Chợ Lớn – Hồn xưa phố cũ

0
1917

Du khách nước ngoài tham quan Chợ Lớn bắt đầu từ chùa Bà Thiên Hậu rồi dạo quanh các con đường trước khi kết thúc ở chợ Bình Tây. Nhưng khi nhìn thấy sự thất vọng trên gương mặt của những người bạn đến từ Philippines đi theo hành trình này, tôi hiểu rằng chính những con hẻm mới là điều cần khám phá.

Khi đi vào khu vực Chợ Lớn (theo như người Hoa thì nếu đi từ hướng Q.1 phải qua khỏi đường An Bình mới là khu vực người Hoa sinh sống trước đây), hỏi bất kỳ người Hoa trên 50 tuổi về những con hẻm mà họ sinh sống bấy lâu nay, bạn được nghe kể vanh vách những cái tên như Nha Thái hạng, Tuệ Hoa lý, Tô Châu lý, Thái Hồ hạng, Tân Gia Hòa lý, Hào Sĩ Phường, Cộng Hòa lý, Đại Quang Minh hạng… (lý trong tiếng Hoa là lý lộng, tức những con hẻm nhỏ; hạng là ngõ).

Nhưng nếu hỏi đó là con hẻm số mấy hoặc tên đường hiện nay thì họ đành chịu, vì ký ức họ chỉ lưu giữ những cái tên đó.

 Hẻm danh nhân

 “Tôi có nghe về dự án bảo tồn Chợ Lớn. Tôi nghĩ đó là việc nên làm trước khi quá trễ. Nhưng phải làm sao để người dân vẫn có thể sống được trong khu phố cổ. Đừng biến khu Chợ Lớn thành những khu phố Hoa chỉ phục vụ du lịch như các quốc gia lân cận”.

Bà DIỆP NIÊN HAO
(69 tuổi, ở hẻm Đại Quang Minh, P.14, Q.5)

Con hẻm được nhiều người nhắc đến hiện nay là Nha Thái hạng, tức hẻm Giá Đỗ, với một dấu ấn lịch sử: trong những năm đầu thế kỷ 20 nhà cách mạng vĩ đại Trung Quốc Tôn Trung Sơn từng nhiều lần đến Chợ Lớn và trú ngụ tại căn nhà của ông Huỳnh Cảnh Nam (còn gọi là Tường “giá đỗ”), một thương gia người Hoa yêu nước đã đóng góp không ít tiền bạc cho phong trào cách mạng Tân Hợi. Vì ông Nam làm giá đỗ ngay đầu hẻm nên con hẻm có tên Giá Đỗ từ đó.

Tháng 5-2011, một đoàn làm phim của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc đã đến con hẻm này ghi hình phim tài liệu nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tân Hợi thành công. Nhưng khu nhà của ông Nam đã bị phá bỏ xây chung cư từ năm 1963. Nhìn từ bên ngoài, con hẻm có bề ngang gần 2m, vào sâu rộng hơn, toàn nhà mới xây, chỉ còn sót lại một căn nhà cũ kỹ nhưng không phải người Hoa sinh sống.

Theo ảnh chụp năm 2005 của cô Đào Nhiên, nhân viên hưu trí của báo Sài Gòn Giải Phóng Hoa Văn, căn nhà tầng một trên mặt tiền hẻm Giá Đỗ vẫn giữ được nét cổ kính ngày nào. Nhưng nay tôi chỉ nhìn thấy một bảng quảng cáo to, bên cạnh là bảng rao bán nhà số 720.

Từ hướng Trần Hưng Đạo, Q.1 xuống Chợ Lớn, đập vào mắt tôi là bảng tên đắp bằng chữ nổi Tô Châu lý (hẻm 47 Trần Hưng Đạo, P.6, Q.5), và Thái Hồ hạng (55 Trần Hưng Đạo) vừa được chính quyền trùng tu, sơn sửa gần đây. Trong lúc lang thang tìm hiểu, tôi được biết phần lớn con hẻm đều có tên. Nhưng qua bao năm tháng nhiều con hẻm không còn bảng tên, hoặc còn nhưng bị những tấm bảng khu dân cư, khu phố văn hóa hay hẻm số xx che khuất.

