Nhật ký điền dã: chuyện về đời sống công nhân (6)

0
790

BTKUXH – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng không thể lường hết những khó khăn mà công nhân ngày nay đang gặp phải. Nếu như trước kia người công nhân Việt Nam còn có “hậu phương” là mảnh vườn, miếng đất… phòng kế mưu sinh thì người công nhân ngày nay đa phần phải rời xa quê hương đến tập trung tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong sự bơ vơ, thiếu thốn… và hành trang của họ chỉ là cuộc sống tạm bợ của lớp nghèo thành thị. BTKUXH xin chân thành cảm ơn tác giả Kim Liên đã chia sẻ tư liệu nhật ký điền dã về đời sống công nhân tại thành phố Hồ Chí Minh, nằm trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu các loại hình và cách thức tập hợp thanh niên công nhân vào sinh hoạt tập thể tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tại thành phố Hồ Chí Minh do ThS. Nguyễn Đức Lộc làm chủ nhiệm đề tài. Đây là những trang nhật ký được tác giả ghi lại vào tháng 03/2008, chúng tôi xin lần lượt đăng các bài của tác giả tạm lấy tên là: “Những câu chuyện về đời sống công nhân”.

Những câu chuyện về đời sống công nhân: Phần 6

Chủ nhật ngày 06 tháng 7 năm 2008

Do những trục trặc nên xảy ra những chuyện “ngoài ý muốn” làm cho việc liên lạc, tập hợp công nhân để làm thảo luận nhóm đã phải hoãn lại, vì thế, không thể tiến hành mọi việc theo kế hoạch đã dự định. Nên hôm nay, khi Duyên nhờ phụ làm với Duyên ở địa bàn quận 12 tôi đã nhận lời. Khoảng 16 tôi và Hảo lên đường đến quận 12, đường đi khá xa so với dự đoán của tôi, chúng tôi mất khoảng 1 giờ mới đến được nơi cần tổ chức thảo luận nhóm.  Đường dẫn vào khu nhà trọ là những ngôi nhà nhỏ, không được khang trang lắm, nhìn chung cuộc sống của người dân tại đây cũng có những nét tương đồng với những người dân ở Thủ Đức. Và tại đây, sẽ diễn ra 2 cuộc thảo luận nhóm song song nên cần phải có 4 người.

Tôi và Duyên chịu trách nhiệm làm cây vấn đề và biểu đồ Venn. Tôi nắm vững “biểu đồ Venn” nên được phân công làm công cụ này còn “cây vấn đề” thì Duyên thực hiện.

Tham gia thảo luận nhóm gồm có 7 công nhân, 5 nữ và 2 nam. Hôm này cô chủ nhà trọ có công việc phải đi nên không thể trực tiếp giúp đỡ chúng tôi, cô đã chỉ cho chúng tôi ngừơi có thể giúp đỡ cho chúng tôi tập hợp được công nhân, đó là chị … (công nhân lâu năm khu nhà trọ này). Sau một hồi hô hào, cuối cùng cũng đã tập hợp được số người cần thiết. Biểu đồ Venn được thực hiện đầu tiên, chúng tôi đã phải mất khá nhiều thời gian để giúp công nhân có thể nhìn thấy, có thể nhận ra những tổ chức, những cá nhân có tác động (tích cực và tiêu cực) đến cuộc sống của họ. Hình như đối với vấn đề này họ không hình dung ra được, khiến cho chúng tôi cũng không ít lần phải bối rối. Không khí thảo luận nhóm thì không được sôi động lắm, hầu như chỉ có một số ít thành viên tham gia vào cuộc thảo luận, những người còn lại thì không có ý kiến hoặc chỉ khi hỏi họ thì họ mới nói.

Sau khi hoàn thành biểu đồ Venn một cách hết sức khó khăn, chúng tôi tiếp tục thực hiện công cụ thứ hai là cây vấn đề. Tôi những tưởng đây sẽ là phần thuận lợi hơn vì dù sao những ngừơi tham gia thảo luận cũng đã làm quen với biểu đồ Venn rồi, nhưng không phải như vậy, chính vì đã biết cách thức thực hiện biểu đồ Venn nên các công nhân có xu hướng áp đặt cách hiểu và cách làm của biểu đồ Venn vào cây vấn đề, họ đã rất hay nhầm lẫn việc sắp xếp theo thứ tự ưu tiên trong khi cây vấn đề thì không áp dụng cách thức này, và chúng tôi đã phải rất nhiều lần nhắc nhở họ về điều này.

Do chưa có sự chuẩn bị tốt nên cây vấn đề bị thực hiện sai về nguyên tắc nên sau đó phải làm lại. Càng về cuối buổi thảo luận, không khí càng chùng hẳn, mọi người cũng chẳng ai muốn thảo luận nữa, nhưng họ đã rất nhiệt tình và chịu khó giúp đỡ cho chúng tôi hoàn thành hai cộng cụ PRA này. Âu đó cũng là kinh nghiệm cho bản thân tôi.

Kim Liên
(học viên Cao học ngành XHH, trường ĐH KHXH&NV TP.HCM)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.