Đã có những con người như thế

0
840

BTKUXH – Người ta bảo, qua những chuyến đi ai rồi cũng sẽ lớn khôn hơn, sẽ đến gần hơn con người, cuộc sống và thế giới. Có thể vì nghĩ thế mà từ bé tôi đã rất thích những chuyến đi – những chuyến đi sẽ đưa tôi đến những miền đất lạ, nơi mà tôi chưa từng đặt chân tới, gặp những con người thân thiện tôi chưa từng quen. Cảm giác được hòa mình vào cuộc sống rộng lớn này, được lắng nghe sẻ chia những tiếng lòng thổn thức thật chẳng có gì hơn thế.

Lớn lên một chút, khi đứng trước những lựa chọn của cuộc đời, tôi không phải phân vân nhiều. Từ miền Trung nắng gió, tôi quyết định vào Đà Lạt học dẫu cho mẹ lắc đầu: “Bố mày, con gái không chọn trường nào gần nhà mà học, xa thế rồi đi lại cũng khổ con ơi’’.

Ba năm học xa nhà, vẫn nhớ nhà thật nhiều mỗi lúc chiều về, những đêm lạnh thèm được cuộn mình trong vòng tay mẹ vỗ về. Nhưng tôi chẳng bao giờ hối tiếc điều gì khi mình đã lựa chọn. Nếu như chọn cho mình một lối đi an toàn, được bao bọc nhiều hơn chắc gì tôi đã mạnh mẽ, trưởng thành như tôi lúc này. Thế giới trong tôi không còn nhỏ bé đóng khung như trước nữa, nó là một thế giới mở. Nó không chỉ đơn thuần là khung trời nhỏ bé qua khung cửa với mây trôi, gió bay mà ở đó luôn rộn ràng những âm thanh của cuộc sống, có những con người thầm lặng, bình dị nhưng làm người khác luôn nhớ và kính trọng bởi trái tim nhân hậu, biết rung cảm trước nỗi đau, nỗi buồn của cuộc đời. Tôi đã gặp và tìm thấy điều đó ở họ từ những điều nhỏ nhặt nhặt nhất.

Ngày nào cũng như ngày nào, đi qua con đường Đinh Tiên Hoàng quen thuộc, tôi đều gặp bác. Dường như tôi đã quen với hình ảnh bác nhỏ bé bên chiếc xe Honda cũ của mình dù trời mưa to hay nắng gắt, sáng sớm hay đã về chiều. Thật ra bác tên thật là Nguyễn Hữu Thắng, 59 tuổi, quê ở Thạch Hà nhưng chúng tôi vẫn thường gọi bác với cái tên thân mật và quen thuộc: bác xe ôm. Tuần vừa rồi, chúng tôi được nghỉ lễ 2/9, rồi cả tuần sau đó cũng được nghỉ học. Thế là tôi thu xếp mọi thứ để xuống Vũng Tàu thăm dì và ghé qua Đồng Nai thăm em trai đang làm việc ở đó. Hẹn bác xe ôm 6 giờ có mặt ở ngã 5 Đại học đón tôi ra bến xe sớm. Bác cười hiền: “4 giờ rưỡi bác đã ở đó rồi cháu’’. Nói thế nhưng mới 6 giờ kém bác đã gọi hỏi tôi chuẩn bị xong chưa. Tôi ra và lên xe đi ra bến xe, bác đã kể cho tôi nghe những câu chuyện thú vị suốt dọc đường đi. Bác kể bác là bộ đội vào đây đóng quân từ trước những năm 1965, sau đó ở lại đây xây dựng gia đình và lập nghiệp luôn. Giờ bác đã về hưu, các con cũng đã lớn; hai anh chị đầu thì đã có gia đình chỉ còn cô con gái út đang học năm cuối dưới Sài Gòn. Tôi thắc mắc:

– Sao bác không chọn công việc khác cho đỡ vất vả, bác?

Bác cười cười:

– Bác cũng già rồi, chạy xe thế này không cần vốn lại tự do con à. Mình mệt cũng có thể nghỉ, chịu khó một chút kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Bác chỉ mong sao mấy đứa con của bác trưởng thành và hạnh phúc, thế là bác mừng. Xa gia đình vất vả con nhỉ nhưng cố lên con. Ai cũng cần phải như thế mới lớn khôn được.