Thăng trầm bảng tên

Hẻm Tân Gia Hòa lý nay chỉ còn bốn chữ Tân Gia Hòa lý được viết khiêm tốn bên phải tấm bảng Khu dân cư 4A (904 Nguyễn Trãi). Hay như bảng tên hẻm Hào Sĩ Phường (206 Trần Hưng Đạo) trước đây vốn có chữ đắp nổi rất đẹp nhưng không hiểu vì lý do gì đã bị gỡ bỏ, thay bằng tên của một công ty thuê đầu hẻm để kinh doanh. Mãi đến những năm gần đây khi công ty đó dọn đi, một thanh niên người Hoa trong hẻm theo ước nguyện của người mẹ lúc còn sống đã bỏ tiền làm lại bốn chữ Hào Sĩ Phường bằng mica gắn lên.

Đây là trường hợp hiếm hoi bảng tên được trả lại đúng vị trí. Không ít bảng tên đã phai nhạt theo thời gian như Tuệ Hoa lý (741 Nguyễn Trãi), Thịnh An lý (12 Trần Hòa), Ngu Lạc hạng (23 Phù Đổng Thiên Vương)…

Cách nay hơn một năm, ngồi ăn bột chiên trên đường Phú Định tôi còn thấy một con hẻm có bảng tên Kiều Khánh lý trên đường Lương Nhữ Học, nhưng nay quay lại thì bảng tên không còn. Ngôi nhà cạnh hẻm xây mới đã phá bỏ một bên tường gắn bảng tên. Và không chỉ bảng tên bị biến mất trong trường hợp tương tự, đã có những con hẻm bị tháo dỡ hoàn toàn như Vinh Viễn hồ đồng (hồ đồng là từ chỉ hẻm của người miền Bắc Trung Quốc) số 57 Nguyễn Trãi, nay dãy nhà phía bên phải hẻm đã bán cho nhà đầu tư xây cao ốc. Hay con hẻm Quần Ngọc Phường (508 Nguyễn Trãi) đã bị phá bỏ để xây cao ốc Soái Kình Lâm.

Hàng chục, hàng trăm con hẻm ngang dọc khắp khu Chợ Lớn với đủ tên khác nhau mà cư dân ở đó, kể cả cụ Mã, ngoài 80 tuổi, ở hẻm Vĩnh Phát (75 Trịnh Hoài Đức), cũng không nhớ nổi lai lịch của chúng. Cư dân trẻ như anh Hiền (31 tuổi) của hẻm hào Sĩ Phường chỉ nghe nói Hào Sĩ tức là hào hiệp văn sĩ, phường là nơi buôn bán. Riêng hẻm Triều Thương (257 Cao Văn Lầu, P.2, Q.6), theo bà Trịnh Thúy Phụng, 72 tuổi, được đặt tên theo đặc điểm cư dân vốn là những thương gia gốc Triều Châu (hay Tiều Châu).

Hẻm này hiện có 15 căn hộ vẫn là gia đình gốc Triều Châu sinh sống và giữ được truyền thống kinh doanh (đa số buôn bán ở chợ Bình Tây), con cái vẫn biết nói tiếng Tiều. Có người lập gia đình với người Kinh vẫn biết nói hoặc nghe hiểu tiếng Tiều.

Trong những ngày lang thang, tôi phát hiện nhiều con hẻm nay đã không còn mang dấu ấn người Hoa, như hẻm Tô Châu hay Thái Hồ chỉ còn khoảng chục hộ trên chung cư là người Hoa, nhiều cư dân đã xuất ngoại hoặc chuyển nhà. Những con hẻm có đến 80% hay 90% người Hoa sinh sống cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cụ Mã, cư dân lâu năm nhất trong hẻm Vĩnh Phát, cho biết nhiều căn hộ đã đổi chủ hai ba lần, từ người Hoa sang người Kinh và nay lại bán cho người Hoa. Hiện trong hẻm có 5/6 hộ là người Hoa.

Hẻm Tuệ Hoa sát ngay vách tường Trường Mạch Kiếm Hùng may mắn còn sót lại khoảng sáu, bảy căn nhà cổ với kiểu nhà trệt cửa gỗ, cửa sổ nhỏ hai bên và một gác lửng bằng gỗ. Bước vào hẻm, đập ngay vào mắt tôi là những tờ giấy đỏ dán ngay cửa ra vào, văng vẳng bên tai là thứ tiếng Quảng hay nghe thấy trong phim Hong Kong.

