Khi còn nhỏ, cũng như bao đứa trẻ cùng trang lứa khác, tôi cũng say sưa với mấy cái trò trẻ con như bắn bi, chơi hình, đá bóng… và đặc biệt là thả diều. Cứ mỗi chiều thứ bảy và chủ nhật, tôi lại xếp những cánh diều, thả chúng bay thật cao, mang theo hoài bão của mình để gió cuốn đi thật xa. Và khi nó tìm đến một chân trời mới, nó sẽ thắp lên một hi vọng đang trỗi dây trong tôi.
Đọc báo, đó là điều tôi yêu thích khi bắt đầu tìm quen với các con chữ. Một lần vô tình, tôi thấy tên của một phóng viên trùng tên với mình, và tôi khao khát một lần nào đó, tôi cũng sẽ như người phóng viên đó, cũng sẽ được in hằn tên mình trên nền giấy trắng muốt kia. Và rồi 12 năm học phổ thông trôi dần qua, cái thời cắp sách, sơ mi trắng, quần tây xanh, dép quai hậu cũng chỉ còn lại kỉ niệm. Ngày cuối cùng nộp hồ sơ đăng ký thi đại học, tôi chỉ nộp duy nhất 1 hồ sơ: khối C, khoa Báo chí, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Nhưng chỉ với 16.25đ, dường như giấc mơ từ nhỏ là một điều xa xỉ với tôi lúc đó. Buồn, bẵng đi một tháng, tôi suy nghĩ rất nhiều: học ôn thi lại hay đăng ký nguyện vọng 2. Nhưng rồi một hôm tôi vô tình nhận ra rất nhiều điều sau khi đọc được một câu nói in trên tờ lịch trong nhà: “Mỗi con đường có nhiều lối để thông ra, cái quan trọng hãy tìm cho mình lối ra nào ngắn và dễ đi nhất”. Và như một niềm hi vọng mới, tôi tìm hiểu và không ngần ngại đăng ký xét tuyển vào Nhân học. Và như cái duyên mà tôi gặp phải, Nhân học trong tôi đã bắt đầu.
Thả diều, bay theo gió! |
Nhân học là gì? Học cái gì? Không biết có cơ hội tốt để làm phóng viên được không? Đó là những gì mà tôi luôn tự hỏi chính bản thân của mình suốt cả năm học đầu tiên. Nhưng rồi dần qua năm 2, những câu hỏi đó tôi đã tự trả lời cho mình.
Ngoài những gì tôi đã được học cơ bản trên lớp, Nhân học còn cho tôi những suy nghĩ tích cực hơn trong cuộc sống, những cảm nhận mà chỉ có thể là Nhân học mà thôi. Rồi cứ thế, cái luồng suy nghĩ ấy trong tôi lại được cải thiện rất nhiều. Rồi cứ thế, tôi đã có thể nhìn cuộc sống với nhiều màu sắc hơn.
Rồi cứ thế, tôi đã tìm thấy cho mình một chút buồn trong sớm bình mình mới lên, một chút vui trong chiều hoàng hôn buông xuống. Và cũng trong Nhân học, tôi tìm thấy cho mình những hình ảnh của những người thầy, người cô không chỉ tận tình với học trò của mình và còn rất tâm huyết với khoa.
Tôi tìm thấy niềm vui trong cuộc sống thường ngày mà không thể nào tôi quên: những đêm quân sự không ngủ cùng với đám bạn trong phòng; quen dần với cái nắng gay gắt của Sài Gòn những ngày mưa cùng với đám bạn khi lang thang ra về sau một ngày học; cảm nhận được sự hết lòng vì lớp của anh Đệ lớp trưởng lớp tôi… Điều đáng quý hơn, tôi tìm thấy trong Nhân học một lí lẽ của cuộc sống: tình yêu thương con người là đáng trân trọng như thế nào.
Tôi đã biết cách tự đặt mình trong hoàn cảnh của những người nghèo trong cuộc sống để biết được cái vất vả mà họ đang gánh là khó khăn đến như thế nào. Qua đó, tôi thấy được sự sẻ chia, cảm thông bằng những hành động nhỏ thôi cũng sẽ giúp cho họ vững chân, đứng dậy và bước đi tiếp. Nhưng đó là chưa đủ khi tôi nhận ra 2 điều mà tôi quý trọng nhất.
Tôi đã không còn giận chính người cha của mình khi ông đã không ở bên tôi suốt 15 năm qua mà tôi cảm thông cho cuộc đời của ông, cảm thông cho cái số phận mà nó vẫn đeo bám ông cho đến bây giờ vì tôi nhận ra được một điều rằng ông đã cho tôi cuộc sống này, cho tôi cái nghị lực mạnh mẽ để vững bước chân khi không có ông bên cạnh.
Và cao cả hơn hết là tôi đang báo hiếu lại cho người mẹ của mình bằng việc cố gắng đạt được ước mơ của bà là vứt bỏ cái khó khăn cực nhọc mà bà đã nặng mang, cái đau khổ mà bà đã từng trải, vì chính những điều đó đã làm cho giọt nước mắt của bà đã đẫm quá nhiều hơi sương, cái làn da trắng trước kia đã phai màu theo thời gian như một bản nhạc, cứ lên rồi xuống vùi dập cuộc đời của bà một cách không thương tiếc.
Và bây giờ tôi phải cố gắng thật nhiều để đạt được khát vọng của bà. Và chẳng có cách nào hơn, tôi cũng sẽ phải yêu Nhân học thật nhiều, để rồi cảm nhận hết những gì trong đó như cảm nhận được hình ảnh của mẹ mình rồi tôi sẽ có thật nhiều động lực và ý chí để bước tiếp con đường của mà tôi đã mơ ước.
Còn bây giờ, tôi chỉ muốn ra biển, lại gấp những cánh diều, thả nó vào gió và dặn nó rằng: “Bay đi, tới một chân trời mới, nơi chứa đựng ước mơ của mi và khát vọng của ta, diều nhé! Nhưng đừng rời khỏi dây cương, vì ta muốn chắc rằng, ta sẽ kéo mi về lại bên ta nếu như cơn mưa chiều có ghé ngang qua đây vì ta không muốn cơn mưa kia sẽ xóa tan giấc mơ của ta và mi đang chờ đợi và khao khát bấy lâu nay”.