Hà Nội giai đoạn 1873 – 1888

0
965

BTKUXH – Hướng về đại lễ 1000 năm Thăng  Long – Hà Nội, chúng tôi xin giới thiệu bản dịch nội dung quyển sách “Hà Nội giai đoạn 1873-1888” của tác giả André Masson viết về Hà Nội những năm cuối thế kỷ 19 để chúng ta hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử của thành phố qua góc nhìn của một nhà nghiên cứu phương Tây. Quyển sách do Nhà Xuất bản Hải Phòng biên dịch và ấn hành.

Lời nói đầu của Nhà Xuất bản Hải Phòng

“Trong Lịch sử Hà Nội, có một giai đoạn đặc biệt, khác hẳn các giai đoạn khác. Đó là giai đoạn chuyển từ thành lũy, phường thị phong kiến sang thành phố quy hoạch theo kiểu châu Âu: từ 1873, năm quân Pháp chiếm Hà Nội, tới 1888, năm Hà Nội trở thành Nhượng địa của Pháp.

Để giúp một số bạn đọc hiểu rõ giai đoạn này, chúng tôi chọn dịch cuốn sách của André Masson mà bản dịch đang trên tay bạn đọc.

Cuốn sách này có một số ưu điểm. Trước hết, đó là sự phong phú của các tư liệu do tác giả là lưu trữ viên của Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương cộng với sự giúp đỡ của giám đốc cơ quan này. Tiếp đến, sách viết khá tổng quan: chỉ với hơn một trăm trang sách, tác giả đã có thể cung cấp những tư liệu sâu vừa phải cho nhiều tầng lớp bạn đọc. Cuối cùng, sách trình bày hợp lý các mảng, các khu vực tạo ra diện mạo Hà Nội lúc đó và nhiều năm sau. Ngoài ra, hỗ trợ cho các tư liệu là khá nhiều tranh ảnh.

Về mặt hạn chế của cuốn sách, bạn đọc có thể sẽ bắt đầu gặp một số nhận định chủ quan hoặc phiến diện của tác giả. Tuy nhiên, xét về mặt khoa học, điều này không ảnh hưởng tới ham muốn tìm hiểu của chúng ta. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.”

Lời đề tựa của Paul Boudet – Giám đốc Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương

“Con người và các sự vật sẽ biến mất hoặc biến đổi theo năm tháng nhưng quá khứ vẫn hiện ra từng chi tiết một cách chậm chạp và chắc chắn. Ở thuộc địa, nêu không để ý, thời gian trôi rất nhanh và chẳng mấy lúc sẽ không còn gì ngoài quá khứ. Tuy nhiên, quá khứ này lại rất gần chúng ta và cần được cứu thoát khỏi lãng quên hoặc phá hoại. Phần lớn những người được mục kích các cơ sở cũ của chúng ta tại Bắc Kì đã chết trong khi thế hệ trẻ không còn biết gì về chúng ngoài lớp sương mù của những huyền thoại.

Về phần các công trình kỉ niệm, chúng đang chịu những nhát cuốc của những kẻ phá hoại và các “nhà đô thị hóa”. Những người này, để biến các đô thị cổ Bắc Kì thành các thành phố hiện đại, không ngần ngại san bằng các chùa chiền, lâu đài lớn, khu phố cổ mà đúng ra phải được bảo tồn.

Tại sao người ta không đặt các thành phố hiện đại bên cạnh các đô thị bản xứ, để chúng có một vẻ riêng như Thống chế Lyautey đã làm ở Maroc. Ở đó, người ta tránh phá hủy sự duyên dáng của các đường phố cổ ngoắt ngoéo răng cưa với vỉa hè sần sùi vênh nhau và các ngôi nhà hẹp gian nọ nối gian kia tối om và bí hiểm. Có thể là mất vệ sinh, thậm chí hơn cả mất vệ sinh, nhưng cần thiết.

