Thế là tôi đã đi “Tây” (5)

0
1460

BBT: Khi gửi bài hồi ký “Thế là tôi đã đi Tây”, bác Trần Thắng có chia sẻ với BTKUXH rằng: “Lúc đầu tôi chỉ định tâm sự với con cháu và người thân trong nhà. Nhưng khi gặp Bảo tàng Ký ức Xã hội, tôi thấy như gặp một người bạn mà mình có thể chia sẻ nhiều về những gì đã qua. (…) Hồi đó không có điều kiện và thời gian để chụp ảnh nên chỉ có duy nhất tấm ảnh chụp khi kết thúc khóa học. Tôi cũng chỉ giữ được một cái nồi áp suất thôi. Còn tất cả ra bã rồi còn đâu.”.

Mời quý bạn đọc chia sẻ với bác Trần Thắng câu chuyện đi học Liên Xô của mình.

THẾ LÀ TÔI ĐÃ ĐI “TÂY” – kỳ 5

Hồi ký: Trần Thắng
————————

Phần 1 / Phần 2 / Phần 3 / Phần 4

Ngày 1/9/1984 nhà trường khai giảng, có 1 lễ ngắn gọn, sau khi hiệu trưởng phát biểu, các khối học viên đi đều diễu qua khán đài, xong là vào lớp học. Việc học của chúng tôi có 2 phần, phần chiến thuật và phần kỹ thuật. Mỗi phần có vài môn học. Học kỹ thuật thì cậu Dũng dịch. Học chiến thuật thì cậu Toàn dịch. Học lý thuyết  xong  thì  thực  hành trên các thiết bị.

Với tôi và một vài người khác mọi việc không có gì khó khăn, nhưng cũng có anh học đấy nhưng hầu như chả hiểu gì. Tôi có nhận xét thế này: kiến thức kỹ thuật nói chung dừng lại ở mức cơ bản, tính ứng dụng ít và kém xa những gì thực tế tôi đã gặp trong chiến tranh với Mỹ, hiểu biết của họ về Mỹ không nhiều và khá lạc hậu. Thiết bị trinh sát điện tử và chống phá điện tử toàn dùng các loại máy thông tin chế lại nên tính năng không thể bằng thiết bị của Mỹ. Lúc này ta cũng được tiếp xúc 1 số kiến thức và thiết bị dành cho khối Vacsawa, nhưng cũng chỉ như cưỡi ngựa xem hoa. Cũng có những buổi đi dã ngoại, khá vất vả vì giá lạnh, băng tuyết và đêm hôm, nhưng cũng thú vị…Việc học cứ tuần tự trôi qua và cuối cùng chúng tôi cũng có 2 ngày thi tốt nghiệp, một nửa là khá giỏi và tốt nghiệp 100%. Rồi nhận bằng. Chụp ảnh. Liên hoan chia tay…

Trong 6 tháng học, nhà trường tổ chức cho chúng tôi đi chơi khá nhiều. Tháng đầu tiên, chúng tôi  được  đi  thăm  cung  điện Mùa hè. Công trình đẹp từ cảnh  trí, sân  vườn,  thác  nước  đến các lâu đài xa hoa sang trọng, toàn bộ cung điện nằm bên bờ vịnh lộng gió. Sau đó chúng tôi còn được đi thăm viện bảo tàng mỹ thuật Ermitad, khu tưởng niệm những người dân và lính hồng quân hy sinh trong hơn 900 ngày đêm bảo vệ Leningrat trong đại chiến thế giới thứ 2, ở đó có hơn 900 ngọn đèn cháy sáng vĩnh cửu, thăm cung điện mùa đông, điện Smonui…Phải nói rằng đó là những chuyến đi vô cùng bổ ích và lý thú. Chỉ có lần thăm điện Smonui, đứng cạnh tượng Lenin đang chỉ tay, anh chàng Đà cũng làm điệu bộ như vậy và hét lên: “CCCP – Các Chú Cứ Phá” làm bọn tôi giật mình. May mà không ai thấy.

Bảo tàng Ermitage (hình minh họa)

Tháng 9-1984, chúng tôi được lĩnh phụ cấp hàng tháng. Cấp tá là 120 rúp và cấp úy là 100 rúp. Tiền phụ cấp dùng cho ăn và tiêu vặt. Chỉ tiêu đặt ra là ăn và  tiêu  càng  ít  càng  tốt,  còn  lại dành để mua đồ. Nhóm tôi xác định  chuyến đi này vấn đề bồi dưỡng sức khỏe rất quan trọng, ngoài cậu Dũng còn trẻ khỏe và có da có thịt ra, 3 thằng còn lại toàn gày gò, ốm yếu, cha Thạo lại cao nữa cho nên cứ như Dongkisot ấy, cho nên cố gắng tiết kiệm nhưng không hạn chế ăn. Một ngày bắt đầu từ 05g sáng, thức dậy, vệ sinh cá nhân, ăn sáng rồi 06g lên xe buýt. Trưa 12g nghỉ và phải vào ăn trong nhà ăn sĩ quan, ăn ở đây khá đắt nên cũng phải tính toán sao cho mỗi bữa chỉ tốn 1,5 – 2,0 rúp. Kể cũng khó xoay sở. Bốn thằng 1 bàn, mỗi thằng gọi món riêng, nhưng vẫn để ý và nhắc nhau ăn sao cho kha khá 1 chút. Riêng cha Thạo rất lười ăn, ăn ít, món nào cũng chê, nhưng cả nhóm ra sức ép cho cha ấy ăn. Tối về tự nấu lấy ăn, đi chợ thì đi chung, còn nấu thì mỗi anh một tối, cứ thế xoay vòng. Tan học 1 anh về nấu ăn còn 3 anh đi “tăm” hàng, gặp là mua cứ cơ số 4 nhân lên. Có hôm nhiều hàng quá phải cử 1 anh chạy về kêu anh đang nấu cơm ra tải hàng. Như vậy mỗi tháng chúng tôi cũng tiết kiệm được từ 30 – 50 rúp, mà 1 cái bàn là có 2,5 rúp, mỗi tháng mua 15 – 20 cái thì trúng to. Cứ như vậy bài toán ăn, tiêu, mua, bán chi phối chúng tôi hằng giờ, hàng ngày. Rồi thì cũng tìm được tủ lạnh, máy khâu, nồi hầm, chậu nhôm, dây mayso, áo bay…Nếu tại chỗ không có, thì mạng lưới người quen, mạng lưới mua bán hàng của quân ta phát huy tác dụng. Hàng từ Mat, và các thành phố khác gởi về dần. Căn hộ ngày càng chật chội vì phải kiêm chỗ để hàng. Khổ nhất là mấy bà lao công, ngày nào vào dọn dẹp cũng kêu la quá trời.

