Người ta có quyền thích và không thích mỹ thuật Nguyễn. Những ai đã từng xem, đã từng mê kiến trúc Lê còn sót lại ở đồng bằng và vùng trung du Bắc Bộ, những đình chùa được xếp vào các thế kỉ XVII và XVIII, chẳng hạn, có thể cụt hứng, ít nhất cũng phải hẫng một cái, khi mới tiếp xúc với kiến trúc lăng tẩm ở Huế. Đâu rồi một mái nặng như chì chực lún xuống đất, nhưng lại bay bổng ở bốn góc, với những đầu dao vút lên để rồi tan vào khoảng không xanh? Đâu, những hàng cột vừa phải thôi, nhưng hàm xu hướng bè ra, do đó vững chãi, bề thế, đối đáp được với khối mái nặng? Đâu, những vì những cột trên đó bao nhiêu con người, bao loài vật đang cựa quậy chuyển động, sinh hoạt, cười cợt dưới nhát đục yêu đời của người thợ chạm dân gian thưở trước? Lăng tẩm triều Nguyễn hoàn toàn thiếu những thứ đó. Ở đây, bờ mái thẳng tắp không lượn nhẹ để tạo cho đầu dao vút lên, nên góc mái chững lại, khối mái không nặng mà cũng không thực thanh thoát, không bay được. Đội mái lên là những hàng cột mảnh khảnh, có thể nói là gầy guộc, yếu ớt. Mái nhẹ phụ họa với cột mảnh, với cả nền gạch thì lè tè (thềm điện), khi lại quá cao (thềm đình), để tạo cho kiến trúc lăng một dáng dấp gầy gầy, lênh đênh thế nào ấy, một cái gì đó thiếu sức nặng, rất phôi pha. Đây có thể là vấn đề tỷ lệ.
Lăng tẩm triều Nguyễn
(Ảnh minh họa-Nguồn: Internet)
Trang trí không giàu, chung quy một môtip đã công thức hóa – tứ quý, tứ linh, bát bảo…, và thỉnh thoảng cả những hoa sen, hoa cúc, hoa chanh đọng lại từ nhiều thời trước nữa, ăn vào gỗ bằng những nhát chạm thiếu chiều sâu, có phần tỉa tót. Các loại hoa văn không được phối hợp lại, trong phạm vi từng khung ván, thành một bố cục phức tạp mà thống nhất, hàm những nghĩa mới không được chứa sẵn trong từng môtip tách riêng. Như vậy, mỗi lần đồ án, dù được lặp đi lặp lại nhiều lần trên một diện tích nào đấy, vẫn phần nào “đứng riêng”, với tư cách là một đơn vị trang trí tự tại. Đã thế, hoa văn còn được phân bố dàn đều trên các mặt phẳng, các đầu cột, hầu hết thiếu trọng tâm, do đó, tuy không giàu, không quá nhiều, mà vẫn gây cảm giác rườm rà, tủn mủn. Phải chăng cái cảm giác rườm rà này cũng là một cánh cửa mở đầu vào cái thừa của lăng Khải Định?
Chỉ thế thôi ư? Nghệ thuật lăng tẩm, niềm tự hào của Huế, chỉ đến thế thôi ư? Tôi tự hỏi, khi thoải mái đi trên con đường thần đạo trong khu lăng Minh Mạng, con đường chính dẫn từ điện này đến đình kia, từ cổng lớn ngoài cùng đến tẩm ở trong cùng, khoan khoái tựa như lan can nhà hóng mát trong khu lăng Tự Đức mà nhìn ra hồ sen chớm tàn với những ngày cuối hạ; khi cố chọn một thềm cao để bao quát được, trong chỉ một cái nhìn, toàn bộ khu lăng Đồng Khánh nho nhỏ, xinh xinh. Cái gì vậy, cái gì trong ba khu lăng này đã làm cho tôi quên mất khi nào không hay nỗi bứt rứt cứ quẩn chân tôi tại lăng Khải Định? Mặc những chi tiết nào đó của kiến trúc Nguyễn mà người ta có quyền thích và không thích, những chi tiết mà các bạn cùng đi với tôi cũng lẩy ra được từ ở lăng Khải Định, cái gì trong ba khu lăng này đã làm cho chúng khác hẳn, đã tạo ra cái lâng lâng trong không gian mà lăng Khải Định không hề có?
(Còn tiếp)
Nguồn: Sách Nguyễn Từ Chi- Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người.