BBT: Khi gửi bài hồi ký “Thế là tôi đã đi Tây”, bác Trần Thắng có chia sẻ với BTKUXH rằng: “Lúc đầu tôi chỉ định tâm sự với con cháu và người thân trong nhà. Nhưng khi gặp Bảo tàng Ký ức Xã hội, tôi thấy như gặp một người bạn mà mình có thể chia sẻ nhiều về những gì đã qua. (…) Hồi đó không có điều kiện và thời gian để chụp ảnh nên chỉ có duy nhất tấm ảnh chụp khi kết thúc khóa học. Tôi cũng chỉ giữ được một cái nồi áp suất thôi. Còn tất cả ra bã rồi còn đâu.”.
Mời quý bạn đọc chia sẻ với bác Trần Thắng câu chuyện đi học Liên Xô của mình.
THẾ LÀ TÔI ĐÃ ĐI “TÂY” – kỳ 3
Hồi ký: Trần Thắng
————————————-
BTKUXH – Gần trưa có cậu Thành là bạn cậu Dũng tìm đến. Dũng bàn giao đồ đạc trong đó có chiếc Radio Cassette. Sau này nghe nói radio cassette giá tới 1000 rúp, một khoản tiền rất lớn. Cậu Thành thăm hỏi anh em, thông báo tình hình thị trường và ngỏ ý mua vài món đồ cho mọi người. Sau khi trao đổi thấy giá mua Thành đưa ra có vẻ thấp mọi người im lặng. Lúc này chỉ có tôi và Dũng trong phòng, Thành hỏi:
– Anh mang được gì không?
Tôi nói:
– Có 3 cái quần bò và 10 cái áo phông.
Sau khi xem, cậu ta nói:
– Quần của anh toàn size nhỏ, áo thì kiểu quê quá khó bán lắm. Lúc đi mua chỉ biết mua quần bò, chứ có biết size nào bán được hay không bán được đâu. Cậu ta nói thêm: May ra chỉ có cái quần size lớn nhất là bán được thôi”.
– Giá bao nhiêu?
– Cao lắm là 100 rup.
-Sao nói là 120 rup cơ mà.
– Phải size lớn mới được vậy.
Tôi nghĩ 1 lát rồi bán cho cậu ấy chiếc quần giá 100 rup, dù sao cũng phải có đồng tiền lận lưng chứ. Vì khi gặp người ra đón đoàn, chúng tôi mới vỡ lẽ ra là do sang sớm tới 10 ngày nên 10 ngày này chúng tôi phải tự túc việc ăn uống. Mọi người không biết thế nào chứ tôi thì không có 1 xu. Quả đúng vậy, 100 rúp này đã cưu mang nhóm 4 người chúng tôi hơn chục ngày. Tôi vẫn nằm ngây ngất, không ăn được tí gì, chỉ uống tí nước, cơn say vẫn chưa bớt chút nào. Mọi việc trao đổi, mua bán đều diễn ra trong trạng thái nằm, vì hơi ngóc đầu lên là lại ói ngay.
Chiều đến chúng tôi được dẫn ra tàu hỏa đi Leningrat. Trong lúc đứng đợi tàu ở sân ga, có vài ông người Nga già chăm chú nhìn chúng tôi và tới hỏi thăm. Tiếc là tôi chỉ có thể nói rằng: tôi không nói được tiếng Nga rồi bắt tay nhau cười cười. Lên tàu chúng tôi ngồi ở toa ghế mền, so với tàu Việt Nam thì quá sang trọng và tiện nghi.
Tàu chuyển bánh từ từ rồi nhanh dần, chẳng mấy chốc đã lao vùn vụt với tốc độ 120km/h. Trời tối dần, nhưng không tối hẳn nên vẫn có thể thấy quang cảnh mênh mông bát ngát của nước Nga. Tuyến xe lửa Matscva – Xanh Petecbua do đích thân Nga hoàng vạch tuyến, Ông ta lấy cây thước nối 2 điểm trên bản đồ và kẻ 1 đường thẳng băng. Khi thi công, xem bản vẽ, thấy có 1 chỗ cong như nửa đường tròn, mọi người không hiểu nhưng cứ làm đúng như bản vẽ. Sau này tìm hiểu kỹ thì ra là khi vẽ Nga hoàng đã vòng qua ngón tay giữ thước mà không để ý. Qua giai thoại này ta thấy tầm nhìn lớn của một ông vua và sự nghiêm túc thực hiện của quần thần.
