Tiếc thương thời bao cấp!

0
844

Cảnh thường thấy thời bao cấp: hành khách đu bám chật cứng bên ngoài cửa sổ xe đò (ảnh chụp ngày 5-3-1985) – Ảnh tư liệu báo Tuổi Trẻ

Sau 30-4-75, cuộc sống của những người miền Nam Việt Nam có thể tạm chia thành 2 nhóm: được Bao cấp và không được Bao cấp.

– Được Bao cấp: Đó là những người làm việc trong các cơ quan Nhà nước, những công ty, xí nghiệp quốc doanh, những nhân viên trong bệnh viện và trường học (hai nơi này được quốc hữu hóa trước tiên). Sẽ rất thiếu sót nếu không kể đến lực lượng vũ trang (Công an, Quân đội…) vì thời đó, lực lượng này rất đông.

– Không được Bao cấp: là những thành phần còn lại, đó là những nông dân (đông nhất), những người hành nghề thợ may, thợ rèn, thợ sửa xe, buôn bán chợ trời… Tóm lại đó là những người không được vô “Biên chế” (thường bị gọi nhầm là “Biến chế”) nhà nước. Tôi thuộc nhóm nầy.

BẦU SỮA BAO CẤP

Thời đó, những người thuộc nhóm 2 như tôi nhìn những người nhóm 1 bằng cặp mắt thèm thuồng pha lẫn ngưỡng mộ và cả ganh tỵ. Vì sao à? Vì họ là những người có phong thái ung dung tự tại. Họ thường nói chuyện ở… bên Liên Xô, chuyện chính trị thế giới… còn chúng tôi thường nói về… ăn, nằm mơ cũng thấy ăn, thức cũng thấy ăn, chỉ có ăn thiệt thì rất ít. Những người nhóm 1 được Bà mẹ Bao cấp lo tròn vo từ A tới X (í lộn, không có xxx đâu). Họ được mua gạo (hay thứ gì đó có tinh bột) với giá chưa bằng cái vỏ bao. Họ còn được mua (như cho) các loại nhu yếu phẩm khác như đường, sữa, thịt, cá, xà bông, bột ngọt, thuốc lá… Chắc sẽ có người phản bác: “Ăn như thời Bao cấp thì chỉ sống ngắc ngoải thôi, hay ho gì mà mong ước!”. Vâng, đúng là vậy thật, nhưng chắc người đó chưa nghiệm ra rằng “Sống ngắc ngoải vẫn hay hơn là chết thật sự!” Những năm đói kém, chúng tôi ăn bất cứ thứ gì ăn được: khoai mì (và cả đọt mì), khoai lang, rau rừng, củ nần… chúng tôi nhét bất cứ thứ gì vào bụng nếu nó có thể tiêu hóa được. Thỉnh thoảng, tới nhà bà con thuộc nhóm 1, được đãi một chầu bột mì (Liên xô) là cảm thấy hạnh phúc hơn đi nhà hàng bây giờ!

Bỏ qua chuyện ăn, nói tới chuyện ở. Thời Bao cấp, khái niệm “thuê nhà” không bao giờ xuất hiện trong suy nghĩ của người nằm trong “Biên chế”. Họ làm việc ở đâu, được cấp nhà ở đó (thường là “Khu gia đình” nằm sát cơ quan). Những cái “khu” nầy đã giúp những người làm việc thực hiện cả “việc nước” lẫn “việc nhà” cùng một lúc, và góp phần không nhỏ trong việc làm cho bộ mặt chốn công đường thêm bầy hầy nhếch nhác, cũng như tạo “tiền đề” cho những vụ kiện tụng đất đai sau nầy. Ở nhà “chùa” nầy, họ được “khuyến mãi” nhiều dịch vụ “chùa” khác: điện chùa, nuớc chùa… đặc biệt là không cần phải sửa nhà, nếu nhà dột, hư… chỉ cần làm đơn, vài ngày (hoặc vài tháng) sau sẽ có người tới sửa mà không phải trả xu nào. Một tờ báo (hình như TTC) kể câu chuyện thời Bao cấp: ”Một cụ già đến cơ quan chứng giấy tờ. Nhìn trong phòng không thấy ai, cụ vừa bước lại bàn buya rô thì nghe quát “Thằng kia, xéo ngay!” Cụ giật bắn người, tưởng cô nhân viên mắng mình. Nhưng không phải, đó là một chú nhóc đang nghịch trong phòng!