Ngã 5 đại học Đà Lạt (Ảnh: Nguyễn Trần Bình)

Tôi ‘‘Dạ” trả lời bác mà thấm thía tấm lòng cha mẹ luôn nghĩ cho con, hi sinh vì con cái. Và tự nhắc nhở mình phải luôn cố gắng hết sức để không phải hối tiếc vì mình đã chưa hết sức và không phụ công ơn của cha mẹ. Ở trường học có thầy cô cho mình những kiến thức, và tôi học hành không đến nỗi tệ. Còn trường đời tôi chỉ là cô học trò nhỏ mà thôi, và ai cũng có thể là thầy của mình, ai cũng có những điều tốt đẹp đáng cho ta học hỏi . Và tôi đã gặp những con người như thế, họ đến và đã thật sự bước vào cuộc sống của ta khiến ta thay đổi và chẳng thể nào quên.

*

Ba ngày ở Vũng Tàu thật là vui. Vũng Tàu đẹp và thật dễ chịu với ngày nhiều nắng, đêm bên bờ biền lung linh những ánh đèn, gió từ biển thổi vào mát rượi.

Sáng ngày 9 tháng 9, tôi bắt xe đi Đồng Nai, ghé qua khu công nghiệp Bảy Lầu ở Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai thăm cậu em trai đang làm ở đó. Sau một hồi hỏi đường, đi tới đi lui và suýt bị lạc đường, tới hơn 10 giờ trưa tôi cũng đã yên vị trong căn phòng nhỏ cuối dãy trọ. Ở cùng phòng với em tôi còn có hai người nữa: anh Quyền(25 tuổi) anh Bích (26 tuổi) quê đều ở Đức Thọ, Hà Tĩnh. Tôi đã có nói chuyện với hai anh qua điện thoại nhưng hôm nay mới có dịp gặp. Ngồi uống nước và ngồi nghỉ một chút cho đỡ mệt. Tôi đưa mắt nhìn căn phòng nhỏ của ba anh em đập vào mắt tôi là chiếc va li đang mở, trong đó có rất nhiều sách. Nhìn ánh mắt tò mò của tôi, anh Quyền giải thích:

– Sách anh đấy, bữa nay chuẩn bị nghĩ việc nên anh sắp xếp lại cho gọn.

Căn phòng không có mấy đồ vật có giá trị ngoài chiếc xe đạp đang dựng ở góc phòng và chiếc quạt đang quay tít ở trên tường. Ở góc phòng là kệ chén bát và chiếc bếp nhỏ, một dãy quần áo treo sát tường gọn gàng, phẳng phiu. Tôi đoán chủ nhân của căn phòng chắc hẳn là người gọn gàng ngăn nắp và giản dị lắm. Anh Bích còn cười bảo:

– Đã hai năm rồi anh ở đây đi đâu chẳng thèm khóa cửa vì trộm có vào cũng chẳng có gì mà lấy.

Tôi hỏi sao các anh không sắm cái ti vi mà xem cho đỡ buồn. Anh nói như phân bua:

– Bọn anh có xem cũng chỉ xem bóng đá thôi, phòng bên cạnh cũng có rồi bọn anh toàn sang đó xem thôi, đông mới vui chứ phim thì chẳng bao giờ xem. Mà có nhiều thứ còn cần hơn em à, làm công nhân vất vả mà lương chẳng có bao nhiêu. Ngày qua ngày rồi chẳng biết ngày mai ra sao nữa’’.

Anh Quyền tiếp lời:

– Đầu tháng nhận lương còn vui vui, rồi bao nhiêu thứ phải lo, còn giúp đỡ gia đình nuôi đứa em đang đi học ở thành phố, cuối tháng lại có khi đói’.

Tôi chợt hỏi:

– Thế anh định ở đây làm việc lâu dài à?

Anh nhìn xa xăm:

– Không, anh đang xin nghỉ việc ở công ty và đã đăng kí học trung cấp cơ khí ở Bình Dương rồi, giờ đang làm thủ tục lấy tiền bảo hiểm lao động, chẳng là bao nhưng đủ để đóng học phí. Chắc học xong anh về quê xin việc, chẳng ở đâu bằng nhà mình, quê mình em nhỉ! ở đây đói no ốm đau chẳng ai biết nhiều khi tủi thân lắm…

Có lẽ trong tâm tư suy nghĩ của người con xa quê đang từng ngày lao động chăm chỉ nơi đất khách quê người. họ luôn hướng về quê hương nơi mình đã sinh ra với nỗi lòng tha thiết nhất.

Chiều hôm đó trời mưa thật to, rơi ào ào trên mái tôn mà mãi chẳng dứt. Mấy anh em đang ngồi ăn cơm, đang vui chuyện thì anh Bích bảo:

– Giá mà giờ có canh rau muống với cà pháo thì tuyệt cú mèo, anh thèm quá!

