Tổ chức xã hội truyền thống của người Khmer ở Tây Nam Bộ – Kỳ 3

0
1148

Quan sát tham dự tại cộng đồng (1)


Để có một cái nhìn khách quan và toàn diện về bối cảnh mà qua đó giải thích được những vấn đề mà tôi nghiên cứu, tôi thực hiện quan sát tham dự tại gia đình nhà bác T. Kiêng , là một trong những Mê Wện (trưởng Wện). Tôi muốn tạo sự thân thiết hơn với bác, và từng bước với bằng nhiều phương pháp khác nhau để thu thập những dữ liệu cần nhất cho bài nghiên cứu. Mặc dù thời gian chỉ vỏn vẹn chưa đầy một ngày (từ 8h sáng cho tới 6h chiều) nhưng tôi và Đ đã thực sự “sống với họ” trong chính cuộc sống của họ. Kết quả cuối cùng (cũng là mong muốn của chúng tôi) là thực hiện cuộc phỏng vấn sâu vào cuối ngày, sau khi công việc của mọi thành viên trong gia đình đã hoàn tất.
“Tôi đã thực sự “sống với họ” trong chính cuộc sống của họ” 
(Ảnh minh họa – Nguồn: Internet)
Thứ 2, ngày 30 tháng 05 năm 2011 có thể nói là ngày tuyệt với nhất của tôi trong chuyến đi thực tế này. Theo lịch trình đã dự tính cho ngày hôm nay, sau khi ăn sáng, tôi dành một ngày để tham gia vào những sinh hoạt trong một gia đình mà tôi đã chọn là một trong những đối tượng nghiên cứu chính của tôi.

Trời nắng ngay từ buổi sáng sớm, mặc dù tối qua mưa tầm tã. 8h30’, tôi đến nhà bác T. Kiêng. Không có chú ở nhà, chỉ thấy bác Thiêng (vợ bác T. Kiêng) đang ngồi đan rổ và hai đứa trẻ là cháu gọi bác là ngoại đang ngồi gần bên. Đứa thì nghịch nan tre, đứa thì bốc đất. Bác nói, bên trong có Ngiên và Thanh là hai con gái út của cô. Hôm nay, bác không có nhà vì mới ra ruộng rồi. Bác nói “chú ra ruộng làm đất chuẩn bị xạ lúa”. Sau khi ngoái đầu vào trong nhà để chào hết mọi người, tôi ngồi xuống bên cạnh bác. Mặc dù chẳng biết chút nào tới chuyện đan lát, nhưng sự tò mò của tôi cộng với sự hướng dẫn của bác Thiêng tôi cũng dần dần gọt được những mảnh tre thô sơ thành những chiếc nan dài để đan dù chưa được mượt mà là mấy, nhưng bác nói “Zậy là cũng tốt rùi”. Bác còn cho tôi biết là việc đan lát này bác thường làm lúc rảnh rỗi. Mỗi ngày làm như thế này cũng kiếm được năm chục nghàn, đủ cho đi chợ trong ngày. Một ngày chi phí cho một gia đình gồm bốn người lớn và hai cháu nhỏ chỉ vậy thôi sao? Tôi thắc mắc và sẽ cố gắng giải đáp thắc mắc của mình trong ngày qua việc sẽ cùng tham gia một số hoạt động và sinh hoạt thường ngày của gia đình.

Thanh (con gái út trong gia đình sinh năm 1994) cũng bước ra, có bộ dạng mới tắm xong. Tôi chưa kịp hỏi thì đã vui vẻ kể rằng “em mới đi bắt cá ở ngoài mương về”. Tôi cảm thấy thích thú vì chuyện này, chỉ có ở quê mới có chuyện này, hỏi tiếp Thanh đáp lại rằng “chỉ bắt được một ít cá nhỏ thui, trưa nay anh ở lại ăn cơm”. Tôi mừng thầm vì có thể nhận lời để thực hiện một ngày như đã định. Thanh còn nói tiếp, hôm nay Thanh và Ngiên (chị gái Thanh sinh năm 1992) không bận gì và muốn dẫn chúng tôi (tôi và Đ) đi chơi, bởi theo những gì chúng tôi nói thì gia đình họ cũng biết là chúng tôi sắp kết thúc chuyến thực tế rồi. Tôi đồng ý, và Ngiên cho biết là sẽ dẫn chúng tôi tới nhà ông ngoại đã 106 tuổi, người lớn tuổi nhất trong vùng này. Thật thú vị, tôi đã nhận lời và đi luôn.

9h15’ cũng chỉ 200m từ nhà bác T. Kiêng, cùng với Đ, Thanh, Ngiên có mặt tại nhà ông T. Kiêm, ông ở với Cô Út. Khi chúng tôi vào tới sân thì trông thấy ông đang ngồi trên một chiếc ghế đan bằng nhựa trước một đống thóc đã được tãi ra trên một tấm bạt màu xanh. Cô Út cho biết là ông già rồi, chẳng làm được gì nên đang ngồi đó cho mấy con gà nó sợ mà không ăn lúa để chuẩn bị đêm xạ ngoài đồng. Ở đây bắt đầu vào vụ nên nhà ai cũng chuẩn bị cho việc xạ lúa. Mặc dù  biết rằng ông chỉ biết vài từ tiếng Việt thôi nhưng chúng tôi vẫn tự tin khi có Thanh và Ngiên – hai cô bé mới  đậu lớp 12 – đi cùng, chắc chắn họ sẽ là thông dịch viên cho tôi và Đ. Hai bạn mời ông vào nhà để chúng tôi gặp. Sau khi giới thiệu với ông chúng tôi nhanh chóng hòa được vào cuộc nói chuyện bởi chúng tôi tới đây như những đứa bạn của cháu ông để chào và hỏi thăm sức khỏe ông. Tôi cũng tranh thủ hỏi ông một chút về vấn đề của mình nghiên cứu. Khi tôi hỏi tới Phum, Sroc, ông cũng cung cấp cho tôi một số thông tin, nhưng vì ông đã lớn tuổi nên tôi không dám làm phiền nhiều mà đa số chỉ ngồi trò chuyện vui với mọi người cùng ngồi đó. Ngồi được một lát thì có một bà bán bánh đi qua, tôi  mua 20 cái bánh bột lọc để cùng với mọi người ăn cho vui. Được một lát, bác Thiêng qua gọi chúng tôi về để ăn cơm. Chào ông và gì Út chúng tôi ra về.

(Còn tiếp)

Kiều Văn Tịnh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.