Trong một buổi sáng ngập tràn nắng Kon Tum vào tháng 11, mình và đoàn công tác dự Hội thảo Festival Cồng chiêng Gia Lai đã ghé tham quan ngôi Nhà Rông Kon Klor.
Không chỉ được biết đến là Nhà rông lớn nhất Kon Tum, nhà rông Kon Klor còn nổi tiếng nhờ khung cảnh “hữu tình” của nó. Gần ngay Nhà rông là cầu Kon Klor – hay còn được người dân nơi đây gọi là Cầu Tình Yêu bắc ngang sông… Thật tiếc là chúng tôi đến vào mùa nước cạn nên chỉ thấy dòng sông… như một con lạch hiền hòa…
Nhà rông Kon Klor thuộc phường Thắng Lợi, Tp Kon Tum. Nhìn từ xa, nhà rông nổi bật bởi sự hoành tráng, to đẹp trên một khu đất rộng lớn. Ngay bên cạnh nhà rông là một cây cổ thụ tán rộng, xanh um, tỏa bóng mát cả một khu vực…. với kiểu kiến trúc đúng chuẩn nhà rông Tây Nguyên: sàn nhà cao, mái nhọn, cầu thang đi lên từ hai phía…
Nhà Rông với bộ khung bằng sắt và xi măng, vách bằng tre, nứa và nóc mái cao vút nổi bật giữa nền trời xanh thăm thẳm… Đường lên nhà rông là hai chiếc cầu thang nhỏ đi lên từ hai bên, một bên bằng sắt, một bên là thân cây được đẽo thành những “cái mấu” để dễ dàng đi lên. Trong đoàn, chả ai dám thử đi bằng chiếc cầu thang gỗ này vì thấy sao mà “dốc thế không biết, đi làm sao được, chỉ có nước bò lên”…
Bước vào bên trong nhà rông, tuy rất rộng và thoáng nhưng vẫn khiến chúng ta có cảm giác trang nghiêm, như có ai đang “theo dõi”… và khi nhìn không rõ có thể bạn sẽ giật mình hoảng hốt bởi miếng gỗ có hình dạng như chiếc đầu trâu thật 100% được treo trên vách…
Thế nhưng, nay, mọi thứ đã thuộc về quá khứ. Quá khứ về một ngôi nhà rông to, đẹp – nơi sinh hoạt văn hóa, lễ hội của cộng đồng, niềm tự hào của đồng bào…
Nay, vẫn nền trời xanh ấy là những cột ám khói, những khung sắt đen thui, chỏng chơ…
Ảnh: VnExpress
Vnexpress: Nhà Rông Kon Klor – lớn nhất Kon Tum CHÁY… đọc tin mà thấy hụt hẫng…
Xót xa một khi ngôi nhà rông to đẹp giờ chỉ còn là ký ức …
Xót xa mười trước thái độ đối với giá trị văn hóa…
Đáng buồn hơn là sự giải thích của những người quản lý văn hóa: “Cháy vì tụi nhỏ vào nhậu xỉn thách nhau đốt…”.
Trách ai? cái sự hiếu thắng của tuổi trẻ được “cỗ vũ” bởi hơi men hay trách những nhà quản lý đã quá hời hợt – “cha chung không ai khóc”?
Minh Hằng