Vật chất là vậy, còn tinh thần thì sao? Những người sống trong vòng tay âu yếm của Bà mẹ Bao cấp cũng hơn những người khác nhiều. Trong khi tôi “nghiên cứu” những phát minh tuyệt vời của Faraday, Ampe… dưới ánh sáng le lói của ngọn đèn dầu tù mù, thì họ – những công dân nhóm 1 – đang đánh cờ dưới ánh sáng đèn nêông rực rỡ, hay đang say sưa kể chuyện chống Mỹ bên dàn Akai đang phát bài “Đảng đã cho ta 1 mùa xuân”. Một số rất đông ngồi quanh chiếc tivi tập thể xem những bộ phim vang bóng 1 thời như “Trên từng cây số”,”Hồ sơ thần chết”… Tôi rất mê những bộ phim nầy (không biết bây giờ ở đâu bán). Tôi cũng thường lân la đến coi ké, họ cũng chẳng đuổi mà có khi còn kéo ghế cho ngồi nữa (thời đó, con người ta sống hòa đồng lắm chứ không như bây giờ!). Lúc đó, tôi thấy chế độ bao cấp đáng yêu biết chừng nào! Những người sống trong Bao cấp không suy nghĩ những điều vặt vãnh, tầm thường như ăn, mặc, ở…Họ tiếp xúc với thế giới văn minh của đèn nêông, của vô tuyến truyền hình… Họ là số 1! Là mục tiêu phấn đấu của tôi: vào Biên chế!

TÔI ĐẾN VỚI BAO CẤP

Năm 81, tôi đi Bộ đội (tôi thích dùng từ Bộ đội hơn là Nghĩa vụ Quân sự (NVQS), vì nghe nó chất phác, bình dị giống như bài thơ “Nàng có 3 người anh, đi Bộ đội lâu rồi…”, còn từ “NVQS” nghe có vẻ “mệnh lệnh” quá, mất đi phong cách “tình nguyện” hết trơn!). Tôi may mắn hơn nhiều người thời đó, có người bỏ xác, có người “tàn phế võ công” ở chiến trường K. Còn tôi được ở lại Long Bình. Tôi đã thực sự được sống trong chế độ Bao cấp. Trừ 3 tháng huấn luyện vất vả ra, cón lại thì sướng như vua (tôi nghĩ vậy): khỏi lo chuyện ăn ngủ, nhà cửa gì ráo. Nơi nào cũng có điện sáng trưng, mỗi trung đội có 1 cái tivi, tha hồ xem bóng đá (Espana 82). Ngoài ra, tôi còn được lãnh (không phải mua) đường, sữa, xà bộng, thuốc lá, kem đánh răng… cả giày dép và quần áo (tất nhiên là quân phục) và cả khăn mặt, quần đùi… Chỉ thương cho mẹ tôi, có lẽ bà tưởng tôi thiếu thốn lắm nên mỗi lần đi thăm, bà hay mua bánh mì, kẹo và thịt chà bông cho tôi. Giờ đây, ngồi viết những dòng nầy mà tôi muốn khóc. Mẹ tôi đâu biết rằng trong khi ở quê nhà bữa đói bữa no thì ở đây, cơm ăn không hết đổ cho cá ăn. Trong khi bà sống dưới ánh đèn dầu leo lét thì ở đây chuyên nấu nước bằng “tàu ngầm” (dây mayso thả vào chậu nước). Thế nào cũng có người nói: “Xạo! Bộ đội ăn toàn rau muống đậu hũ mà sướng cái gì!” Vâng, quả là vậy thật, nhưng tôi đang viết về gia đình tôi, chứ không phải toàn miền Nam. Năm 81, nạn đói chỉ bị đẩy lùi chứ chưa hết, nhà tôi vẫn bữa cháo bữa khoai. Sau nầy, tôi để dành gạo lãnh đi gác và mua thêm gạo của anh em khác bằng tiền lương ít ỏi của mình đem về nhà. Và tất nhiên, tôi nghĩ “Bao cấp sướng thật!”.

