Bối cảnh giao lưu văn hóa giữa cộng đồng người Khmer với các tộc người khác ở Trà Vinh.
Theo cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009, hiện nay, tổng dân số Khmer ở Trà Vinh là 317.230 chiếm tỉ lệ 31,62% tổng dân số của toàn tỉnh Trà Vinh. Bên cạnh đó, người Hoa có dân số 7.690 chiếm 0,76% và người Chăm với 163 người chiếm 0,016% dân số của Tỉnh. Các dân tộc Việt, Khmer, Hoa, Chăm đã tụ cư lâu đời ở tỉnh Trà Vinh, do vậy đã nảy sinh quá trình gặp gỡ, giao lưu, tiếp thu, loại trừ và chọn lọc những yếu tố văn hóa chung và riêng của từng tộc người để hòa hợp và phát triển.
Các dân tộc Việt, Khmer, Hoa, Chăm đã tụ cư lâu đời ở tỉnh Trà Vinh, do vậy sẽ nảy sinh quá trình gặp gỡ, giao lưu, tiếp thu, loại trừ và chọn lọc những yếu tố văn hóa chung và riêng của từng tộc người để hòa hợp và phát triển.
(Ảnh minh họa-Nguồn:Internet)
Xét về sinh hoạt kinh tế, người Khmer và người Việt đều có truyền thống làm nông nghiệp. Trên cùng một địa bàn tự nhiên, họ đã cùng nhau chia sẻ từ những kinh nghiệm, công cụ, hạt giống đến các cách thức canh tác… Người Khmer đã tìm ra hàng trăm giống lúa cổ có sức chịu mặn, chịu phèn tốt. Người Việt đã đào hàng ngàn kilomet kênh mương lớn nhỏ, tháo cạn đầm lầy. Người Hoa tổ chức các trung tâm trao đổi, buôn bán các loại nông sản. Từ sự kết hợp đó, các tộc người đã cùng phát huy thế mạnh của riêng mình vào việc phát triển kinh tế của cả vùng.
Thông qua trao đổi các phương thức kinh tế, các tộc người có xu hướng xích lại gần nhau, tạo ra các giao lưu trên nhiều phương diện văn hóa khác như văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần, các loại hình văn học dân gian và nghệ thuật.
Trong các tập tục mai táng, chôn cất người chết, nhiều người Việt và người Hoa sống cạnh người Khmer cũng hỏa thiêu và gửi tro cốt vào các tháp trong các ngôi chùa của người Khmer. Ngược lại, nhiều người Khmer sống gần người Việt và người Hoa lại chuyển sang chôn người chết.
Một số nơi của tỉnh Trà Vinh như thành phố Trà Vinh, chùa Mỏ Neo (huyện Châu Thành), có nhiều người Việt và người Hoa cùng đón Tết Chol Chnamthmay của người Khmer, và người Khmer cũng đón Tết Nguyên Đán của người Việt và người Hoa.
Sự giao lưu văn hóa còn thể hiện qua một số hiện tượng như song ngữ và tam ngữ. Nhiều người Khmer, trừ những người già, đều nói được tiếng Việt như tiếng phổ thông trong quan hệ xã hội, nhiều người Hoa cũng nói được tiếng Việt và tiếng Khmer. Người Việt nói tiếng của Hoa và người Khmer cũng không hiếm, nhất là đối với những gia đình Việt, Hoa, Khmer có quan hệ với nhau về hôn nhân. Trong cuộc sống sinh hoạt, họ có thể chuyển nhanh từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ kia một cánh tự nhiên.
Sự giao lưu về tín ngưỡng tôn giáo trong các tộc người cũng được thể hiện rõ nét. Trước đây việc thờ cúng của người Khmer chỉ được tập trung trong chùa, nhưng trải qua thời gian tiếp xúc lâu dài với người Việt và người Hoa, người Khmer hiện nay cũng lập bàn thờ ông bà trong nhà. Trước đây, bàn thờ Phật của người Khmer thường quay về hướng mặt trời mọc, nhưng ngày nay, họ thường làm bàn thờ Phật ở chính giữa nhà, đi vào cửa là nhìn thấy giống như người Hoa. Có nhiều trường hợp trong nhà của người Khmer có cả bàn thờ Quan Thế Âm Bồ Tát và Quan Công. Điều đó chứng tỏ họ đã tiếp thu những yếu tố tín ngưỡng của người Việt và người Hoa. Ở một số xã của huyện Tiểu Cần – tỉnh Trà Vinh như: Hiếu Trung, Hiếu Tử… ta thấy ở bên ngoài, trước sân, phía đối diện với cửa nhà của người Việt, Khmer, Hoa đều có lập bàn thờ ông thiên. Tục cúng thầy pháp của người Việt cũng gần giống với tục cúng Arặc của người Khmer; hay tục thờ Bà Mẹ Sanh của người Hoa và người Việt cũng giống với tín ngưỡng Mđai Đơm của người Khmer. Một hiện tượng thường thấy ở Trà Vinh là Miếu Bà Thiên Hậu, miếu Ông Bổn, miếu Ngũ Hành của người Hoa được xây cạnh chùa của người Khmer hay bên cạnh chùa Tịnh độ cư sĩ của người Việt, đôi khi còn xen kẽ cả với những nhà thờ Công giáo.
Không chỉ trên lĩnh vực kinh tế, tín ngưỡng tôn giáo, cả các trong lĩnh vực văn học dân gian, sân khấu, ca múa cũng có sự giao lưu rõ nét giữa các tộc người. Truyện cổ tích của người Khmer cũng có nhiều tình tiết giống như trong chuyện cổ tích của người Việt.
Nhìn chung, do đặc điểm tự nhiên của đồng bằng Sông Cửu Long, do cộng cư lâu dài, quá trình phát triển đa dạng của người Khmer là do những yếu tố văn hóa nội tại, cộng với những yếu tố văn hóa bên ngoài thông qua quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa với người Việt và người Hoa.
(Còn tiếp)
Nhóm tác giả