Thói phá hoại văn hóa tác động tới mọi chỗ: khi người ta nẩy ra ý tưởng kì cục và chướng mắt là dựng tượng nữ thần Cộng hòa bằng kẽm (une République de zinc) trên nóc ngôi chùa nhỏ giữa Hồ Hoàn Kiếm thì trí tuệ người ta đã đi tới chỗ sa sút. Khi thói này vị lợi thì còn có thể tha thứ đôi chút: đó là lúc binh sĩ Pháp chiếm đóng Thành Hà Nội lúc mới tới và làm cho thành thích hợp với yêu cầu của họ. Thế nhưng người ta còn chờ đợi gì mà chưa giải phóng thành, ít ra là phần trung tâm, nơi hiện nay là các kho quân đội? Người Pháp và người An Nam hoan nghênh việc thực hiện một dự án trước đó đã lôi cuốn Paul Doumer: Cửa Bắc và các ngôi nhà ký sinh làm hai công trình này bị méo mó. Chúng sẽ được bao bởi một công viên xanh mát trải dài từ đường Victor Hugo (nay là Hoàng Diệu – chú thích của người dịch) tới phố Porte Sud và từ Cửa Bắc tới Cột Cờ trên đường Puginier (nay là Điện Biên Phủ – chú thích của người dịch). Nhưng đó chỉ là một phần, tất nhiên là phần quan trọng, của một chương trình tổng quát hơn mà thị trưởng Hà Nội trước đây, nay là toàn quyền Đông Dương, ông Pierre Pasquier, vạch ra từ năm 1916: “Tôi tự hỏi không biết có cách nào có thể triển khai sự quan tâm của chúng ta ra một số phố của khu bản xứ. Chẳng hạn khi cung ứng các điều kiện vệ sinh cần thiết sẽ bảo tồn được tính cách độc đáo của các phố đó. Du khách sẽ rất lí thú được so sánh Hà Nội hôm qua và Hà Nội hôm nay.

Để làm được điều này, chỉ cần hòa nhập các phố này vào các địa điểm đẹp do luật pháp bảo vệ và được xác định bởi một ủy ban gọi là ủy ban về các điểm tự nhiên và nghệ thuật. Trừ sự cho phép đặc biệt, sở hữu chủ của các địa điểm này được mời cam kết không phá, không thay đổi hiện trạng hoặc vẻ dáng của các nơi đó. Như vậy, các phố này sẽ được xếp hạng như một địa điểm đẹp. Việc bắt buộc phải theo hang lối này hay hàng lối khác, theo luật hay nghị định sẽ không áp dụng cho các phố này và chúng sẽ giữ được đặc trưng mà mỹ học đòi hỏi phải bảo tồn.

Để cụ thể hóa ý tưởng này bằng thí dụ, tôi sẽ kể cho các ngài trường hợp phố Hàng Gai, nhà cửa rối mù trong phố này, sự ngoằn ngoèo phá hủy mọi hàng lối, các ngôi nhà thuộc loại trang trí đẹp nhất trong phần lớn các ngôi nhà bản xứ đã cho phố một nét địa phương rất đặc trưng và sẽ rất đáng tiếc khi nhìn thấy nó bị phá đi, ấy là còn chưa nói tới ngôi nhà rất lí thú bên trong được biến đổi và là nơi đóng tòa lãnh sự Pháp trong thời kì mới tới…”.

Người ta đã không chú ý lắm tới những lời lẽ khôn ngoan đó. Mấy năm qua, Hà Nội đã mất phần lớn những cấu thành dáng vẻ ngày xưa. Bên những đường phố đẹp đẽ xứng với xe cộ ngược xuôi, vỉa hè không một chỗ gồ ghề, các đại lộ rộng lớn rợp bóng cây, là những ngôi biệt thự thấp thoáng, không phải nằm ở ngoại thành như Paris. Có thể có những việc cần làm như bắt đầu xây dựng chính nền hành chính.

Để dập tắt cái xấu và bảo vệ cái ít ỏi còn lại cho chúng ta, Hội Địa lí Hà Nội vừa mới được thành lập, trong đó Ban Bắc Kì Cổ, đề nghị cứu những gì còn có thể cứu được và giới thiệu những gì đã mất.

Về nhiệm vụ thứ hai, có một loạt công trình khác mà thời gian và con người không giữ được: đó là những tờ “giấy cũ” mà mới đây người ta dâng một cách dễ dàng và không hối tiếc cho mối mọt nhiều vô kể và không hiểu ở đâu ra. Những mối mọt, còn tội ác nào nữa nhân danh mày?

