7 giờ sáng thứ bảy, ngày 14/4/2012, chúng tôi lên xe buýt đến Lái Thiêu, tham gia chương trình Du khảo khoa học do nhóm Nghiên cứu đời sống xã hội (tiền thân là Nhóm Nghiên cứu và Bảo tồn ký ức xã hội), Trung tâm tư vấn, hướng nghiệp và phát triển nguồn nhân lực trường Đại học KHXH&NV tổ chức.
Hơn một tiếng sau chúng tôi đã đến Lái Thiêu, xe buýt dừng ở một con đường đông đúc, buôn bán tấp nập và chẳng có dáng vẻ gì của một ngôi làng làm gốm lâu đời cả. Thế mà vừa bước vào một con hẻm nhỏ, chúng tôi như bước ngay vào một thế giới gốm. Con đường đất dưới chân lát bằng những mảnh gốm đập nhỏ, hai bên đường là từng hàng lu da lươn, chậu men sứ xanh, đen, trắng nhiều màu và cả nồi, niêu đất chất cao nghệu để làm … tường rào. Các căn nhà tường gạch đỏ, mái ngói thâm nâu xinh xắn nằm yên ả bên con đường đầy nắng. Chỉ có một khoảng cách nhỏ mà hai khung cảnh đã khác nhau hoàn toàn. Ngoài kia còn là phố xá mua bán tập nập, ở đây đã là làng gốm yên bình.
Chúng tôi được sắp xếp nghỉ tại xưởng gia công heo đất của cô Chi và bắt đầu hành trình tìm hiểu làng gốm. Hai nhóm sinh viên được hướng dẫn vào các xưởng làm gốm. Chúng tôi được tận mắt nhìn thấy tất cả các công đoạn của quy trình sản xuất lò đất, lu, chậu, heo đất và dồ gốm, thạch cao mỹ nghệ. Chúng tôi còn được rèn luyện kỹ năng tiếp xúc, phỏng vấn người dân, được các cô, các chú chỉ dẫn cặn kẽ từng công đoạn từ sản xuất đến bán hàng, nghe kể nhiều chuyện trong nghề. Trong các xưởng, sản phẩm đang chờ nung trải khắp trong nhà, ngoài sân, những người thợ làm không ngừng tay. Mọi người đều nói rằng ngày xưa làng gốm tấp nập lắm, các xưởng làm gốm trải dài từ đầu hẻm đến cuối làng, gốm Lái Thiêu xuất đi khắp miền Nam và ra tận miền Trung, giờ thì do ô nhiễm nên không còn nhiều nhà làm nữa, nhưng với chúng tôi, như vậy cũng đã thú vị lắm rồi. Một ấn tượng rất lớn khác là người dân ở đây rất dễ thương, chúng tôi đến nơi nào cũng được tiếp đón vui vẻ, những người chúng tôi gặp trên đường đều hỏi thăm rất thân tình.
Sinh viên được trải nghiệm nghề làm gốm
Sau khi nộp bài thu hoạch quá trình tìm hiểu, chúng tôi được tham gia vẽ heo đất. Thật thú vị khi xem những người thợ sơn heo đất, chỉ vài đường cọ, nét vẽ là một chú heo đất đáng yêu đủ màu xanh, đỏ, vàng đã ra đời. Chỉ mất chưa tới một phút. Nhìn có vẻ dễ nhưng thực ra làm thì không dễ chút nào. Chúng tôi phải loay hoay suốt nửa tiếng mới sơn xong một chú heo đất (tất nhiên không thể đẹp bằng các cô, chú làm rồi) nhưng ai cũng vui thích với sản phẩm của mình. Tiếng cười vang cả ngôi làng nhỏ yên bình. Chúng tôi còn được mua các sản phẩm gốm mỹ nghệ về làm quà và tất cả đều rẻ hơn chúng tôi nghĩ rất nhiều.
4 giờ 30, chúng tôi kết thúc chuyền đi, mang theo nhiều sản phẩm gốm cùng ấn tượng tốt đẹp về một chuyến đi thật vui và bổ ích. Tất cả mọi người cùng tham gia chuyến đi bây giờ đã là bạn thân thiết. Chúng tôi hẹn gặp lại nhau vào một chuyến du khảo sau.
4 giờ 30, chúng tôi kết thúc chuyền đi, mang theo nhiều sản phẩm gốm cùng ấn tượng tốt đẹp về một chuyến đi thật vui và bổ ích. Tất cả mọi người cùng tham gia chuyến đi bây giờ đã là bạn thân thiết. Chúng tôi hẹn gặp lại nhau vào một chuyến du khảo sau.
Một số hình ảnh về chuyến đi :
\
Chương trình Field Trip , du khảo khoa học – học từ cuộc sống tổ chức thường xuyên vào thứ 7, CN hàng tuần.
Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
Nhóm Nghiên cứu đời sống xã hội (Sociallife)
Phòng C001, ĐH KHXH&NV, 10 – 12, Đinh Tiên Hoàng, Quận 1
ĐT: 08 3910 2989 – Email: Sociallife.study@gmail.com
|
Ca Dao