Dần dần hàng mang sang cũng tiêu thụ hết, chủ yếu là qua trung gian nên cũng không được giá lắm. Ai cũng có một khoản tiền và hàng mua được nhiều thêm. Tới bây giờ tôi vẫn nhớ rõ cái cảnh đi “đánh hàng”. Phát hiện ra hàng phải nhanh chóng mua ngay, họ bán ít thì xếp hàng quay vòng, gọi anh em tới mua, nhờ người Nga mua hộ. Kể cũng chai mặt lắm nhưng biết làm sao? Không đánh nhanh, quân ta kéo đến thì nó vét sạch ngay. Rồi khuân 1 đống hàng đó ra xe, ra tàu theo kiểu sâu đo. Trong cái giá rét -30, -35 độ, gió gào thét, tuyết bay mù trời, băng trơn như mỡ, quân ta vẫn hì hục nhẫn nại làm việc không dám nghỉ ngơi, vì nếu nghỉ là coi như nghỉ luôn, khó mà làm tiếp được. Tôi nhớ như in những lúc mỗi tay xách 4 cái nồi hầm hoặc 2 cái máy khâu, lò dò từng bước trên băng trơn, gió ngược, nước mắt nước mũi chảy ra rồi đóng băng thành cục mà không sao gỡ ra được. Nhiều lúc muốn buông xuôi, nhưng rồi nghĩ tới lúc số hàng này về đến nhà, biến thành sữa cho con, quần áo cho vợ, xây được mái nhà nhỏ là lại cố mà bước. Về đến DOM đâu đã hết khổ, đợi chờ, tranh giành thang máy, nếu thang máy liệt thì chỉ còn cách vác hàng leo bộ lên lầu 8, lầu 10 mà thôi. Mình làm mọi việc đó trong cái nhìn đầy thắc mắc, đầy thương hại, thậm chí coi thường của người Nga, các học viên nước khác cùng học. Lúc này chỉ có chai mặt, cắn răng mà chịu chứ biết sao? Cái số phận của chúng ta, của dân tộc ta nó vậy đấy, rất phi thường nhưng cũng quá đỗi tầm thường. Người ta không hiểu tại sao chúng ta làm được những việc phi thường như vậy và cũng không hiểu vì sao chúng ta cũng kéo nhau làm những việc tầm thường như vậy. Cái cảm giác xấu hổ, mặc cảm, sĩ diện luôn day dứt tôi hàng ngày. Mình chỉ biết cố gắng học hành cho tốt, ăn mặc sạch sẽ lịch sự, cư xử cho đàng hoàng thôi. Còn lại thì vẫn phải lao vào cái vòng xoáy của “phong trào”.

Vào tháng 12 thì phải, bố tôi có dịp qua LX làm việc. Ông đã liên hệ và tới Leningrat thăm tôi. Thế là cả bộ sậu háo hức, anh Hưng, anh Vũ cũng tích cực tham gia. Chúng tôi tới thăm Ông ở khách sạn và đề nghị Ông mang về giúp mỗi người 1 chút quà cho gia đình. Ông vui vẻ nhận lời và cùng chúng tôi chuẩn bị, tôi mua 1 cái vali nhỏ để quà của mọi người, mua 1 cái cặp sách có quai đeo cho con trai tôi vào năm học mới. Tôi nhớ là anh Hưng, anh Vũ gửi chủ yếu là thuốc Tây. Tôi và mấy anh em khác có vài món quà nhỏ cho mọi người. Tôi mua cho Bố tôi chục cuộn phim chụp hình…Khi tiễn Ông đi, Ông tháo chiếc đồng hồ tuy hơi cũ nhưng khá xịn đưa tôi để có thêm chút tiền mua sắm. Chiếc đồng hồ này sau đó tôi nhờ cậu Nhân ở đoàn anh Hưng bán hộ. Không biết xui sẻo làm sao cậu bị bọn Trung Á lừa mất. Tôi tiếc nhưng không đòi hỏi gì. Sau đó Nhân có đưa cho tôi 100 rúp, tôi cầm nhưng thấy áy náy quá. Không biết sau này Nhân là thiếu tướng, Cục trưởng, Nhân có nhớ vụ đó không? Tôi thì tôi nhớ mãi những người tốt như vậy.

Toàn bộ các phần của bài viết “Thế là tôi đã đi “Tây”” tại đây

Trần Thắng

(còn tiếp)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.