Hà Nội giai đoạn 1873-1888 (2)

0
897

BTKUXH – Hướng về đại lễ 1000 năm Thăng  Long – Hà Nội, chúng tôi xin giới thiệu bản dịch nội dung quyển sách “Hà Nội giai đoạn 1873-1888” của tác giả André Masson viết về Hà Nội những năm cuối thế kỷ 19 để chúng ta hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử của thành phố qua góc nhìn của một nhà nghiên cứu phương Tây. Quyển sách do Nhà Xuất bản Hải Phòng biên dịch và ấn hành.

Phần Dẫn nhập

Là đô thị lịch sử với quá khứ hàng nghìn năm và thành phố lớn hiện đại, Hà Nội xứng đáng là đề tài nghiên cứu rộng lớn của nhiều mặt. Sau khi bóc lớp sương mù của huyền thoại về thành Đại La cổ, dựng lại những tháng ngày đẹp đẽ của kinh đô nhà Lê và làm tái hiện lại (giai đoạn 1873 – 1888) ta cần phải phác một bức tranh phát triển kinh tế hiện nay và những kết quả trong nửa thế kỉ nỗ lực của người Pháp ở Hà Nội.

Trong cuốn sách này, chúng tôi chỉ có thể có gắng phác thảo Hà Nội, từ ngày 5-11-1873, ngày Francis Garnier sử dụng Trường Thi, tới ngày 3-10-1888, ngày đạo dụ chính thức biến toàn lãnh thổ thành phố trở thành đất Pháp.

Xét về mặt lịch sử, canh bạc chơi ở Hà Nội vào thời kì này có vai trò quyết định không chỉ tới công cuộc thiết lập nền bảo hộ của người Pháp ở Bắc Kì mà còn tới vị thế và sự phát triển ảnh hưởng của người Pháp trong các khu vực khác ở Đông Dương.

Không có sự táo bạo của Fancis Garnier, không có sự kiên trì của những người kế nhiệm bám chặt vào “mẩu đất” do Hiệp ước 1874 nhượng cho nước Pháp thì có lẽ mảnh đất này đã là mảnh đất cho những người nước ngoài thèm khát khác… Một cường quốc khác không phải là Pháp sẽ đứng vững bên bờ sông Hồng và tình thế của Pháp ở Nam Kì sẽ bị nguy hại.

Trong lịch sử xứ này, giai đoạn đầu của sự can thiệp của nước Pháp chiếm một phần không kém lí thú: không thể hiểu sự phát triển của thành phố hiện đại Hà Nội nếu, một mặt, không biết tới nét cổ kính của đô thị An Nam chen lẽn với các khu phố Tây và, mặt khác, không biết tới công tác quy hoạch và chỉnh trang được tiến hành từ năm 1883 tới năm 1888. Về vấn đề này, những nghiên cứu lưu trữ cho ta một bài dẫn nhập hữu ích, trong đó những vấn đề về đô thị hóa rõ ràng hơn những vấn đề lịch sử.

… Trong quá trình nghiên cứu dưới đây, sẽ không phải không có ích nếu lướt qua các sự kiện.

Cơ hội để can thiệp vào Bắc Kì rơi vào tay đô đốc Dupré, thống đốc Nam Kì, do sự kiện Dupuis[1]. Chính triều đình Huế yêu cầu đối thủ của mình giải quyết những bất đồng giữa Dupuis với nhà cầm quyền Hà Nội, những người muốn ngăn cản việc sử dụng sông Hồng làm con đường thương mại. Đô đốc trả lời chỉ có một cách giải quyết duy nhất là gửi tới hiện trường một sĩ quan Pháp cùng một số người đi theo để điều tra sự việc. Để thực hiện nhiện vụ tế nhị này, đô đốc đã chọn trung úy hải quân Francis Garnier mà những phẩm chất lạnh lùng được thấy rất rõ trong trận Kỳ Hòa cũng như trong cương vị cầm quyền ở Chợ Lớn và trong chuyến thám hiểu sông Mê kông.

Ngày 11-10-1873, Garnier xuống tàu ở Sài Gòn cùng với một đơn vị bộ binh của hải quân gồm ba mươi người và khoảng năm mươi thủy binh. Bộ phận còn lại gồm 92 người dưới quyền của viên chỉ huy Testard sẽ lên đường sau đó. Tới Hà Nội ngày 5-11, Garnier đã vấp ngay phải tinh thần thiếu thân thiện của các quan. Bị đội quân của Nguyễn Tri Phương uy hiếp, Garnier đã tấn công và chiếm thành ngày 20-11, làm chủ vùng đồng bằng vài tuần sau đó và sắp sửa kí hiệp ước bảo đảm nền bảo hộ của nước Pháp thì ngày 21-12, ngày Garnier bị quân Cờ Đen giết.