Khi tàu tăng tốc và lao nhanh thì cũng là lúc tôi rơi vào trạng thái say mê mệt. Lại nằm im như chết mà không sao ngủ được. Lâu lâu uống ngụm nước để có cái mà ói…Thê thảm quá chừng. Nói về say tàu xe tôi bẩm sinh đã vậy. Mẹ tôi kể lại hồi bé, mỗi lần chạy giặc, di chuyển cơ quan, bà cho tôi vào 1 bên thúng, bên thúng kia là đồ đạc và gánh đi. Tôi say mê mệt và ói mửa tùm lum rồi khóc suốt. Lớn một chút mỗi lần bố tôi cho đi theo xe ô tô là lại say…Thời gian về Cục Tác chiến, tôi hay phải đi công tác, nhiều lần đi máy bay AN 26 tôi cũng say khốn khổ, toàn nằm trên sàn máy bay chung với gà qué, heo, chó… Lần đi Lào công tác bằng Mi 8 cũng vậy, đến nỗi khi máy bay hỏng rơi tũm xuống ruộng lúa tôi còn mừng vì khỏi phải bay nữa!
Tàu chạy suốt đêm và rạng sáng thì tới ga Leningrat, một nhà ga rộng lớn và đông đúc. Đón chúng tôi là đại diện Học viện và 2 anh đoàn Việt Nam đang học tại đó. Họ đưa chúng tôi về DOM 32 trên phố TOREZA. Đây là ký túc xá cho sinh viên, nghiên cứu sinh các nước đang học ở Len. Chúng tôi ở tầng 8 hay 10 thì không nhớ nhưng cũng khá là cao. Đoàn tôi 8 người thì tôi, Vinh, Huấn, Thạo, Đà, Dũng được xếp vào 1 căn hộ 3 phòng, còn 2 cậu thông tin thì ở ghép vào một căn hộ với sinh viên đang học ở đây. Tôi lên phòng và nằm vật ngay ra cái giường nhỏ cạnh giường anh Huấn trong căn phòng có cửa sổ nhìn ra phố Toreza. Anh em cũng thăm hỏi, sức dầu, mua bánh, nước cho tôi ăn uống, nhưng không sao khỏi ngay được. Cứ như vậy hai hôm sau tôi mới tỉnh dần. Tính ra tôi say gần 3 ngày 3 đêm và hầu như không ăn uống gì. Khi đi đã gầy gò ốm yếu, bị một trận như vậy càng yếu thêm nên tâm trạng khá mệt mỏi.
Căn hộ chúng tôi ở cũng khá đủ tiện nghi, có 2 phòng riêng, có bếp riêng, có Tivi, có sưởi… Ông Vinh và cậu Đà ở 1 phòng riêng biệt, tôi và Huấn ở phòng ngủ thứ 2, có cửa thông ra phòng khách, phòng khách rộng nên ngoài chỗ để Tivi, họ kê thêm 2 giường và Thạo, Dũng nằm đó. Dom 32 là 1 chung cư cỡ 12 tầng, nằm dọc phố Toreza. Phía sau Dom 32 là khu sân chơi rộng cho nhiều khu nhà nằm quanh đó. Ấn tượng đầu của tôi là ở đây cái gì cũng to và rộng: người to lớn, nhà cửa to lớn, đường xá rộng rãi, sân chơi cũng rất rộng, từ nhà này đến nhà kia phải đi mệt nghỉ… Nhà thì rất to nhưng cửa vào thì bé tí, trần nhà cũng rất thấp vì sứ lạnh phải vậy mới hợp. Dom 32 có thang máy, chúng tôi toàn đi thang máy. Giờ đi làm hay chiều về cũng nhiều lúc “kẹt” thang.
Toàn bộ các phần của bài viết “Thế là tôi đã đi “Tây”” tại đây
Trần Thắng
(còn tiếp)