa con gái tiểu thư nửa mùa xấu nết – nhiều khi đỏng đảnh, sợ đau, ngại khó khăn, thiếu thốn… Thế nhưng không hiểu sao trong những chuyến tình nguyện vùng núi hiểm trở xa xôi giờ đây chẳng còn sợ đường lầy lội, ô tô không qua nổi ; chẳng e dè nước từ khe đá ; dửng dưng vô cùng khi bị vắt và dĩn cắn ; không nề hà ăn những món lạ lùng của đồng bào tộc người thiểu số, hòa nhập nhanh chóng vô cùng với nhịp sinh hoạt nơi có nền văn hóa không giống mình… Mọi người khen tôi giỏi. Tôi nghe đâu đó có sự biết ơn và tự hào len lói ; có được các kĩ năng ấy nhờ bao lần điền dã cùng lớp Nhân Học, bao lần há miệng nuốt từng lời thầy cô dặn dò đến địa bàn nghiên cứu cần lưu ý điều nọ, điều kia. Cười thầm : Sinh viên Nhân Học đấy nhé! Khen thừa rồi !
Tôi từng quỳ gối, bò gập người chụp đôi chân nứt nẻ của một cô sơn nữ tình cờ gặp ven đường, mặc kệ mọi người ngó cái dáng người chụp mà ái ngại. Vô cùng mừng rỡ vì biết rằng hình ảnh ấy sẽ nói được nhiều điều ngôn từ khó mà diễn đạt nổi. Là Nhân Học Hình Ảnh – kiệm lời nhưng vẫn lưu lại được những ám ảnh kéo dài !

Tôi từng quỳ gối, bò gập người chụp đôi chân nứt nẻ của một cô sơn nữ tình cờ gặp ven đường, mặc kệ mọi người ngó cái dáng người chụp mà ái ngại. Ảnh: T.Hiền

Khi bạn tôi trong cùng một chuyến đi đến bản người Mông Đen ( Phù Yên, Sơn La) có nói đã gặp ở đây nhiều cô bé cậu bé rất lạ, tóc vàng hoe hoặc trắng như tóc người Tây nhưng lại gầy còm ốm yếu lắm. Cô ấy giỡn chắc là con lai. Phù Yên thì lấy đâu ra lai ?! Không cười nổi, tôi sững người… Nhớ trong những giờ Nhân Học Y Tế, cô giáo tôi có nhắc tới nhiều nơi đồng bào dân tộc mình còn hôn nhân cận huyết, con chị lấy con em, cô chú dì lấy cháu ruột của mình. Những đứa trẻ sinh ra bẩm sinh sẽ mắc những chứng như bạch tạng, mù màu, da vảy cá, còi cọc… Hy vọng tôi nhầm. Nhưng không ! Sau khi tận mắt thấy những đứa trẻ tội nghiệp, ôm chúng vào lòng, bỗng có cái khao khát bùng cháy rằng mai sau sinh viên Nhân Học này ra trường sẽ quay trở lại đây, phá nát thứ được gọi là văn hóa bảo tồn dòng máu ; dạy cho những đứa trẻ làng bản Mông Đen biết rằng hôn nhân cận huyết sẽ làm suy thoái giống nòi, sẽ làm nhiều đôi mắt không thể thấy, tai khó nghe, làn da sần sùi, thể trạng yếu ớt… Đau đáu nhức nhối bởi những hình ảnh tận mắt thấy, rồi lời thề, lời hứa hình thành và ghim sâu trong tâm trí tôi.

Những đứa trẻ sinh ra bẩm sinh sẽ mắc những chứng như bạch tạng, mù màu, da vảy cá, còi cọc… Hy vọng tôi nhầm. Nhưng không ! Sau khi tận mắt thấy những đứa trẻ tội nghiệp, ôm chúng vào lòng, bỗng có cái khao khát bùng cháy rằng mai sau sinh viên Nhân Học này ra trường sẽ quay trở lại đây, phá nát thứ được gọi là văn hóa bảo tồn dòng máu . Ảnh: T.Hiền
Đau đáu nhức nhối bởi những hình ảnh tận mắt thấy, rồi lời thề, lời hứa hình thành và ghim sâu trong tâm trí tôi.Ảnh: T.Hiền

Bằng cách tự nhiên nhất, Nhân Học làm tôi hiểu và yêu thương hơn con người. Sau mỗi chuyến đi lại thấy Nhân Học như đã ngấm vào máu rồi, chảy trong cơ thể tôi !
Một lần nữa thân thương gửi lời cảm ơn chân thành nhất !

Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường


Lương Thị Thu Hiền

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.