Mua hàng thời bao cấp

0
1939
Ai nghe qua chuyện mua hàng thời bao cấp có lẽ cũng biết đến tem phiếu và cuốn sổ lương thực. Chú T nói cho tôi biết, hồi còn bao cấp, cái gì có thể không có chứ cuốn sổ lương thực là không thể thiếu. Nó rất quan trọng vì ai có cuốn sổ đó thì mới được mua hàng. Tôi hỏi thêm về cách sử dụng cuốn sổ này thì được biết người bán hàng (đại diện cho nhà nước) sẽ dựa vào sổ để biết người mua hàng thuộc dạng chỉ tiêu nào, người đó được phép mua cái gì và mua bao nhiêu. Ngoài ra, bất cứ cái gì họ bán cũng đều được ghi hết vào sổ, từ cái lớn đến cái bé, thậm chí đến cả mắm muối cũng được viết vào.
Chú T kể hồi bao cấp không phải muốn mua cái gì, mua bao nhiêu hay mua lúc nào cũng được. Thường thì đến một ngày giờ nhất định nào đó, người dân mới có thể mua được hàng. Mỗi khi đến các đợt bán hàng, các hợp tác xã sẽ báo cho tổ dân phố biết. Sau đó, tổ dân phố sẽ báo cho người dân ở trong khu vực của mình. Nhiều khi, người dân cũng không cần nghe báo từ trên xuống, họ chỉ cần nghe tin đồn ở nơi nào có bán cái gì là đã rầm rì với nhau rồi vội vàng cầm sổ ra mua hàng. Ai cũng đi mua hàng trong sự khẩn trương, gấp gáp, bởi nếu chậm chân thì có thể hết hàng và không mua được. Việc bán hàng vào một giờ tập trung nhất định chứ không phải tự  do như bây giờ dẫn đến lí do vì sao mỗi lần mua hàng là mỗi lần dân chúng phải xếp hàng dài dằng dặc để chờ đợi. Chú T nói, nhìn thấy cảnh người dân xếp hàng dài chờ mua hàng phía dưới câu biểu ngữ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” mới thấy hai cái hình ảnh đó trái ngược nhau vô cùng. Cho đến khi nào người dân còn phải xếp hàng chờ đợi thì cái khẩu hiệu hô hào được treo trên đầu của họ thật phản nghĩa.
 “Cho đến khi nào người dân còn phải xếp hàng chờ đợi thì cái khẩu hiệu hô hào được treo trên đầu của họ thật phản nghĩa” (ảnh minh họa) – Nguồn: Internet
Về việc mua hàng, thông thường thì người dân chỉ được nhìn các mặt hàng từ xa. Nếu muốn mua mặt hàng nào, họ sẽ nhờ người bán hàng lấy ra cho họ. Chú T nói, mua hàng thời đó không tự do như đi siêu thị bây giờ. Bây giờ, mình được tận tay lấy món hàng mình thích chứ ngày đó không có chuyện dễ dàng như vậy. Hình như, hồi đó cái gì cũng thiếu thốn, đâm ra người ta không còn tin nhau. Hình như, người ta sợ nếu để người dân trực tiếp lấy hàng, không chừng cửa hàng sẽ bị mất vài ba món hàng gì đó.
Việc chờ đợi để mua được một hàng đã khó, việc sử dụng các mặt hàng đã mua như thế nào cũng là một khó khăn không kém. Những mặt hàng được mua theo chỉ tiêu chứ không phải theo nhu cầu nhiều khi cũng đem lại lắm cái dở khóc dở cười cho người dân. Chuyện mua bán bột mì tây là một ví dụ. Theo lời chú T kể, bột mì tây lúc bấy giờ là hàng viện trợ của quốc tế cho Việt Nam sau chiến tranh. Đáng ra, vì là hàng viện trợ nên nó sẽ được cấp phát miễn phí cho dân. Đằng này, nhà nước không phát mà lại đem đi bán. Hồi đó, người ta tính lương thực theo đầu người, mỗi người chỉ được mua theo số quy định. Nhà chú T có 9 người, cứ nhân theo đầu người, mỗi người mua được tối đa 2kg bột mì thì cả nhà có thể mua được tổng cộng 18kg. Thật ra, lúc đó nhà chú T không hề muốn mua bột mì mà là mua những thứ khác. Tuy nhiên, đúng vào đợt cửa hàng bán bột mì thì phải bắt buộc mua bột mì. Tình cảnh này không chỉ xảy ra ở mỗi gia đình chú T mà là tình cảnh chung của các gia đình khác. Nhưng mua 18kg bột mì về để làm gì? Chú T kể, lúc đó dầu ăn thì không có, giá như có dầu ăn thì mình chiên bột mì ăn còn đỡ. Không chiên được, cũng không có bột nổi để làm  bánh mì. Người ta không biết phải xử lí làm sao với số bột mì mua được, nếu bỏ đi thì không có cái gì đề ăn, nếu ăn thì không biết phải làm thế nào để ăn được. Cuối cùng, người nhà chú T mang số bột mì đó ra nhào nặn, cán ra rồi nấu lên. Chú nói, thật trông nó chẳng ra một món ăn gì nhưng cũng phải nấu để có cái mà nhét vào bụng. Cũng có nhà không ăn kiểu đó nổi phải tập nướng bánh mì nhưng do không có các nguyên liệu khác nên bánh mì nướng ra cứng như khúc củi, không làm sao ăn được.
Tuy nhiên, trong xã hội lúc bấy giờ, không phải ai cũng phải chịu đựng cái cảnh mua bán như vậy. Trong cái hàng người được xếp dài dằng dặc đó, chẳng có một ưu tiên nào cho một đối tượng nào. Chú T nói chỉ có người dân mới phải xếp hàng chờ, còn những người được ưu tiên thì không đến lượt họ phải xếp hàng. Những người này thường là những người làm việc ở các cơ quan nhà nước và họ mua hàng theo chế độ mà cơ quan phân phối.
Ở cơ quan, người ta không những không phải chờ đợi mà còn được mua những loại mặt hàng riêng và với giá cũng riêng. Chú T nói chẳng hạn như ở ngoài, một người dân bình thường làm gì có chế độ mua xăng nhưng ở cơ quan, trong khi chú lại có chế độ xăng. Chế độ lương thực cũng vậy. Nếu một người ở ngoài theo chế độ bình quân chỉ được mua 9kg lương thực thì một cán bộ trong cơ quan lại được quyền mua gấp đôi, tức 18 kg. Hay nếu giá gạo ở ngoài là 12 đồng  1kg thì trong cơ quan người ta chỉ mua 1kg gạo với giá năm hào. Giá cả trong cơ quan nhà nước bao giờ cũng có sự khác biệt đáng kể so với giá ở các cửa hàng bên ngoài. Nói chung, giá trong các cơ quan thường rẻ mạt, cho nên người ta mới nói là bao cấp. Tuy nhiên, cái bao cấp với giá rẻ mạt ấy cũng chỉ được thực hiện để phục vụ cho một số người.   
Ngọc Lưu

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.