Đời sống kinh tế thời bao cấp ở miền Nam – Kỳ 1: Bước đường gian nan của ngành tiểu thủ công nghiệp

0
3360
“Thời bao cấp làm sao có thể quên được” là câu nói đầu tiên mà chú T nói với tôi qua điện thoại khi tôi muốn hẹn gặp để nói chuyện với chú về chủ đề này. Chú T sinh năm 1948, hiện nay đang sống ở quận Bình Thạnh. Đối với một thế hệ với tuổi đời chỉ bằng con cháu chú như tôi, thì những câu chuyện kể về thời bao cấp của chú thực sự làm cho tôi không ít ngạc nhiên, và chú T là một nhân chứng sống động cho các câu chuyện kể ấy.
(Đan lát, Nguồn: Internet)
 
Chú T trước đây vốn là sinh viên y khoa tại miền Nam Việt Nam. Chú đã  trải qua một thời gian ở bưng Sóc Trăng cho đến ngày 30/4/1975, chú trở về với Sài Gòn và chính thức bước vào cuộc sống mưu sinh với những khó khăn của thời bao cấp. Được sự tin tưởng của các cán bộ Trung ương ở Cục miền Nam, chú T được giao một số nhiệm vụ với mong muốn vực dậy nền kinh tế đang rất khó khăn của miền Nam lúc bấy giờ. Công việc đầu tiên chú được giao là giúp các cán bộ lên kế hoạch phát triển ngành công nghiệp. 
 
Theo nhận định của chú, việc khôi phục nền công nghiệp lúc bấy giờ quả thực là một thách đố vô cùng to lớn. Công nghiệp lúc bấy giờ mới bắt đầu được đem vào cải tạo. Trước khi cải tạo như vậy, các nhà máy xí nghiệp, thương  nghiệp gần như ở trong tình trạng tê liệt. Tất cả các máy móc thiết bị trước kia đều được nhà nước quản lí một cách chặt chẽ và  đem vào kho cất giữ. Mọi thứ  gần như bị xáo trộn hết. Từ máy móc đến vật tư, tất cả đều không đủ  điều kiện để có thể khôi phục lại nền công nghiệp. Nhận thấy tình hình không mấy khả quan, chú T cố gắng tìm ra một hướng đi khác. Một trong những may mắn đầu tiên trong bước đường gian nan này là việc chú T có được cơ hội gặp gỡ và trao đổi với Tổng Công ty mây tre lá ở Hà Nội. Trong lần gặp gỡ này, chú T  cho các cán bộ của Tổng Công ty mây tre lá biết về nhu cầu của thế giới và đặc biệt là nhu cầu của các nước Xã hội chủ nghĩa đối với các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp. Theo lời kể của chú, so với miền Bắc, ngành tiểu thủ công nghiệp ở miền Nam lúc bấy giờ còn rất khiêm tốn. 
 
Trước giải phóng, ngành tiểu thủ công nghiệp ở miền Nam vốn dĩ đã rất ít và chưa phát triển. Cả thành phố chỉ có một hợp tác xã Phú Vinh do người  dân ở làng Phú Vinh vào đây lập nghiệp. Trong khi đó, thành phố Hồ Chí Minh sau ngày giải phóng lâm vào tình cảnh kinh tế ngày càng khó khăn. Số lượng người thất nghiệp ngày càng đông nên việc giải quyết công  ăn việc làm cho người dân không phải là việc dễ dàng. Đứng trước tình hình đó, khi ngành công nghiệp không có khả năng phục hồi do thiếu máy móc và vật tư thì ngành tiểu thủ công nghiệp được xem là một chọn lựa quan trọng để khôi phục và phát triển nền kinh tế.
 
Ngọc Lưu 
Các bài viết liên quan:
Đời sống kinh tế thời bao cấp ở miền Nam – Kỳ 2: Khó khăn của ngành thủ công nghiệp
Đời sống kinh tế thời bao cấp ở miền Nam – Kỳ 3: Từ giấy nhám đến đá mài cho máy chà gạo
Đời sống kinh tế thời Bao cấp ở miền Nam – Kỳ 4: Trên đường đi công tác
Đời sống kinh tế thời bao cấp ở miền Nam – Kỳ 5: Câu chuyện về hai làng Bình Giã và Xuân Sơn
Đời sống kinh tế thời bao cấp ở miền Nam – Kỳ 6: Làm sao để cứu các sản phẩm gỗ khỏi ẩm mốc?
Đời sống kinh tế thời bao cấp ở miền Nam – Kỳ 7: Bộ hồ sơ xuất khẩu gỗ cao su đầu tiên ở Việt Nam
Đời sống kinh tế thời bao cấp ở miền Nam – Kỳ 8: Nhìn về miền Nam sau ngày giải phóng
Đời sống kinh tế thời bao cấp ở miền Nam – Kỳ cuối: Ngày sau Đổi mới…

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.