Âm thanh thời chiến

0
711

BTKUXH – Có nhiều cách tiếp cận lịch sử khác nhau. Mỗi cách tiếp cận gợi  cho chúng ta một hướng nhìn và giúp chúng ta đi đến gần hơn với sự thật lịch sử. Dù biết rằng công việc tái tạo những thời khắc lịch sử trong quá khứ không phải là công việc dễ dàng. Vì năm tháng càng trôi đi, bức màn thời gian càng che mờ những biến cố lịch sử. Những thân phận con người sống trong những hoàn cảnh lịch sử  đó cũng vì thế mà trở nên mờ nhạt và càng  ngày càng mờ nhạt vì quan điểm: quá chú trọng “phi niên đại bất thành lịch sử” mà quên đi thân phận của mỗi con người làm nên lịch sử. Chính vì vậy, BTKUXH xin trân trọng giới thiệu một công trình nghiên cứu  lịch sử dưới góc nhìn của một sử  gia ngoại quốc khi viết về lịch sử Việt Nam. Chúng ta hãy nghe những lời tâm sự về những khó khăn của tác giả khi nghiên cứu lịch sử Việt  Nam, cũng như  chia sẻ với tác giả về một hướng tiếp cận trong nghiên cứu sử học.

Mùa Phục sinh năm 2005, tôi được yêu cầu tổ chức và biên tập một cuốn sách có tựa “Đời sống hàng ngày của thường dân ở châu Á thời chiến”. Đã dạy học nhiều năm về Nhật, Triều Tiên và Trung Quốc, tôi tự tin có thể viết về các nước đó hoặc tìm đúng người đóng góp. Một số đồng nghiệp giúp tôi liên lạc các tác giả viết về Indonesia và Philippines. Khó khăn duy nhất là Việt Nam, chắc chắn đóng phần trung tâm cho cả cuốn sách vì sự quan trọng của cuộc chiến trong lịch sử thế giới hiện đại. Tôi muốn nghe về người dân Việt Nam, chứ không phải những người lính ngoại quốc mà các ghi chép về họ khiến các giá sách bắt đầu trĩu xuống vì nặng. Nhưng khi nói chuyện với nhiều nhà Việt Nam học, tôi thấy có vẻ chưa ai viết về đời sống người dân miền Nam từ giữa thập niên 1960 đến 1970.

Tôi nhờ một sử gia sinh ở Việt Nam viết về bản thân cô và gia đình ở Sài Gòn những năm ấy, nhưng rồi tôi chẳng còn nghe tin tức của cô.

Khi hạn chót chỉ còn bốn tháng, tôi đành quyết định tự viết chương sách. Yếu tố duy nhất khiến tôi tự tin, hay ngông cuồng, là một sinh viên của tôi, Paul Lê Dương, thường kể về bố mẹ mình mà hiện đang sống ở Melbourne. Nhờ Paul và gia đình anh giúp, tôi được gặp nhiều người từ miền Nam, có người trên 40, người đã quá 80 tuổi. Tôi cũng cố gắng đọc thật nhiều The Saigon Post, tờ báo tiếng Anh chính thời đó.

Kết quả là tôi đã viết xong chương sách (và cuốn sách ra mắt năm 2007), nhưng quan trọng hơn, tôi đã có một trải nghiệm nghiên cứu thú vị nhất trong sự nghiệp.

Âm thanh đời sống

Trong các cuộc phỏng vấn, tôi dần tin rằng âm thanh tác động đến ký ức cũng mạnh như hình ảnh, và vì thế tôi yêu cầu người được phỏng vấn kể cho nghe về âm thanh đời sống thường nhật. Từ lâu tôi cũng tin rằng sự hài hước là không thể thiếu để con người sống qua đau khổ, vì thế ở những trường hợp phù hợp, tôi đề nghị họ bổ sung thêm tiếng cười.

Họ kể âm thanh mở đầu và khép lại mỗi ngày rất phong phú. Lúc bình minh, có tiếng rao hàng, nhiều phụ nữ đi về chợ trung tâm nhưng dừng lại để bán mì, xôi, bánh mì Pháp cho những người đổ xô đi làm hoặc vừa trở về sau ca đêm.

Một âm thanh khác là “âm nhạc” nghịch tai của đêm tối khi thành phố đặt trong tình trạng giới nghiêm; bây giờ là tiếng cánh quạt trực thăng, đạn pháo, cùng những giọng nói ghê rợn như ma quỷ, được loa trực thăng chơi to hết cỡ để làm chiến binh đối phương sợ hãi. Nhưng giống như với mọi âm thanh nghịch tai khác, con người trở nên quen với điệp khúc khủng khiếp này và, ít nhất nơi thành phố, họ để nó trôi tuột qua như phần lớn tiếng động ở siêu thị.

Một trong những âm thanh chủ đạo ban ngày là tiếng xe Honda. Nhờ công nghệ sản xuất hàng loạt trong thập niên 1960, xe máy lan khắp thế giới và cho giới trẻ, gồm cả phụ nữ, một cảm giác mới về tự do.

Với lớp thiếu niên còn đi học, âm thanh thông dung nhất lại là sự yên lặng. Ngoài các kỳ nghỉ, khi con gái nhảy dây, con trai câu cá, đá bóng, đá cầu, cuộc sống của các em bị việc học chi phối.

Mô tả điều này là “sự yên lặng” có lẽ chưa đúng, mà nên dùng từ “tập trung”. Mục tiêu cao nhất là qua được kỳ thi. Nếu nam sinh rớt kỳ thi đại học kéo dài ba ngày, gần như chắc chắn cậu sẽ bị gọi nhập ngũ và cuộc đời có thể trở thành tàn nhẫn và ngắn ngủi. Ngược lại, sinh viên đại học được kính trọng, và không phải vào quân đội. Vì lẽ đó, học tập chăm chỉ, trong im lặng hay không, có thể tạo nên khác biệt giữa sống và chết.