BAO CẤP THỜI SUY TÀN

Cuối năm 84, tôi xuất ngũ. Công việc đầu tiên của tôi là xin vào một công ty quốc doanh để tiếp tục bám vào bầu sữa của bà mẹ Bao cấp (em tôi cũng xin được). Những năm đầu vui thật. Chúng tôi làm tà tà, lãnh lương tượng trưng. Suốt ngày chỉ mắt trước mắt sau chờ hàng phân phối. Mỗi khi nghe “Hàng về rồi!” là ù té chạy lên văn phòng chờ. Tất nhiên khoản nhà cửa tôi cũng chẳng phải lo, những anh độc thân cũng được cấp nhà, 2 anh 1 căn, điện nước đầy đủ. Vui nhất là khi xuân về Tết đến, nhà tôi ăn tết khá là “hoành tráng” vì có đến 2 tiêu chuẩn: cả chục ký thịt heo, rượu trà bánh mứt thì ê hề (tất nhiên so với bây giờ thì chả là cái đinh gì) Mẹ tôi vui lắm, bà rủ mấy đứa cháu tới phụ gói bánh tét (tiêu chuẩn có cả nếp và đậu xanh) rồi cho mỗi đứa vài đòn coi như là “Lộc Trời”. Vâng, “Thiên đường XHCN có lẽ là đây thật!

Tuy nhiên, không lâu sau, cái bầu sữa Bao cấp dần dần teo lại. Gạo vẫn còn, nhưng những thứ khác dần dần ít đi rồi lặng lẽ biến mất. Điện vẫn xài chùa nhưng bị cúp nhiều hơn. Công nhân mới không được cấp nhà phải ở ké 1 phòng 4,5 tên. Sau cơn bão “Giá – Lương – Tiền” của “Nghị Quyết 8”, chúng tôi nghe câu “Xóa bỏ Quan liêu Bao cấp”, lúc đầu nho nhỏ, sau lớn dần và cuối cùng thành mệnh lệnh. Có cái gì đó không rõ ràng ở đây. Người ta tổ chức nhiều buổi hội thảo chuyên đề:”Chống Quan liêu Bao cấp”. Các báo đài nêu ra những tệ nạn của thói Quan liêu, nhũng nhiễu và cuối cùng kết luận: “Chống, xóa”. Kết quả ra sao thì ai cũng biết: Tệ Quan liêu không biết có xây xát gì không, chứ còn Bao cấp thì chính thức bị xóa sổ vài năm sau đó. Công nhân chúng tôi được tăng lương gấp 3,4 lần, còn vật giá thì tăng từng giờ chứ không phải từng ngày. Với số tiền đó, buổi sáng mua được 1 cây thuốc Đà Lạt, trưa mua được 5 gói, chiều còn 2 và mai chỉ còn 1! Không còn Bao cấp, chúng tôi buộc phải mua chứ biết làm sao! Hình như ai đó đã “vô tình” dùng chiêu “giương đông kích tây”. Họ gom Quan liêu với Bao cấp chung một rọ. Họ diễn giải say sưa về những tiêu cực của cơ chế “xin, cho” rồi “Phựt” một cái, đầu – Bà – Mẹ – Bao – cấp – rơi xuống đất, gã Quan liêu vẫn tỉnh bơ tới bây giờ và nội công ngày càng thâm hậu!

