Tổ chức xã hội truyền thống của người Khmer ở Tây Nam Bộ – Kỳ 5

0
875

BTKUXH: Việc ghi chép nhật ký điền dã là một công tác không thể thiếu trong các chuyến thực tập của sinh viên ngành Nhân học, mà những người trong ngành thường gọi là đi điền dã. Những kỳ tiếp theo của loạt bài “Tổ chức xã hội truyền thống của người Khmer ở Tây Nam Bộ”, chúng tôi xin giới thiệu những trang nhật ký điền dã của một bạn sinh viên trong quá trình điền dã của mình.

Ngày đầu tiên ở địa bàn 

Thứ 3 ngày 24 tháng 05 năm 2011
Đầu giờ chiều, sau một chặng đường khoảng 200km, chúng tôi có mặt tại ủy ban nhân dân xã Kh.B. Sau một khoảng thời gian làm việc với chính quyền địa phương mà đại diện là đồng chí phó chủ tịch ủy ban nhân dân, họ tỏ ra rất là nhiệt tình và có thái độ ủng hộ, tạo mọi điều kiện cho nhóm sinh viên thực tập chúng tôi. Sau đó…
Dọn dẹp nơi sinh hoạt của nhóm khi mới xuống cộng đồng
(Ảnh do tác giả cung cấp)

Chúng tôi di chuyển tới nơi mà địa phương đã chuẩn bị sẵn, khác với dự kiến ban đầu… Nhóm của chúng tôi gồm 10 người trong đó có chín bạn sinh viên trong lớp và Cô M là giảng viên hướng dẫn chúng tôi trong chuyến thực tế này. Nhóm chúng tôi cùng với một nhóm nữa 11 người ở chung vỏn vẹn trong 4 gia đình sát nhau thuộc cùng một dãy nhà.

Mặc dù còn quá sớm để thực hiện những cuộc phỏng vấn người trong cộng đồng, nhưng tôi vẫn nói chuyện một cách xã giao với họ, có lẽ vì tính tò mò muốn khám phá những đặc trưng văn hóa của người Khmer mà theo tôi là khác biệt so với người Việt.

Người đầu tiên mà tôi có cơ hội nói chuyện là chú T, tên đầy đủ của chú là K.N, là một người dân trong ấp. Chú sở hữu sáu công ruộng và 500m2 đất ở. Năm nay chú 42 tuổi. Trong khi đó, mọi người đang ngồi vây quanh cuộc trao đổi giữa thầy cô và ông trưởng ấp tại hiên trước của nhà bà K, một trong bốn gia đình mà chúng tôi sẽ ở lại trong suốt chuyến đi thực tế này. Chú T cho biết, năm căn nhà liền nhau một dãy này đều là anh em một nhà. Đại gia đình chú có tám anh em, chú là người con thứ ba, hiện đã có gia đình và một đứa con gái. Tiếp tục trao đổi với chú, tôi biết được:
– Người dân ở đây đang trong mùa làm đất để xạ lúa. Thường thì họ thức dậy vào lúc 5h sáng để đi làm ruộng, buổi tối khoảng 8 hay 9h họ đi ngủ, vì đang trong ngày mùa nên khá bận rộn.

– Về ngôn ngứ giao tiếp: Chú cho biết ở đây hầu hết là người Khmer, ngoài tiếng mẹ, mọi người còn có thể sử dụng tiếng Việt khá tốt, chỉ một số người lớn tuổi thì họ không thành thạo tiếng Việt thôi.

Đây chính là những thông tin sơ bộ mà tôi được biết về nơi tôi sẽ sống với bà con trong những ngày sắp tới. Tôi mong có những ngày sống hòa nhập và thuận tiện cho công việc của tôi.

Ở sân có rất nhiều người nam và nữ qua lại, nhìn chúng tôi – những người khách lạ với vẻ mặt kì kì. Chỉ có một bà cụ già và hai đứa trẻ con, tôi được biết là chiều nay họ không ra ruộng, và có một vài người đang sửa soạn đồ chuẩn bị cho những sinh hoạt thường ngày của chúng tôi. Hai chị rửa chén, một anh với chú T thì đi chở củi. Tôi thầm nghĩ thái độ chào đón của những người trong gia đình đối với chúng tôi thật là tốt.

19h39’sau bữa cơm tối đầu tiên ở đây, nhóm chúng tôi thảo luận chung, dưới sự hướng dẫn của cô M, nhóm chúng tôi chia ra làm ba nhóm nhỏ với những vấn đề ghiên cứu cụ thể, tôi + T + Đ phụ trách mảng cơ cấu xã hội truyền thống của người Khmer. Một số thông tin cô M cung cấp cho bọn tôi mang tính khái quát như: tỉnh Trà Vinh hiện có 141 ngôi Chùa, vơi 319 sư sãi, hiện toản tỉnh có 4366 đảng viên là người Khmer.

Kết thúc một ngày đầy bỡ ngỡ và hoài nghi? Hy vọng tôi sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong chuyến đi đầy ý nghĩa của đời sinh viên này.
(Còn tiếp)

22h52’ ngày 24 tháng 05 năm 2011
Kiều  Văn Tịnh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.