Những người phụ nữ “ép dẻo”

1
926

BTKUXH – Một buổi chiều cuối tuần, tôi đạp xe lòng vòng các con đường ở quận 5 (Thành phố Hồ Chí Minh) để tìm đề tài cho bài tập chụp ảnh cuối khóa học. Con đường một chiều Hùng Vương đưa tôi lang thang đến nhà thờ Ngã Sáu chợ Lớn. Điều đầu tiên đập vào mắt tôi không phải là nhà thờ uy mà là màu đỏ chon chót của những tấm bảng đề “Ép nhựa dẻo” san sát nhau. Trên đoạn đường dài khoảng 300m, tôi đếm được trên mười chiếc xe ép nhựa dẻo. Đặc biệt là chủ nhân của những chiếc xe này toàn là phụ nữ. Bóng người và xe cùng đổ dài trên mặt đường dưới cái nắng chiều vàng ruộm.

Dựng xe bên lề đường, tôi ngồi bắt chuyện với một chị “ép nhựa dẻo” đang đậu xe cạnh lối vào nhà thờ. Chị Hồng, năm nay 20 tuổi, quê ở Hưng Yên. Chị vào thành phố làm nghề ép nhựa dẻo được gần 3 năm. Cái “thâm niên” trong nghề làm chị già dặn hơn so với lứa tuổi đôi mươi. Tuy vậy, nụ cười của chị trông rất tươi trẻ. Trước khi đậu xe trên đoạn đường này, chị Hồng đẩy xe dạo qua các con đường khắp các quận. Nhưng cách làm đó vất vả quá, đi bộ suốt ngày, lúc về nhà khắp người chị ê ẩm, bàn chân nhức buốt. Đi hai, ba ngày chị phải nghỉ một ngày mới có sức đi tiếp. Ngày nghỉ làm thì không có thu nhập, đồng tiền đắp đổi ngày này qua ngày kia nên cuộc sống rất bấp bênh. Tiền nhà trọ, tiền ăn uống, sinh hoạt mỗi tháng ngót nghét gần ba triệu đồng. Từ lúc có chỗ ngồi làm cố định, chị đỡ vất vả lại có thể đi làm suốt cả tháng. Ngoài ép nhựa các loại hồ sơ giấy tờ, chị còn kiêm luôn cả nghề sửa nón bảo hiểm. Ép nhựa là công việc đơn giản nhưng lại khá nặng nhọc đối với phụ nữ. Mỗi lần làm nóng máy ép, chị phải lấy hết sức giựt mạnh sợi dây khởi động chiếc máy phát điện mini chạy bằng xăng. Nhiều khi cái máy cứng đầu không nổ, chị phải giựt đi giựt lại ba, bốn lần. Nặng nhọc hơn cả là khâu ép khung cho thẻ. Chị phải đứng trên một cần bằng sắt, dùng sức đè mạnh để hai hàm của chiếc máy ép khép chặt giữ cho mép thẻ không bị bung ra. Nhìn chị khom lưng, gắng sức, tôi chợt thấy thương cô gái trẻ.

Mỗi ngày, chị dậy sớm đạp xe ròng rã hơn một tiếng đồng hồ từ nhà trọ gần khu du lịch Đầm Sen để đi làm cho đỡ nắng. Suốt một ngày làm việc, ai ngồi xe nấy, các chị chỉ nói một vài câu với khách hàng: “Anh/chị ép gì? Dạ, 10 nghìn. Dạ, 20 nghìn…”. Ngồi trò chuyện với chị một lúc mà tôi nghe đầu mình ong ong vì nắng. Thế mà các chị ngồi từ sáng đến chiều, không có dù cũng không có mái che.

Chị Hồng lập gia đình từ tháng 10/2009. Chồng chị cũng làm nghề ép nhựa dẻo. Chị đang hồi hợp chờ em bé chào đời vào tháng 11 này. Vì vậy, công việc đối với phụ nữ mang thai như chị ngày càng nặng nhọc hơn. Thai phụ cần được nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ, nhưng chị vẫn phải bươn chảy ngoài đường vừa nắng nóng, vừa nhiều khói bụi, những khi mưa dầm lại thấy thật tủi thân, về đến nhà nuốt cơm không nổi. Ở quê, vợ chồng chị được bố mẹ cho 2 sào ruộng, nhưng không có vốn để làm. Vợ chồng chị ráng ở lại thành phố làm thêm vài năm nửa kiếm đủ tiền về quê làm ruộng để được gần gũi với bố mẹ già. Dưới vành nón lá đã sờn, tôi thấy ánh mắt chị ngời lên niềm vui khi kể về một tương lai ấm cúng.

Các chị ngồi làm trên đoạn đường này đều là bà con cùng làng với chị Hồng. Họ ở cùng một khu nhà trọ để giúp đỡ nhau trong những lúc khó khăn. Trung bình mỗi ngày, mỗi chị ép được trên dưới 10 thẻ, được khoảng 100 nghìn, trừ đi chi phí thì không còn bao nhiêu. Hôm nào trời mưa là xem như không kiếm được đồng nào.

Chị Lâm, năm nay 23 tuổi, là một trong những chị làm nghề ép nhựa dẻo lâu nhất ở đường này. Chị đang mang bầu em bé thứ 2, con đầu lòng của chị nay đã được 4 tuổi. Khi mới sinh con được vài tháng, chị gửi con cho ông bà nội rối tiếp tục vào thành phố đi làm. Những ngày đầu xa con, đêm nào người mẹ trẻ cũng khóc vì thương nhớ đứa con trai bé bỏng. Nhìn người ta chơi đùa với con mà lòng chị quặng thắt. Không biết con có khỏe không? Con uống sữa bò có quen không? Đêm, con có quấy khóc không? Nhiều lúc muốn mang con vào sống chung, nhưng anh chị phải đi làm suốt ngày thì lấy ai chăm sóc. Chị muốn gửi con cho nhà trẻ thì không đủ tiền, lại sợ cháu còn bé quá, người ta chăm sóc không bằng người nhà. Thế nên chị đành bấm bụng xa con. “Con cái là núm ruột của mình, đâu có nỡ xa. Mình thương nó mình phải đi làm thôi. Ở nhà nghèo lắm, không đủ cái ăn làm sao nuôi con”. Vừa nói, chị vừa đưa mắt nhìn xa xôi, giọng chùng xuống gần như nghèn nghẹn.Mỗi người phụ nữ đều mang một nỗi lòng riêng khi xa nhà, xa quê kiếm sống nơi xứ người, làm người nghe không khỏi chạnh lòng.

Niềm vui lớn nhất của các chị chính là mỗi dịp Tết có đủ tiền về thăm quê nhà được quây quần cùng cha mẹ, anh em bên mâm cơm gia đình, được nghe tiếng con thơ cười đùa tíu tít, được tận tay chưng mâm quả, thắp nén hương trên bàn thờ tổ tiên. Bấy nhiêu đó là niềm hạnh phúc lớn lao nâng bước chân họ trong những ngày tháng mưu sinh.

Tôi chia tay các chị trong bóng chiều nhập nhoạng, những tia nắng cuối ngày đang cố len qua những căn nhà cao tầng. Đường phố đông đúc hơn những dòng xe xuôi ngược. Một nhóm các cô gái trẻ lướt xe ngang qua tôi, áo quần sặc sỡ, mùi nước hoa thoang thoảng trong gió. Bất chợt, tôi mường tượng bóng dáng nhỏ bé của các chị “ép nhựa dẻo” đang gồng mình đạp xe trên đường về, chở theo những giấc mơ nhỏ bé về gia đình thương yêu.

Thu Lam

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.