Sự nghèo đói giống như tình trạng không có đất truyền từ đời cha sang đời con. Ông bà, cha mẹ họ ngày xưa vì hoàn cảnh gia đình khó khăn phải đi làm mướn cho người ta nên không được đi học hoặc phải bỏ học giữa chừng thì đến hôm nay, con cái của họ cũng không hơn gì. Qua dò hỏi người dân ở đây, tôi biết được có rất ít hộ gia đình nghèo có con học qua bậc tiểu học, hoặc có đi chăng nữa thì trong gia đình có năm sáu anh chị em thì chỉ để dành cho một người được đi học. Những lí do thường được bà con đưa ra là do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, em út đông phải bỏ học để đi làm giúp gia đình hoặc học không nổi phải bỏ học. Hiện nay, nhà nước đã có chương trình hỗ trợ dành riêng cho con em các gia đình dân tộc thiểu số, bằng cách cho các em được học trong các trường dân tộc nội trú và lo toàn bộ chi phí học tập và sinh hoạt cho các em. Tuy nhiên, ở các hộ gia đình nghèo, con em họ khó lòng để được hưởng sự ưu đãi này, vì các em thường không đủ điều kiện đạt loại khá trở lên để có thể vào trường.
“Qua dò hỏi người dân ở đây, tôi biết được có rất ít hộ gia đình nghèo có con học qua bậc tiểu học” (ảnh minh họa) – Nguồn: Internet
Hiện nay, con em các hộ nghèo không được quan tâm đến chuyện học hành không những vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn mà còn vì cha mẹ các em lên thành phố làm việc, bỏ con ở nhà cho ông bà nội ngoại lo. Bà Thạch Thị Lung có con đi thành phố Hồ Chí Minh làm việc cho biết:“Hai vợ chồng nó lên thành phố hết để con lại cho tôi coi từ nhỏ tới giờ, ngày nào tôi cũng dắt nó đi học rồi đến giờ lại dắt về”. Khi hỏi bà về việc dạy dỗ cháu trong việc học hành thì bà cho biết: “Tôi không có chữ nên đâu có biết dạy cho nó cái gì, trông nhờ vào cô giáo của nó hết.” (bà Thạch Thị Lung, 67 tuổi, phỏng vấn ngày 26/5/2010).
Về vấn đề này, chị Ngọc cũng nói: “Ngày xưa chị đi làm công nhân trên thành phố, mỗi tháng hai vợ chồng chị tích góp gởi về cho bà ngoại năm trăm ngàn để đóng tiền học và lo cho con trai chị. Sau một năm chị đi làm về, hỏi chữ gì nó cũng không biết, chị giận lắm, thấy làm ăn trên thành phố càng ngày càng khó khăn, nên hai vợ chồng chị bảo nhau về quê làm cũng lo cho con luôn chứ thấy để vậy hoài không được.” (chị Kim Bảo Ngọc, 29 tuổi, phỏng vấn ngày 23/5/2010).
Chị Ngọc ngày xưa học đến lớp 9 thì nghỉ học do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng chị đã phần nào nhìn thấy tầm quan trọng của việc học đối với tương lai của con cái chị sau này. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng nhận thức được như vậy, hoặc có biết cũng không thể làm gì được vì miếng ăn họ còn chưa lo được, huống hồ là chuyện học hành của con cái. Hiện nay, một số bố mẹ trẻ vì công việc của mình nên đã mang con theo lên thành phố, buộc con họ phải nghỉ học tại địa phương. Tình trạng này đang có xu hướng gia tăng do ngày càng có nhiều thanh niên lập gia đình bỏ quê lên thành phố kiếm sống.
Lưu Thủy
Các bài viết liên quan: