Ngột ngạt và lâng lâng với lăng tẩm Huế (kỳ 1)

0
1773
Về nghỉ phép ở Huế có hai mươi hôm, mà dành được thời giờ để đi thăm lăng, kể ra đã là chuyện hiếm. Về đến Huế chân ướt chân ráo mới có hai hôm, mà đã tranh thủ được dịp để đi thăm lăng, phải nói là hãn hữu. Cũng là tình cờ thôi: tình cờ gặp lại giữa Huế mấy anh ở Bảo tàng Mỹ thuật ngoài Hà Nội vào đây tổ chức triển lãm. Một tình cờ may mắn. Không chỉ may được đi nhờ xe. May nhiều hơn là được các anh chỉ cho xem và giảng cho nghe ngay tại chỗ. Nghe các anh tranh luận với nhau nữa, và đây mới là điều lí thú nhất. Nghe rồi nhìn, tôi ngỡ nhận ra được đôi tí hồn xưa của Huế.
 Lăng Khải Định 
(Ảnh: minh họa – Nguồn: Internet)
Tranh luận nhiều nhất và vì vậy phải dừng chân nhiều nhất, chính là trước khu lăng xấu nhất: lăng Khải Định. Ngày còn nhỏ, đã nhiều lần tôi nghe những người lớn tuổi khinh khỉnh buông nhẹ hai chữ “môvegu” (thị hiếu kém) mỗi khi nhắc tới cái lăng này. Đến một người thuộc thế hệ trước nữa, như bà ngoại tôi, một bà già không biết đọc, biết viết và tất nhiên không biết tiếng Tây để buông hai chữ “môvegu”- cũng phải nói: “Lăng Khải Định răng răng a, ngó kì kì”. ( Nói kiểu Huế. Phổ thông hơn: Lăng Khải Định trông thế nào ấy, trông hơi kì quặc).
Gần đây, một người đồng hương của tôi, nhân về thăm Huế sau ngày giải phóng, đã cố nhìn lại lăng cũ, bằng cặp  mắt mới, không thiên kiến và đọc lên được ở những trang trí vách tường bằng mảnh gốm gắn “một sáng tạo vĩ đại theo kiểu Pi-cát-xô”. Tôi không khỏi ngạc nhiên Pi-cát-xô đập vỡ hình ra, và lắp các mãnh rời lại thành một kết cấu mới, theo một hình học và một nhận thức riêng của ông. Điều đó có liên quan gì đến kĩ thuật gắn những mảnh gốm vỡ lên vách thành môtip trang trí, theo một lề thói thẫm mỹ không của riêng  Khải Định? Với Pi-cát-xô, một cách nhìn của một con người. Ở đây, một chất liệu và một kỹ thuật.
Riêng tôi, trở lại lăng Khải Định sau ba mươi năm, với cặp mắt mang nhiều tha thứ hơn, so với cặp mắt của thời trẻ đòi tuyệt đối, tôi vẫn không làm sao “nhập” được vào cái chất thừa mứa ở đây. Trên những bức tường sặc  sỡ, long lánh, đố tìm đâu ra một khoảng trống bằng bàn tay để cho con mắt nghỉ ngơi. Một anh tinh ý và tinh nghịch nữa-chỉ cho tôi thấy vài mảnh thủy tinh của chai rượu Tây đập vỡ, gắn giữa vô vàn  mảnh sứ nội phủ. Các khung trần tranh tối tranh sáng càng thêm tối vì những bức vẽ rồng  mây độc một màu đen. Cái thừa mứa quá lố ấy còn chuyển thành ngột ngạt trong những căn phòng hẹp nhất, thiếu ánh sáng nhất.
Nói “quá lố” có lẽ không quá đáng. Như nhiều lăng ở Huế, lăng này được xây dựng khi vua còn sống. Xây dựng theo ý thích nhà vua, đương nhiên. Trong trường hợp của riêng lăng Khải Định phải chăng không thể gán phần quá lố đánh dấu chất thừa mứa ở đây cho đặc tính chung của cả một thời kỳ trong lịch sử  mỹ thuật-mỹ thuật Nguyễn- mà chỉ nên quy nó vào cái lố riêng của một ông  vua? Người Huế, thời tôi còn ở đấy, thường nhắc đến cái tính nết lố lăng của ông vua thiếu học này, nhất là cái bệnh khoe của hết sức  rởm đời: đeo đầy vàng ngọc trên người, mỗi ngón tay ít nhất cũng một chiếc nhẫn tướng; mặc Nam phục nhưng lại chân ủng Tây; chế ra kiểu áo dài gấm có ngù vai, loại ngù vai rũ tua của nhà binh Tây thế kỉ trước…
Kể ra ở lăng Khải Định không thiếu gì những đặc điểm của mỹ thuật Nguyễn, trước hết là trong trang trí, mà các bạn đồng hành không nề hà chỉ cho tôi xem, giảng cho tôi hiểu. Nói đâu xa, kỹ thuật trang trí ngoại thất và nội thất bằng mảnh xứ nội phủ  gắn lên mặt vôi vữa đã trở thành phổ biến từ Gia Long kia. Có điều phải đến Khải Định thì hình thức trang trí ấy mới bị đẩy lên mức “bệnh hoạn” trên các vách tường lăng này. Vẫn theo lời các anh, rồng ở đây, chẳng hạn, vẫn là rồng Nguyễn. Vả chăng tôi tự nhủ, với tâm lí khoe của- và ít nhiều cả tâm lí học đòi “kiểu Tây”-thì Khải Định, thông qua những người thiết kế lăng cho ông, còn đâu đủ tâm lực, đủ trí tưởng tượng, để cải biến hình tượng con rồng, mà mẫu mực đã sẵn có trong kiến trúc của Đại Nội, của lăng tẩm các đời vua trước? Thị hiếu đặc biệt của một ông vua đâu có xóa nổi thành tựu  của một thời.
May thay, một thị hiếu quá đặc biệt, như của vua Khải Định, chỉ tìm thấy miếng đất thể hiện ở lăng ông ta thôi. Và chính vì đã dừng chân ở  đây khá lâu, cho nên thật là thú vị, thật là khoan khoái khi chúng tôi được nhập thân vào một không gian khác hẳn, không gian lâng lâng của các khu lăng Minh Mạng, Tự Đức, cả Đồng Khánh nữa.
(Còn tiếp)
Nguồn: Sách Nguyễn Từ Chi- Góp phần nghiên cứu văn hóa và  tộc người.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.