NHẬT KÝ SÀI GÒN 1975
(trích)
Đinh Bá Anh dịch
25.9.1975
Đổi tiền
Việc cải cách tiền tệ rõ ràng đã gây ra một sự bất bình nữa trong dân chúng về gánh nặng kinh tế. Trong việc này thì tầng lớp dân nghèo chẳng cần phải lo lắng gì nhiều. Nhưng với mỗi thay đổi nhỏ, người nghèo cũng lo lắng cho số tiền tiết kiệm của họ chẳng kém gì những ông chủ tư bản lớn, mà thực ra việc cải cách tiền tệ là nhắm vào giới tư bản này. Đáng tiếc là việc này, vốn được lên kế hoạch rất tốt, vẫn có những sự cố. Ngày 22 tháng 9 người ta phải xếp hàng dài cổ ở các Khóm đến đêm khuya. Đến tận ngày hôm sau mà nhiều người vẫn chưa thể nhận được 200 đồng tiền mới, mà phải mãi đến ngày thứ ba mới được.
…………………………
Mục đích thực sự của cuộc đổi tiền là để xác định số tiền hiện lưu hành là bao nhiêu, rồi đặt số tiền này dưới sự quản lý của nhà nước, để trong bất kỳ trường hợp nào cũng quyết định được việc sử dụng nó có phục vụ lợi ích chung hay không. Nhưng cuộc đổi tiền đã làm khiếp đảm những người giàu. Có tin đồn những người khai báo có nhiều tiền sẽ phải ra trước tòa án nhân dân để giải thích về việc tại sao anh ta lại có nhiều tiền mặt như vậy. Nghe nói có cả những vụ tự sát. Có tin một người Hoa giàu có đã đốt sạch số tiền mặt ông có trong một ngôi chùa rồi sau đó cắt cổ tự sát. Với những kẻ theo chủ nghĩa vật chất cực đoan như vậy, tôi chỉ có thể lắc đầu. Cá nhân tôi thì không tin là chính quyền sẽ dùng đến tòa án nhân dân để xử, bởi hầu hết các biện pháp đến nay đều được thực hiện theo con đường hành chính. Đối với chính quyền thì chỉ cần gom tiền vào ngân hàng và sử dụng nó cho mục đích đầu tư v.v. là được rồi. Trong tương lai, việc rút tiền cần phải đi kèm với một bản giải trình lý do, và bản giải trình này phải được cơ quan chức năng kiểm tra, và nó có thể bị từ chối nếu không phục vụ các mục đích công cộng hoặc mục đích sinh sống của người chủ sở hữu.
(còn tiếp)
Walter Skrobanek
Xem một số trích đoạn khác của nhật ký tại đây.