Vài ngày sau khi Garnier chết, trung úy hải quân Philastre, thanh tra các vấn đề bản xứ, tới Hà Nội. Ông ta ra lệnh rút khỏi các thành Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định và kí thỏa ước 6-2-1874, theo đó quân Pháp phải bỏ thành Hà Nội, rút về Hải Phòng. Đổi lại, chính phủ An Nam nhượng cho nước Pháp một mảnh đất trên bờ sông Hồng để xây dựng chỗ ở cho Trú sứ Pháp và các binh lính tùy tùng. Hiệp ước kí ở Sài Gòn bổ sung thỏa ước trên bằng cách tuyên bố sông Hồng được mở cho việc thông thương và cho Pháp quyền được đại diện bằng lãnh sự trong ba cảng Hà Nội, Hải Phòng và Quy Nhơn.

Quân Pháp rút khỏi thành Hà Nội vào ngày 12-2-1974 thì hôm sau thanh tra Rheinart tới ở trong ngôi nhà cũ của Dupuis, giữa khu phố của người bản xứ, để thực hiện nhiệm vụ “Trú sứ Pháp tại Bắc Kì” do đô đốc Dupré bổ nhiệm. Cuối tháng 5, ông ta rút về Hải Phòng, sau đó quay lại Sài Gòn, giao nhiệm vụ chính trị cho tiểu đoàn trưởng Dujardin, chỉ huy trưởng quân đội tại Hải Phòng.

Mãi một năm sau, ngày 26-8-1875, lãnh sự Pháp tại Hà Nội được bổ nhiệm theo hiệp ước 15-3-1874 mới tới nhiệm sở. Đô đốc đã chọn vào chức vụ này trung úy hải quân Le Jumeau de Kergaradec để sĩ quan bền bỉ bảo vệ các quyền lợi của Pháp tại Hà Nội. Ông đã thám hiểm sông Hồng vào năm 1876 và 1877. Các báo cáo chính xác và kịp thời của ông gửi cho phủ đô đốc từ năm 1875 tới 1881 là quý nhất trong những nguồn thông tin.

Giai đoạn gọi là “Giai đoạn lãnh sự” kéo dài tới năm 1882, năm người ta thấy cần phải tăng viện cho quân đội đồn trú tại Hà Nội. Viên chỉ huy Rivière cùng với 400 quân đổ bộ lên Hà Nội ngày 25-4. Một năm sau, ngày 19-5-1883, ông ta chết ở Cầu Giấy, trên đường Sơn Tây, gần chỗ Francis Garnier ngã xuống.

Tin tức về thảm hoạ thứ hai bay về Pháp. Người ta bỏ phiếu tán thành những khoản tín dụng để gửi sang Bắc Kì những đơn vị tăng viện quan trọng. Chiến dịch kéo dài chống các toán quân Tầu do người châu Âu huấn luyện kết thúc bằng sự công nhận của triều đình Huế ngày 25-8-1883 và của nhà Thanh ngày 9-6-1885 đối với nền bảo hộ của nước Pháp.

Nhiệm vụ tái tạo Hà Nội được trao cho Paul Bert, người được nghị định 27-1-1886 bổ nhiệm làm tổng trú sứ. Cái chết sớm đã cướp ông khỏi các công trình. Nhưng ông đã thúc đẩy sự vững chắc của nền bảo hộ và hai năm sau cái chết của ông, khi đạo dụ 3-10-1888 nhượng toàn bộ Hà Nội cho Pháp, Hà Nội trở thành một thành phố kiểu Pháp.

*

*     *

Các nguồn tư liệu của Pháp về lịch sử Hà Nội[2] giai đoạn này rất phong phú. Thật là chán ngắt nếy kể chúng ra đây nhưng, ngoài các tác phẩm mang tính đại cương của Romanet du Caillaud, Jean Dupuis, Paulin Vial và Hippolyte Gautier, chúng ta không thể bỏ qua cuốn “Bốn mươi năm Bắc Kì” của Piglowski, các hồi kí của Raymond Bonnal, trú sứ Hà Nội 1883 và 1884, những ghi chép của Bourde và Bonnetain, phái viên đặc biệt năm 1884 của các báo TempsFigaro, những mô tả của bác sĩ Hocquard, của đại uý Lecomte, của trung sĩ Garcin, của Labarthe, của Dumoutier v.v… Những người này đã ở Hà Nội trong khoảng từ 1882 đến 1888. Cuối cùng là những ấn phẩm của chính quyền như Annuaire, Bulletin Officiel, Moniteur du Protectorat và, từ 1884, bộ sưu tập báo Tương lai Bắc Kì (l’ Avenir du Tokin).

Mặc dù các nguồn ấn phẩm đó rất hay, nhưng sẽ sai lần và thiếu sót nếu chỉ dựa vào chúng vì chính từ các văn bản chưa xuất bản được bảo quản tại Sở Lưu trữ Trung ương Đông Dương ta mới có thể rút ra điểm sâu xa nấht của câu chuyện, đặc biệt là những bức thư của Francis Garnier, các báo cáo của lãnh sự và tổng chỉ huy quân đội và các hồ sơ loại H (công trình công cộng) của kho sách Phủ Đô đốc Nam Kì và Phủ Thống sứ Bắc Kì. Chúng tôi cũng sử dụng thư tín của các chỉ huy trưởng Rivière, Morel Beaulieu và đô đốc Courbet lưu trữ tại Cục Lưu trữ Lịch sử Bộ Tổng tham mưu.