Vai trò khiêm tốn của chúng tôi là đấu tranh chống lại những kẻ thù của Sở Lưu trữ và từ mười hai năm nay chúng tôi bị trói chặt vào nhiệm vụ công phu này. Chúng tôi thấy tự mãn vì đã ngăn chặn được sự phá hủy, sự lộn xộn và sự quên lãng những thứ mà các bậc tiền bối trong ngạch hành chính thu thập.

Nhiệm vụ của chúng tôi giới hạn ở đó, còn phán xử nhiệm vụ đó không thuộc thẩm quyền của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi cảm thấy bằng lòng vì, bằng cách tổ chức kho lưu trữ của Đông Dương, đã thực hiện được các công trình như công trình của ông Bouchot về Nam Kì và nhất là công trình của ông Masson dưới đây.

Tôi không giấu giếm là đã làm giảm nhiều niềm vui của chàng thanh niên nhiệt tình Masson vì đã gây cho anh ta một điểm đáng tiếc nhỏ là tôi không thể tự mình lấy ra được hết những nghiên cứu hay nhất làm sống lại xứ Bắc Kì trong những giờ khắc đầu tiên.

Nhưng sự đáng tiếc đó đồng thời lại là những lời chúc mừng tốt đẹp nhất gửi tới người cộng sự, người theo yêu cầu của tôi đã từ bỏ nghiên cứu những công trình nghệ thuật Pháp và các pháp điển Trung Cổ để cộng tác trong nhiệm vụ bạc bẽo chúng tôi đang theo đuổi ở đây.

Ông Masson được đề nghị dựng lại cảnh quan phố cổ của Hà Nội năm 1873 và, từ khu phố này qua khu phố khác, mô tả các địa điểm diễn ra các hoạt động của người Pháp từ năm 1873 tới năm 1888. Về đề tài này, chỉ có những số liệu rất lờ mờ. từ năm 1883 trở đi, rất dễ tìm những thông tin trong các báo thời đó và trong nhiều chuyện kể đã được xuất bản. Nhưng trước đó, tức là khoảng thời gian từ lúc Francis Garnier tới Hà Nội vào năm 1873 tới lúc Henri Rivière chết vào năm 1883, “thời kì lãnh sự”, một thời kì các sử gia đi vào rất thận trọng, Hà Nội như thế nào? Chẳng hạn, việc phân định chỉ giới khu đất nhượng cho Pháp theo hiệp ước 1874 đã được thực hiện trong những điều kiện nào? Tại sao Trường Thi lại được Francis Garnier chọn làm tòa lãnh sự tạm thời vào năm 1873 và được lãnh sự của Pháp là ông Kergaradec chọn vào năm 1875? “Lãnh sự Pháp ở Bắc Kì” Rheinart cùng đoàn tùy tùng ít ỏi đã ở phố Jean Dupuis như thế nào?

Ta sẽ tìm được câu trả lời cho các câu hỏi trên và nhiều vấn đề khác nữa về Hà Nội cổ khi đọc tác phẩm của Masson. Chỉ chuyên chú vào sự chính xác của bức tranh thời kì đang nghiên cứu, ông Masson không đưa ra các kết luận, như thế có được không? Dường như các kết luận tự tìm các biểu lộ.

Lợi ích của một số công trình và một số địa điểm không chỉ nằm trong vẻ đẹp của chúng mà còn nằm trong các kỉ niệm lịch sử chúng gợi ra. Làm sống lại những kỉ niệm đó là những lí do mới để gắn chúng ta vào những công trình hay những địa điểm đó và buộc chúng phải bảo vệ chúng. Vì thế những trang dành cho Thành Hà Nội biện minh đầy đủ cho đề nghị xếp hạng lịch sử cho những vết tích cuối cùng của tường lũy. Tương tự, những chi tiết chính xác về các khu khác, là những lập luận vững chắc nhất để ngăn chặn sự lấn chiếm các công trình hiện đại vào mảnh đất gắn với nhiều kỉ niệm.”

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.