Đời sống kinh tế thời bao cấp ở miền Nam – Kỳ 3: Từ giấy nhám đến đá mài cho máy chà gạo

0
1590

Chú T kể, ngày xưa khi chưa có các loại máy xay gạo như bây giờ, người ta thường dùng máy chà gạo. Tuy nhiên, muốn sử dụng được loại máy này thì phải có đá mài. Ngày trước giải phóng, Việt Nam thường nhập đá mài ở Hà Lan. Sau giải phóng, trong tình trạng “bế quan tỏa cảng” của đất nước, các cơ sở sản xuất gạo không nhập được đá mài. Các cối máy chà gạo ngưng hoạt động. Lúa do người nông dân sản xuất ra không thiếu nhưng không có cách nào làm cho nó trở thành gạo.


Gạo từ nhà máy xay xát ở Tân An được đưa đến điểm bán 
ở Củ Chi (TP.HCM) tháng 7-1985 – Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH, http://netdame.blogspot.com

Đối mặt với bài toán nan giải, chú T tiếp tục suy nghĩ giải pháp và bài toán hóc búa đó thật sự đã được giải khi chú nghĩ ra đá mài cho các máy chà gạo. Chú cho biết thành công của đá mài thực ra chỉ là một bước tiếp theo của việc chú chế tạo thành công bột sắt cho giấy nhám trước đó. Chú mày mò với với các hợp chất oxit nhôm được mài từ lon coca. Bột mịn chú dùng làm giấy nhám phục vụ cho ngành tiểu thủ công nghiệp còn loại đá to thì để dành làm đá mài sử dụng trong các máy chà gạo. Thành công này tuy chỉ là một sự kéo theo của việc chế tạo giấy nhám nhưng đối với việc sản xuất gạo lúc bấy giờ có một ý nghĩa thật to lớn.

 Tuy nhiên, thành công này cũng đem đến cho bản thân chú T không ít rắc rối. Từ khi chế tạo thành công đá mài, Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh dùng chú T như trung gian để trao đổi với các tỉnh khác. Thông qua chú T, người ta trao đổi với nhau gạo và đá mài. Vì đá mài lúc đó là hàng độc quyền nên dù như thế nào thì Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh cũng dễ ép các tỉnh khác thực hiện theo ý mình. Những người sản xuất gạo ở các tỉnh khác cần đá mài để có thể tiếp tục duy trì hoạt động. Nếu không có đá mài thì các cối chà gạo xem như đồ bỏ đi, không chà gạo được nữa. Vì nhu cầu của mình, các nhà sản xuất gạo ở các tỉnh khác thường chấp nhận sự trao đổi theo điều kiện của Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh. Ngược lại, về phía mình, quận Bình Thạnh luôn cố gắng trong việc giữ chú lại vì họ biết rằng nếu không có chú T thì các tỉnh khác không cần họ nữa. Chú T cho biết hồi đó mấy ông này đa nghi, sợ người ta bắt cóc chú nên mấy ông cho người canh chừng chú. Chú T nói đến cả việc đi đứng của mình  mà cũng luôn bị giám sát. Chú T kể chú ngồi uống cà phê ở đầu đường cũng bị mấy anh công an đứng xa xa quan sát. Mình ngồi trong nhà thì cũng có hai người ngồi ngoài trước cửa canh chừng. Chú T biết họ chỉ muốn bảo vệ chú khỏi bắt cóc thôi chứ không có ý gì, nhưng sự giám sát của họ làm chú mất tự do. Chú không đi đứng, không làm ăn riêng được cái gì hết.

Ngọc Lưu

Các bài viết liên quan:

Đời sống kinh tế thời bao cấp ở miền Nam – Kỳ 2: Khó khăn của ngành thủ công nghiệp 
Đời sống kinh tế thời Bao cấp ở miền Nam – Kỳ 4: Trên đường đi công tác
Đời sống kinh tế thời bao cấp ở miền Nam – Kỳ 5: Câu chuyện về hai làng Bình Giã và Xuân Sơn
Đời sống kinh tế thời bao cấp ở miền Nam – Kỳ 6: Làm sao để cứu các sản phẩm gỗ khỏi ẩm mốc?
Đời sống kinh tế thời bao cấp ở miền Nam – Kỳ 7: Bộ hồ sơ xuất khẩu gỗ cao su đầu tiên ở Việt Nam
Đời sống kinh tế thời bao cấp ở miền Nam – Kỳ 8: Nhìn về miền Nam sau ngày giải phóng
Đời sống kinh tế thời bao cấp ở miền Nam – Kỳ cuối: Ngày sau Đổi mới…

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.