Đáng tiếc là nguồn tranh ảnh hiếm hơn. Tuy nhiên Thư viện Trung ương Đông Dương và Trường Viễn Đông Bác Cổ hiện có một bộ sự tập quý về chiến dịch Bắc Kì, trong đó có một số tranh ảnh liên quan tới Hà Nội và chúng ta có thể tìm thấy một số lớn tranh kắhc từ thời kì chinh phục trong các tạp chí Illustrations, le Tour du Monde, les Annales de l’Extrême-Orient và nhiều tác phẩm khác. Về mặt đồ bản, “Bản đồ Hà Nội 1873” của ông Pham – dinh – Bach cho những thông tin đại cương lí thú, nhưng bản đồ này được thực hiện vào năm 1902 căn cứ vào trí nhớ, do đó cần phải bổ sung và chỉnh lí nhiều điểm bằng các bản đồ cỏ của Sở Lưu trữ và của Trường Viễn Đông Bác Cổ[3].

Các tài liệu trên nên được xếp theo thứ tự nào trong cuốn sách này? Thoạt đầu chúng tôi đinh xếp chúng theo biên niên về những thay đổi của Hà Nội sau khi mô tả đại cương thành phố năm 1873, nhưng việc nghiên cứu bản đồ Hà Nội buộc chúng tôi phải theo thứ tự sắp xếp khác: sắp xếp theo đồ bản.

Nói đúng ra, Hà Nội năm 1873 không phải là một thành phố mà là một điểm dân cư hỗn hợp, trong đó thủ đô hành chính, khu buôn bán và nhiều làng được đặt bên nhau trong một khu vực kín.

Thành, lớn gấp hai hay ba lần khu vực ngày nay chúng ta cũng gọi bằng cái tên đó, là khu vực hành chính, là nơi ở của các quan tỉnh và địa diện của nhà vua.

Khu buôn bán, người dày đặc và bị kẹp giữa song Hồng và Thành, chia thành khu phố Tầu và khu phố An Nam. Khu phố Tầu có nhiều cửa hang lớn, khu phố An Nam là khu phố của các thợ thủ công nhỏ.

Ở phía Nam của Thành và khu buôn bán có nhiều điểm được tường vây bảo vệ như đền thờ Khổng Tử, Trường Thi, Trường Tiền, và Đồn Thuỷ, khu Nhượng địa tương lai của Pháp.

Ra xa hơn là các làng nằm rải rác giữa các đầm và ruộng trên một vùng rộng lớn giới hạn một dải đất cao có tên là Dai-la-thanh (Đại La thành), một tên gọi gợi lại kỉ niệm về kinh đô vào thế kỉ thứ 9 (hình 38).

Mỗi khu phố trên có một đặc trưng riêng và theo một sự phát triển riêng biệt, vậy tại sao lại tái hiện chúng như nhau? Vì thế chúng tôi đã nghiên cứu chúng riêng biệt, bắt đầu bằng những điểm chịu ảnh hưởng của Pháp đầu tiên, tức là Trường Thi, Thành Hà Nội, khu Nhượng địa và khu Hội Truyền giáo. Tiếp đến, chúng tôi mô tả khu buôn bán, sự hình thành phố kiểu Pháp, khu phố này dần dần phát triển và bao lấy khu phố cổ An Nam bằng những đại lộ rộng rãi và đường phố đẹp.


[1] Ngày 22-12-1872, Dupuis tới Hà Nội lần đầu tiên. Trước đó, ngày 6-11, viên chỉ huy Senez đã tới Hà Nội và ở lại đó ba ngày. Chuyến đi của viên sĩ quan này rất quan trọng về mặt thủy văn vì ông ta là người đầu tiên biết rõ những điểm tra vào và bỏ neo ở Bắc kì nhưng chỉ có chuyến đi của Francis Garnier mới thực sự đánh dấu sự can thiệp của chúng ta vào Bắc Kì.

[2] Các nguồn tư liệu của An Nam cũng được chú ý và người ta đã sử dụng nhiều văn bản chưa xuất bản của Trường Viễn Đông Bắc Cổ, nhưng nói chung những tư liệu này khô khan. Cuốn “Một chuyến đi Bắc Kì năm 1876”, in năm 1881 Trường Viễn Đông Bác Cổ có một bản, cung cấp ít chi tiết về những gì người ta biết về Hà Nội thời kì đó qua các tư liệu khác: chẳng hạn, người ta lấy làm tiếc là nhà bác học Nam Kì đã không mô tả Trường Thi, nơi ông ta được lãnh sự Pháp tiếp.

[3] Chúng tôi xin tỏ lòng biết ơn ông Fimot và Goloulew, giám đốc và thư kí Trường Viễn Đông Bác Cổ. Hai ông đã tạo dễ dàng cho công việc nghiên cứu của chúng tôi trong thư viện phong phú của Trường và đã cho phép chúng tôi chụp lại nhiều bản kẽm bổ ích mà độc giả sẽ thấy trong phần chú thích ảnh.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.