Việc hiếu nghĩa của người Khmer (kỳ 1)

0
871
  Lời nói đầu
Lịch sử và nguồn gốc của người Khmer ở Nam bộ là những vấn đề quan trọng đặt ra với những nhà quản lý văn hóa. Trà Vinh là một tỉnh có sự cộng cư của nhiều tộc người khác nhau, đặc biệt là ba tộc người Việt, Hoa và Khmer. Trong môi trường đa tộc người như vậy, sự giao lưu và tiếp biến văn hóa là một quá trình tất yếu.
Văn hóa của người Khmer ở Trà Vinh chịu nhiều ảnh hưởng của các tôn giáo như Bà la môn giáo và Phật giáo Nam tông. Tuy nhiên, để làm nên một văn hóa của người Khmer thống nhất thì phải kể đến cả những yếu tố văn hóa bản địa của chính họ đã tạo ra trong quá trình lịch sử, cộng thêm những yếu tố văn hóa có được do tiếp nhận của các tộc người cùng cộng cư trên mảnh đất Trà Vinh như người Việt, người Hoa…
(Ảnh minh họa-Nguồn: Internet)
Vấn đề “đạo hiếu” được nói đến rất nhiều trong tư tưởng của Nho gia và ảnh hưởng rất lớn trong đời sống của tộc người Việt ở Việt Nam. Thậm chí nó đã được thể chế hóa thành chuẩn mực đạo đức. “Hiếu” là bổn phận của con cái đối với cha mẹ, như Khổng Tử đã nói: “Khi cha mẹ sống thì theo lễ mà phụng sự cha mẹ, khi cha mẹ chết thì theo lễ mà an táng, và khi cúng tế cũng phải theo đúng lễ”. Bên cạnh đó, chữ “hiếu” cũng được nhắc nhiều trong quan niệm của Phật giáo Nam Tông.
 Qúa trình hình thành cộng đồng người Khmer ở Trà Vinh.
Trà Vinh là một trong 13 tỉnh của Đồng Bằng Sông Cửu Long, do vậy lịch sử hình thành của tỉnh này gắn liền với lịch sử của toàn vùng.
Đồng bằng Sông Cửu Long là một đồng bằng “trẻ” hơn so với nhiều đồng bằng khác ở Việt Nam. Theo nhà địa lý Lê Bá Thảo, cách đây khoảng 2500 năm, dưới sự che chở của các cồn cát duyên Hải, của đồi núi miền Đông Nam Bộ phía Bắc và dãy Đậu Khấu ở phía Tây Nam, vịnh biển vùng sông Cửu Long được lấp dần. Đồng bằng Sông Cửu Long dần vượt lên trên so với mực nước biển. Cách nay khoảng 2000 năm, đồng bằng Sông Cửu Long về cơ bản đã được hình thành.
Ngay từ thời cổ đại, đã có những nhóm cư dân đầu tiên sinh sống ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, trên một số nơi như: các giồng cát có nước ngọt ven biển như Trà Vinh, Vĩnh Châu, Sóc Trăng; các vùng núi như An Giang. Tuy là một đồng bằng non trẻ, nhưng ngay từ những thế kỷ đầu công nguyên, công cuộc khai phá của cư dân ở đồng bằng Sông Cửu Long đã đạt tới mức đột phá dưới sự phát triển rực rỡ nền văn hóa Óc Eo.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, văn hóa Óc Eo là đại diện của Vương quốc Phù Nam vào thời kỳ cực thịnh. Đó là nền văn hóa rất đa dạng, phong phú, có trình độ phát triển cao. Theo các nhà khảo cổ học, nền văn hóa này được hội tụ bởi hai truyền thống là: văn hóa Đồng Nai bản địa và văn hóa Ấn Độ. Nhưng từ thế kỷ thứ VIII sau Công nguyên, văn hóa Óc Eo bắt đầu tàn lụi. Các công trình của nền văn hóa Óc Eo bị chôn vùi trong lớp đất phèn mặn của Đồng bằng Sông Cửu Long. Như vậy, chủ nhân của nền văn hóa Óc Eo không phải là những cư dân Khmer ở Nam bộ. Có nhiều ý kiến cho rằng, chủ nhân của văn hóa Óc Eo là những cư dân thuộc nhóm Mã Lai Đa Đảo cổ và những cư dân thuộc văn hóa Đồng Nai bản địa.
Sự lụi tàn của văn hóa Óc Eo có nhiều nguyên nhân, trong đó có hai nguyên nhân quan trọng là: Sự xâm lược của nước láng giềng Chân Lạp và Vương quốc Phù Nam bị tan rã. Tiếp theo là từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ thứ X, mực nước biển ở đồng bằng Sông Cửu Long dâng cao, gây ra lụt lội vùi lấp những thành tựu của nền văn hóa Óc Eo. Từ thế kỷ thứ VIII, đồng bằng Sông Cửu Long chỉ là một vùng hoang vu, không có người ở. Cho đến thế kỷ thứ X, nước biển mới dần rút đi để lại những giồng đất đai màu mỡ.
Từ thế kỷ thứ XII, những người Khmer ở Campuchia do muốn trốn tránh sự áp bức, hà khắc của các vương triều Ăngco, nên một bộ phận lớn cư dân đã di cư sang các vùng đất của Đồng bằng Sông Cửu Long để mưu sinh. Từ những ngày đầu đến vùng đất này, những người Khmer đã đến những giồng cát lớn, quần tụ thành những vùng dân cư tập chung.
Cũng theo Nguyễn Khắc Cảnh thì Trà Vinh là một trong những khu vực cộng cư sớm nhất của người Khmer ở Nam bộ: Đến cuối thế kỷ thứ XV đầu thế kỷ thứ XVI, Đồng bằng Sông Cửu Long đã hình thành ba vùng dân cư tập trung của người Khmer, đó là: Vùng Sóc Trăng – Bạc Liêu – Cà Mau; vùng An Giang – Kiên Giang; và vùng Trà Vinh – Vĩnh Long.
Như vậy, người Khmer ở Đồng bằng Sông Cửu Long và người Khmer ở Campuchia là những nhóm tộc người có chung nguồn gốc lịch sử, có ngôn ngữ gần gũi và nhiều đặc trưng văn hóa tộc người. Nhưng do sống tách biệt trong khoảng thời gian dài, và với những vùng địa lý, lịch sử khác nhau, cho nên người Khmer ở Trà Vinh và Nam bộ đã hình thành nên những đặc trưng văn hóa riêng biệt so với tộc người Khmer ở Campuchia.
Theo số liệu thu được từ Cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009 được thực hiện bởi Tổng cục Thống kê Việt Nam thì người Khmer ở Trà Vinh có tổng số 317.230 người, chiếm 25,16% trong tổng số 1.260.640 người Khmer ở Việt Nam, chiếm 26,8% so với 1.183.476 người Khmer ở Tây Nam Bộ. Như vậy, có thể nói, Trà Vinh là một trong số những tỉnh có đông người Khmer sinh sống.
(Còn tiếp)
Nhóm tác giả

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.