Tổ chức xã hội truyền thống của người Khmer ở Tây Nam Bộ – Kỳ 6

0
1115

Ngày thứ hai tại công đồng

Thứ tư, ngày 25 tháng 05 năm 2011
7h26’ cùng với thầy cô và các bạn, tôi có mặt tại Chùa Kh.B. Dưới sự hướng dẫn của chú trưởng ấp Phiêng, chúng tôi có một vòng khảo sát xung quanh chùa. Trong khi đó, ở tại khu nhà thuyết pháp đang diễn ra một nghi lễ cúng cơm.
Sơ đồ khuân viên chùa Kh.B mà tôi phác thảo được (tổng diện tích 4ha)

Theo chú Phiêng thì chùa này nằm trong ấp Kh.B. Chùa được xây dựng từ năm 1942, cổng chánh điện luôn hướng về hướng đông (hướng mặt trời mọc).
Đặc biệt trong chùa có hai tòa tháp cốt, một tòa tháp cạnh chánh điện để cốt các vị sư sãi trong chùa, còn một tòa tháp phía sau chánh điện để cốt của những người góp công góp của xây dựng chùa. Ngày nay những người giàu muốn xây tháp cốt trong chùa nhưng không được xây nữa vì như vậy sẽ thu hẹp khuân viên chùa.
Xung quanh chùa là một rừng cây gỗ rất cao lớn, người dân ở đây cho biết đa số chúng chỉ thuộc hai loại gỗ là gỗ Dầu và gỗ Sao. Xa xa phía sau dãy nhà tu thiếp, Chú Phiêng dẫn chúng tôi tới một tòa nhà nhỏ dùng để hỏa thiêu – một hình thức mai táng người chết phổ biến của bà con Khmer theo đạo phật.
Tiếp đó, chúng tôi được mời tham dự lễ cúng cơm của phật tử. Theo lịch thường niên, cứ một tháng có bốn ngày cúng cơm như vậy. Quan sát tôi thấy có sự tham gia của các sư sãi trong chùa (11 vị), khoảng 30 người tu thiếp với dáng vẻ: đầu chọc và mặc đồ trắng, cùng với sự tham gia của khoảng 20 người đàn ông lớn tuổi, trong đó có ông trưởng ban quản lý chùa và khoảng vài chục người đàn bà và  trẻ em. Buổi lễ diễn ra với việc bà con trong ấp dâng cơm cho các sư trong chùa với ý nghĩa cầu siêu cho tổ tiên ông bà cha mẹ.
Tôi được một bác cho biết lễ dâng cơm diễn ra một tháng bốn lần vào các ngày tám, 15, 23, 30 trong tháng âm. Tôi quan sát thấy trong khi các sư đang dùng cơm trước mặt đông đảo mọi người thì các thành phần tham dự đọc kinh bằng tiếng Pali (tôi biết thông tin này nhờ hỏi một ông cụ có mặt trong buổi lễ). Khi các sư dùng bữa xong cũng chính là lúc hồi kinh của mọi người kết thúc, sau đó đến lượt các sư đọc kinh. Theo sự giải thích của một số người lớn tuổi tôi hỏi thì kinh được đọc trong lễ này có ý nghĩa là dâng cơm cho sư sãi để tỏ lòng kính trọng đối với đức phật, với các sư sãi trong chùa và đặc biệt là để cầu siêu cho ông bà tổ tiên cũng như cầu sự bình an và may mắn cho con người. Trong khi mọi người đọc kinh, tôi quan sát được hành động của mọi người là đổ ba lần nước xuống dưới sàn nhà. Vì tò mò nên tôi đi hỏi và biết được:
– Những người tu thiếp và những phật tử tham gia cho rằng làm thế là để cúng cho ông bà tổ tiên, những người đã qua đời.
– Còn về phía sư cả thì ông giải thích: từ khi còn đức phật việc đổ những giọt nước xuống đất có nghĩa là làm cho điều ước trở thành hiện thực.
Khoảng 10h, chúng tôi (tôi, Đ và Tr) có địp trao đổi với sư cả: Tên thật là T. Suông. Sư cho biết năm nay sư 30 tuổi, đã đi tu được 10 năm, bắt đầu làm chức sư cả từ hai năm nay. Sư còn cho biết hiện chùa có tất cả 28 sư, nhưng 17 sư đang đi học ở các chùa khác nên trong chùa hiện tại chỉ có 11 sư.