Nghe anh nói mấy anh em không nhịn được cười. Anh làm như lâu lắm rồi anh không được an uống no đủ. Anh giải thích:

– Anh ăn cơm công ty mãi cũng chán, chỉ thèm bữa cơm nhà ấm cúng, lâu lắm rồi mới ăn bữa cơm ngon thế này.

Vui chuyện anh còn vui vẻ khoe:

– Hơn nửa năm rồi không về nhà chắc thằng em út cao to đẹp trai hơn ông anh của nó rồi, vừa rồi nó được học sinh giỏi huyện đấy và cứ bảo lúc nào anh về phải có quà cho em.

Nhìn anh lúc này thật hạnh phúc. Nếu như chưa biết các anh và không biết những tâm tư của các anh thì có ai biết đằng sau vẻ ngoài ngang tàn bất cần ấy là những tâm hồn cô đơn, khát khao đến cháy bỏng một mái ấm gia đình ấm cúng đến thế. Những mơ ước ấy thật giản dị nhỏ bé nhưng lắng sâu đến vô cùng.

Tối hôm đó, mấy anh em trò chuyện đến tận khuya mới chịu đi ngủ. Tôi được mọi người nhường cho tôi căn gác phía trên, còn mấy anh phải trải chiếu giữa nhà nằm ngủ tạm.

Sáng ngày 10 tháng 9 cậu em trai đã xin nghỉ làm một hôm đưa tôi đi chơi cả buổi sáng. Gần trưa chúng tôi vào tiệm ảnh gần đó chụp mấy “pô” làm kỉ niệm. Sau khi đã đổi bao nhiêu tư thế cho hợp và đẹp, cười ngoác cả miệng, chúng tôi đã rất hài lòng vì có trong tay những tấm hình mà tôi đùa rằng “đã đẹp mê li rồi”. Chiều hôm đó phải chia tay mọi người để còn kịp chuyến xe chiều về Đà Lạt, có lẽ ai cũng có một tâm trạng nhất định. Tôi vừa lưu luyến vì mới thân với các anh một chút đã phải xa, vừa tin tưởng rằng sẽ còn gặp lại nhau nữa. Thấy tôi buồn buồn, anh Quyền quàng tay ôm tôi cười tươi:
– Em học cho tốt nha, tết về quê anh em mình còn gặp lại nhau mà, về tới nơi nhớ báo cho tụi anh biết.

Những vệt nắng cuối chiều loang lổ như đang nhảy múa trên đường, một chút buồn cũng đã len lén len vào lòng mỗi người chúng tôi. Xe chuyển bánh, tôi nhìn lại bóng các anh nhỏ dần, nhỏ dần rồi mất hút… Gió ngoài xe thổi vào làm những sợi tóc vướng trên vai bay bay. Tôi miên man với dòng suy nghĩ của riêng mình. Chuyến đi đã để lại trong tôi những hồi ức đẹp và cho tôi thật nhiều suy nghĩ, những gì tôi chiêm nghiệm được thật có ý nghĩa, ít nhất là riêng với bản thân tôi. Tôi đã nghiệm ra rằng: Quan trọng không phải là người ta đã khởi đầu, đã xuất phát từ đâu mà những con người đó đã bước đi trên con đường mình lựa chọn như thế nào. Họ đã làm được những gì và đã cố gắng tới đâu. Theo tôi điều đó quan trọng hơn nhiều. Để làm một người lương thiện sống có ước mơ, làm một người tử tế chắc hẳn phải khó hơn nhiều so với làm một bác sỹ hay kĩ sư. Đã có ai đó nói rằng: “thành công không phải những gì ình làm ra, mà là những gì mình để lại”. Sông tích cực được như những người mà tôi đã gặp,biết bỏ qua hoàn cảnh khó khăn hiện tại của mình để vươn tới những điều tốt đẹp hơn. Đó cũng là thành công.

Trong đêm những tiếng tít tít…tít… kéo dài làm cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi. Đầu dây bên kia vang lên giọng trầm ấm quen thuộc: “Em ngủ chưa đó, có mệt lắm không? Cứ ngủ một giấc tới sáng mai là đến nơi ấy mà. Cả phòng chúc em ngủ ngon nha’’. Tôi mỉm cười. Ngày mai thức giấc chắc tôi đã khác hơn tôi ngày hôm nay nhiều rồi… Nghĩ thế, mi mắt tôi từ từ khép lại, nụ cười hình như đang theo tôi vào giấc ngủ .

Đà Lạt 15 tháng 9,năm 2010

Nguyễn Thị Hằng
Lớp VHK32, ngành Văn hóa học, ĐH. Đà Lạt

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.