Lạc quan

Thập niên 60 là thời kỳ đầu tiên phổ cập đại học trong nhiều xã hội. Tại Nam Việt Nam, với tác động của chiến tranh và quân dịch, nhưng còn phải kể đến sự gia tăng số lượng phụ nữ trẻ tham vọng và độc lập trong tư duy, các sân trường đại học tràn ngập sinh viên. Theo những gì tôi được nghe, dường như âm thanh giảng đường là âm thanh khấp khởi, hồ hởi khi là sinh viên, khi được là thanh niên giữa thời đại của tuổi trẻ.

Nhiều học sinh trung học và đại học vồ vập văn hóa hippie. Họ để tóc dài, để râu, quần ống loe, và đeo những cặp kính có hoa. Trong âm nhạc, họ nghe những ca khúc nói chung lạc quan một cách bướng bỉnh về nhân loại và tinh thần con người, ngay cả giữa thời kỳ chiến tranh và bất ổn toàn cầu.

Hai trong số các phòng trà nổi tiếng nhất là Au Baccara và Queen Bee.

Sức hút tại Queen Bee là Khánh Ly. Với giọng hát nhừa nhựa, kết quả của rượu và thuốc lá, cô có thể đi vào trái tim thính giả, đặc biệt khi hát ca từ của một trong những nhạc sĩ lớn của miền Nam, Trịnh Công Sơn.

Tại những club như Au Baccara, Queen Bee, người ta ngồi nghe nhạc, uống bia (bia 33 là một trong những nhãn hiệu hàng đầu), hay Coca Cola. Họ cũng có thể đứng lên để nhảy, mặc dù một số club có diện tích rất hạn chế.

Ở những nơi có chỗ để cục cựa, khiêu vũ cổ điển dường như là phong cách thông dụng nhất. Tại đại học, một số sinh viên năm nhất được sinh viên lớn cầm tay và dạy điệu foxtrot cùng các thể loại khác để làm liều thuốc chống chán, cô đơn hay nguy cơ tiêm nhiễm thói xấu.

Ước mơ triệu phú

Truyền hình vẫn là của hiếm và cả đến những năm 70, chỉ phát từ 6h tối đến nửa đêm.

Radio là chỗ cung cấp âm thanh chính trong ngày. Ví dụ, Radio Sài Gòn phát thanh cả ngày. Tiết mục đỉnh mỗi tuần là vào thứ Ba lúc 3h chiều, khi bắt đầu chương trình Xổ số Kiến thiết Quốc gia của “quái kiệt” Trần Văn Trạch. Hình như ai nấy đều thuộc lời bài hát xổ số của ông Trạch, và tất cả đều mơ trở thành triệu phú – năm 1973, giải nhất là năm triệu đồng.

Trẻ đường phố bán vé số – có vé thật, vé giả – và những tay chơi ở tỉnh nóng lòng chờ đợi máy bay chở báo chí Sài Gòn đăng tải dự báo số may mắn của thầy bói. Mặc dù nhiều người chắc chắn bị thất vọng, nhưng đây là cách để con người mỗi tuần lại tìm thấy giải trí và lạc quan giữa cuộc chiến.

Một chương trình cũng thu hút thính giả là tường thuật bóng đá. Các trận cầu thường diễn ra lúc cuối tuần, giống như ở các nước thời gian đó, với các đội đối nghịch từ các tỉnh và các ngành. Có khi có đến 20.000 người xem những trận lớn nhất tại sân Cộng Hòa.

Nhưng với những ai không thể có mặt, hay không dám trèo lên cây bên ngoài cánh cổng, thì radio cũng xịn như thật. Mà thực ra có khi thính giả lại còn cảm thấy sướng hơn là khán giả.

Đó là nhờ tài nghệ bình luận của một cựu cầu thủ, ông Huyền Vũ. Như một phụ nữ kể lại, khi nghe bình luận của ông, cô cảm giác đang ở gần trận cầu tới mức nghe cả tiếng banh.

Một trong những chi tiết tôi để ý khi đọc The Saigon Post là số lượng mẩu tin quảng cáo thầy dạy khiêu vũ.

Một người thường xuyên đăng quảng cáo là ông Nguyễn Trọng. Đầu năm 1975, trong khi xe tăng Bắc Việt tiến gần tới ngoại vi Sài Gòn, ông vẫn quảng cáo mình là “thầy dạy khiêu vũ giỏi nhất Việt Nam…”

Kết thúc chương sách, tôi viết rằng những người mà tôi phỏng vấn, cùng hàng triệu người Việt cả Nam lẫn Bắc, đã mất quá nhiều trong những năm chiến tranh, nhưng những người tôi gặp vẫn giữ sự kiên cường, sự hài hước, và giữ liên lạc với nhau. Tôi thầm hy vọng “ông thầy dạy khiêu vũ giỏi nhất Việt Nam” vẫn giữ được khả năng, cả khi ấy và sau này, để nhảy theo điệu nhạc mà ông được lựa chọn.

Stewart Lone
Giáo sư châu Á học, Đại học New South Wales

Về tác giả: dạy ở Trường Khoa học Xã hội – Nhân văn thuộc Đại học New South Wales, Úc. Ông chủ biên và viết chương sách về miền Nam Việt Nam trong cuốn Daily Lives of Civilians in Wartime Asia (2007).

Theo: BBC Việt ngữ

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.