Về quê “Bên kia sông Đuống” – 5.2008 – Kỳ 1: Chùa Linh Ứng

0
1715

Quê tôi là một ngôi làng thuộc huyện Lương Tài – một trong ba huyện thuộc “Bên kia sông Đuống” (tức là bờ Nam sông Đuống; hai huyện còn lại là Gia Bình và Thuận Thành) của tỉnh Bắc Ninh. Mỗi lần có dịp về quê chơi, tôi đều xách xe máy chạy rông một mình hoặc cùng chị gái hay cậu bạn thân đi quoanh quoanh khắp mấy nơi lân cận. Chẳng vậy mà bố mẹ tôi vẫn thường “kể xấu” về thằng con trai với mọi người: Thằng này về quê được có một tuần mà phải đến hơn một nửa thời gian nó chạy ngoài đường, đi thăm người dưng, chứ có chịu ở nhà với bố mẹ đâu. Nói thì vẫn nói thế nhưng bố mẹ tôi đều rất vui, có lẽ vì thằng con trai mình chịu khó đi đây đi đó học cái hay của người ta, chịu khó đi thu lượm cái văn hóa của đất Kinh Bắc vào thân để rồi vào lại Sài Gòn thì chẳng lo mất gốc.

Trong lần về quê vào giữa tháng 5 năm 2008, tôi có đi và ghé qua một số di tích của đất Bắc Ninh mà chủ yếu là ba huyện phía Nam. Xin đăng dần các hình ảnh về chuyến đi này cũng như thông tin về những nơi tôi đi qua lên đây để chia sẻ cùng mọi người.

Đây là những nơi tôi đến thăm trong chuyến này. Xin liệt kê ra đây rồi tôi sẽ viết và đăng bài dần dần lên.

1. Chùa Linh Ứng – huyện Thuận Thành
2. Lăng Sĩ Nhiếp – Nam Giao Học Tổ – huyện Thuận Thành
3. Lớp học chữ Nho thôn Tam Á – xã Gia Đông – huyện Thuận Thành
4. Chùa Dâu – huyện Thuận Thành
5. Đền Lũng – huyện Thuận Thành
6. Đình Phương Quan – huyện Thuận Thành
7. Đình và chùa Bút Tháp – huyện Thuận Thành
8. Lăng Kinh Dương Vương – huyện Thuận Thành
9. Làng tranh Đông Hồ – huyện Thuận Thành
10. Chùa Phật Tích – huyện Từ Sơn

Chùa Linh Ứng

Trên đường đi đến Lăng Sĩ Nhiếp, tôi có đi qua ngôi chùa này. Chùa nằm ngay sát con đường tỉnh lộ đang được san lấp bằng đất để chuẩn bị tráng nhựa. Con đường rộng thênh thang này chứng tỏ quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng của tỉnh Bắc Ninh đang phát triển khá rầm rộ. Đây sẽ là một tiền đề tốt để khu vực phía Nam tỉnh – vốn là những huyện nghèo, thuần nông có thể phát triển ngành du lịch văn hóa – lịch sử. Đường này chạy ra ngã tư Đông Côi, đi thẳng thì về hướng huyện Gia Bình và Lương Tài, quẹo trái thì lên TP. Bắc Ninh và các huyện phía Bắc, quẹo phải thì sang tỉnh Hải Dương. Ở khu vực này có một dải các di tích đền miếu, đình chùa (lăng Sĩ Nhiếp, chùa Dâu, chùa Bút Tháp, lăng Kinh Dương Vương, đền thờ Cao Lỗ Vương, đền thờ vị trạng nguyên đầu tiên Lê Văn Thịnh, đền thờ danh sĩ Hàn Thuyên) các làng nghề thủ công truyền thống (làng tranh Đông Hồ, làng tre Xuân Lai, làng đúc đồng Đại Bái) và những con đường lớn như thế này sẽ nối liền các điểm văn hóa – lịch sử lại với nhau.

Chùa Linh Ứng thuộc thôn Ngọc Khám, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành. Ngôi chùa rêu phong và u tịch bênh cạnh con đường hiện đang ồn ào vì xe tải chở đá, cát, xe lu đi làm đường và sau này sẽ còn ồn ào rất nhiều vì bao xe cộ qua lại. Dường như nó vẫn chưa thể quen ngay được với cái sự ồn ào này. Nhưng rồi có lẽ khi con đường này làm xong, người ta cũng sẽ sửa sang lại ngôi chùa cho bề thế, cho hoàng tráng hơn để xứng với cái tầm mặt tiền đắt đỏ của mình. Hơi buồn một chút…

Trong cái sự hiểu biết có hạn của tôi về chính quê hương của mình thì tên ngôi chùa này chưa hề xuất hiện. Ừ thì cũng phải thôi, đâu phải ai sinh ra cũng là một vĩ nhân. Nhưng có một điều mà tôi chắc chắn rằng, bất kỳ một ngôi chùa,mái đình nào ở cái xứ dày đặc những huyền tích, thần thoại, những câu chuyện lịch sử này đều chứa đựng trong mình một câu chuyện hay ho đáng để chúng ta suy ngẫm hay là những ký ức chung của cộng đồng cư dân cư tụ quanh đó.

(ảnh: tranbinhkb, chụp ngày 11/05/2008)

Thôi, chỉ xin chụp lại vài tấm hình về cổng chùa, nhỡ sau này vài năm (hay có khi là bây giờ cũng nên) người ta làm khác đi rồi thì còn có cái để mà đem ra so sánh chuyện xưa – nay. Chào tạm biệt…

tranbinhkb

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.