Theo chị Nữ tổ trưởng, trong hẻm vẫn còn nhiều gia đình tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường, hơn mười cụ già người Hoa trên 80 tuổi. Cư dân trong hẻm phần lớn là người gốc Quảng. Cứ mỗi tối sau buổi cơm chiều, họ thích ngồi trên ghế đá trước nhà để trò chuyện, một thói quen văn hóa hình thành từ bao đời nay của người Hoa.

Thú vị nhất là căn nhà kiểu cửa lùa bằng gỗ có thể được xem vào hàng kiến trúc cổ của gia đình bà Lưu Muối (80 tuổi). Bà cụ bảo cái cửa này rất tiện lợi, ban ngày chỉ cần kéo cửa lùa, nhà vẫn sáng sủa lại mát mẻ. Bà Phùng Sú (84 tuổi), người đã sống gần 80 năm ở con hẻm này đang ngồi đọc báo trước nhà. Đến nay bà cụ vẫn không thay đổi kiểu áo sẩm, quần lụa đen như cách ăn mặc của người Hoa mấy chục năm trước.

Những người thầm lặng bảo tồn

Khi lang thang khu Triệu Quang Phục, tôi tìm thấy quyển sách tiếng Hoa Chợ lớn xưa và nay (xuất bản năm 2007, tái bản năm 2011) của ông Lưu Vi An, 73 tuổi, một người Hoa sinh ra ở Bạc Liêu và là phó chủ tịch Hội Văn học tiếng Hoa TP.HCM.

Một buổi sáng đưa cháu đi học ngang qua kênh Tàu Hủ nhìn thấy cảnh những ngôi nhà, nhà kho cổ hàng trăm năm tuổi trên đường Trần Văn Kiểu được phá dỡ để thi công đại lộ Đông Tây, ông An vui mừng vì thành phố sẽ có con đường huyết mạch nối liền miền Tây, nhưng cũng không khỏi xót xa cho số phận những ngôi nhà đó. Thế là ông quyết định dùng ngòi bút ghi lại những gì ông biết về Chợ Lớn, từ những con phố nổi tiếng, những cây cầu, bến cảng… cho chuyên mục “Chợ Lớn xưa và nay” của báo Sài Gòn Giải Phóng Hoa Văn.

Ông hi vọng mai này sẽ có nhiều người tiếp tục công việc của ông, để con cháu không phải mù tịt về nơi cha ông họ và chính họ đang sống.

Cô Đào Nhiên lúc đầu do yêu cầu công việc nên sưu tầm hình ảnh các con hẻm để viết bài, sau này về hưu rảnh rỗi vẫn tiếp tục đi chụp hình, chú thích địa chỉ tên gọi từng con hẻm mình biết và lưu giữ cẩn thận từng tấm ảnh. Khi được hỏi lý do, cô bảo: “Với tốc độ đô thị hóa hiện nay, tôi sợ mai này mấy bảng tên hay con hẻm ở Chợ Lớn đều biến mất, có muốn tìm lại cũng khó. Tốt nhất nên chụp hình lưu giữ. Tôi sẽ tiếp tục đi sưu tầm những khi có thể”.

Có những người lưu giữ ký ức Chợ Lớn xưa bằng trang sách, người lưu giữ kiến trúc Chợ Lớn bằng hình ảnh. Còn người âm thầm sống trong những con hẻm làm nên một khu phố Hoa lớn nhất thế giới (*) chỉ muốn khôi phục bảng tên. Khi nghe nhắc đến dự án bảo tồn Chợ Lớn mới đây, bà Trịnh Thúy Phụng ở hẻm Triều Thương nói: “Tôi không biết gì về dự án này. Mà giờ trong hẻm cũng chẳng còn gì để bảo tồn, chỉ còn mỗi cái bảng tên hi vọng sẽ không bị mất đi thôi”.

(*) http://gb.cri.cn/14404/2007/07/06/2685@1666637.htm)

Bà DIỆP NIÊN HAO(69 tuổi, ở hẻm Đại Quang Minh, P.14, Q.5 )

Nguồn: https://tuoitre.vn/cho-lon-nhin-tu-nhung-con-hem-495557.htm

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.