MỘT PHÚT MẶC NIỆM

Xét cho cùng, chế độ Bao cấp cũng chẳng hay ho gì. Nó sản sinh ra một xã hội ù lỳ, ỷ lại, lười phấn đấu. Chủ nghĩa “cào bằng”, “Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” đã gom người có năng lực và kẻ dốt nát chung một giỏ, người siêng năng được đãi ngộ thua kẻ lười biếng, cơ hội. Nó kéo lùi sự tiến bộ của xã hội. Và sự cáo chung của nó cũng là quy luật tất yếu. Tuy nhiên, bên cạnh những tiêu cực, nó cũng có mặt tốt mang tính nhân bản nhất. Nó giúp những nông dân dốt nát, những chiến sỹ không biết gì ngoài cây súng, những cán bộ không đọc nổi tên mình không cảm thấy tự ti mặc cảm khi đứng bên càc nhà trí thức, nhà khoa học. Nó giúp những người ham học có điều kiện mở mang kiến thức (thời đó, đi học miễn phí, lại được cấp gạo). Rất nhiều nhân tài xuất hiện trong thời kỳ nầy mà chắc chắn họ sẽ dốt nếu được sinh ra trong hoàn cảnh hiện nay. Nó không tạo nên khoảng cách Giàu – Nghèo kinh khủng như bây giờ. Ai cũng 19kg gạo, 1kg đường và 2 hộp sữa. Nó không xúi người ta đình công, biểu tình vì ai cũng như ai, Giám đốc lẫn Công nhân. Đáng trách nhất là sự chia tay của nó mang đầy nước mắt. Thay vì gắn cho nó một huân chương hạng nhất kèm theo quyết định về hưu và một điếu văn ai oán, người ta công kích, nhục mạ nó bằng những lời lẽ sâu cay nhất. Người ta gán cho nó những tội trạng nặng nề mà quên đi chính bầu sữa đó đã nuôi nấng họ trong những ngày chân ướt chân ráo “Tiến về Sài Gòn”. Đau khổ nhất là những người sinh sau đẻ muộn, cố lên chuyến đò chiều Bao cấp nửa đường hêt xăng, chủ tàu trốn mất!

ĐÊM DÀI LẮM MỘNG

Đôi khi, đi ngang qua một khu công nghiệp hoành tráng với những nhà máy khổng lồ, tôi tự hỏi: Nều bây giờ đột ngột quay lại Thời Bao Cấp thì sao nhỉ? Có lẽ các nhà máy sẽ bệ rạc hơn, lương Công nhân sẽ chỉ còn một phần tư hiện nay. Các nhà trọ và quán cơm sẽ biến mất vì không còn ai ăn hay ở nữa, cơn bão giá 2007 sẽ chẳng xi nhê gì với ai. Chẳng ai quan tâm giá dầu lên hay đô la xuống. Và khi Xuân về Tết đến, những anh chị công nhân miền Trung, miền Bắc sẽ được sum họp gia đình bên những bánh mứt rượu trà được cấp theo tiêu chuẩn (ngày xưa, công nhân viên về phép được thanh toán tiền tàu xe). Bây giờ, nhiều anh chị ăn tết xa quê vì tiền thưởng quá bèo, không đủ đi tàu xe hay mua quà tết cho Gia đình. Ngày xưa, gần tết người ta xúm xít chia quà tết, mổ heo chia thịt. Bây giờ, gần tết người ta xúm lại đình công, biểu tình đòi tăng tiền thưởng cho kịp tốc độ trượt giá phi mã. Và trên hết các nỗi đau, người Công nhân cảm nhận rằng khoảng cách Giàu – Nghèo giờ đã trở thành vực thẳm!

Nguồn: Lảm nhảm’s blog

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.