Trao đổi với sư về một số thông tin về chùa, sư cho biết: Hiện thuộc chùa này có bảy Wện mà sư thường gọi là bảy tổ để các sư phân chia đi lấy bát hàng ngày, “nhưng hiện tại trong chùa có ít sư nên chỉ đi lấy ở những tổ gần chùa thôi”. Tên của bảy Wện là: N.Ch, N.B, N.Tr, L.Qu, C.Qu, S.Ng và N.L. Khi hỏi về người đứng đầu mỗi tổ, sư cho biết: “Ở mỗi tổ có một tổ trưởng và một tổ phó, làm theo nhiệm kỳ ba năm một, dưới sự đồng ý của ban quản trị chùa và các sư sãi. Người đó phải là người biết lo lắng cho chùa, cho sư, không phân biệt tuổi tác, giàu nghèo. Ngày bầu trưởng, phó sẽ được họp ở miếu ông Tà của mỗi Wện dưới sự chứng kiến của ban quản trị chùa, các sư và đông đảo bà con. Trưởng và phó Wện là người trung gian để liên lạc giữa ban quản trị, sư sãi với người dân trong  Wện. Nếu Wện nào không có miếu ông tà thì ngày bầu trưởng và phó Wện sẽ tổ chúc vào ngày cúng cơm trong tháng (ngày một tháng bốn ngay tại chùa).
Vì 11h là giờ  sư dùng cơm nên chúng tôi xin dừng cuộc nói chuyện lại và hẹn gặp sư lần sau. Quan sát nét mặt và cử chỉ của sư, chúng tôi thấy sư rất hài lòng. Sư đã giúp đỡ chúng tôi nhiệt tình. Sau đó chúng tôi có dịp nói chuyện với chú Th. Dân. Chú cho chúng tôi biết vị trí của một số Wện. Từ cây xăng tới chùa Kh.B gồm hai Wện, tiếp theo chùa là một Wện nữa. Chú cho biết thuộc chùa Kh.B có bảy Wện, trong đó sáu Wện thuộc  ấp Kh.B còn một Wện thuộc ấp N.L.
Chú còn cho chúng tôi một số khái niệm so sánh với các cấp quản lý hành chính : Sroc có phạm vi ngang với huyện mà người Khmer gọi là Sroc Ng.C. Phum ngang bằng với ấp, có Phum nhỏ tương đương với cái Vuông. Mọi người trong Phum nhỏ thường có huyết thông với nhau, đứng đầu Phum nhỏ chính là người lớn tuổi nhất của dòng họ, đứng tên sổ đất. Khum tương đương với xã. Vì đang trong giờ cơm nên cuộc trao đổi của chúng tôi có hạn, tạm thời dừng lại ở đó. Kết thúc buổi sáng lúc 11h 45’, chúng tôi tiếp tục được đãi cơm trưa ở chùa. Đây là bữa cơm thứ hai trong ngày chúng tôi được ăn ở chùa, vì lúc 8h30′, chúng tôi đã dùng một bữa. Tôi nhận thấy sự hợp tác và niềm nở của tất cả mọi người thuộc mọi cấp bậc trong cộng đổng với nhóm sinh viên chúng tôi.
Buổi chiều 14h7’, tôi có mặt tại chùa B.C. Nơi diễn ra lễ khánh thành Sa La (chỗ ăn ở của các sư sãi). Quan sát tại cổng chùa, chúng tôi thấy phái đoàn chùa Kh.B vào chúc mừng, đi đầu là sư cả, tiếp đến là trưởng ban quản trị chùa. Ông này mang theo một ít lễ vật trong đó là tiền của những người tham gia vào đoàn, mỗi người cúng dường tùy lòng hảo tâm và đưa cho ông trưởng ban quản trị thuộc phái đoàn của mình (mỗi người khoảng 30-40 nghìn, một người trong nhóm nói vậy). Họ bước qua cổng chùa để vào Sa La. Tại đây hai bên chúc mừng nhau. Mọi người đến đây đều được đón tiếp rất tận tình và nồng nhiệt.
Trao đổi với chú Th.R, 52 tuổi. người Khmer thuộc ấp K.T, xã H.T, huyện K.N. Chú cho biết: Chùa B.C  là một trong bảy chùa thuộc xã K.H. Xã chúng tôi nghiên cứu có bốn chùa: B.C, Kh.B, Tr.C, D.C.
Sa la này được xây từ năm 2006 và lễ  khánh thành được tổ chức một đêm hai ngày, với ba nội dung chính:
Buổi chiều: Cúng dường và đãi khách.
Buổi tối: Nghi lễ phật giáo, thuyết pháp.
Buổi sáng hôm sau: Lễ cắt băng.
Kết thúc buổi chiều khoảng 3h20 với một bữa cơm tại chùa và một ca khúc của cả nhóm trên sân khấu.
(Còn tiếp)
Kiều Văn Tịnh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.