Chuyện của một người nông dân Nam bộ
BTKUXH – Câu chuyện giữa tôi và một người nông dân Nam bộ được ghi lại vào buổi chiều mưa mùa bão, những ký ức cá nhân gắn liền với bối cảnh lịch sử của đất nước, 1979. Một sự kiện không quá xa đối với nhiều người nhưng lại quá mới mẻ với tôi. Bởi khi đó tôi mới vừa chào đời. Những chi tiết dưới đây là cuộc sống thật của một con người chân chất với đầy niềm tin và tình cảm khi kể cho tôi nghe. Vì vậy để tránh phiền toái cho họ xin được thay tên ông bằng một cái tên khác, còn sự việc là tính chân thực về đời ông, nếu có bất cứ sai sót nào có thể đó là sai sót của riêng cá nhân tôi không liên quan đến ông.
Khi cơn giông kéo đến làm tung những chiếc bạt che tạm đầu hiên nhà, Ông Tín quay sang nói với tôi: “Chỗ này chưa bị bão lần nào, chỉ có năm 1978 là bị lụt nước lên khoảng 50, 60 phân mà nó lụt ngay mùa vụ nên cả làng đói…
Câu chuyện về cơn bão đang đổ bộ vào miền Trung đã đưa ông trở về những ký ức xa xưa với những trải nghiệm của một người trốn lính từ chiến trường Campuchia, năm 1979, để về với vợ con giữa mùa đói.
…Lần đó xong, tui phải đi nghĩa vụ quân sự khoảng 2 tháng, năm 1979. Tui đi được ba tháng mấy thì trốn về, sau có chú Tám đi thay. Vì lúc đó tui lấy vợ rồi, mới có được đứa lớn. Mình đi nhớ quá trốn về. Chú [tôi] đi như thế này là đỡ đó, chắc cũng nhớ nhà, nhưng tại thời đó vừa nhớ nhà vừa đói. Thời đó mình ăn lương khô, nó như bột nấu lên quậy đặc như keo mà ăn, mà phải có người canh chừng không thôi là giành ăn với nhau. Có hôm tụi này đói quá, tui xuống xin chị bếp cơm cháy để ăn. Sáng hôm sau biết được nó chửi mình như chó. Nó bắt mình kiểm điểm là giành ăn với heo. Nó nói mình phải dành thức ăn cho heo mới có thịt mà ăn, mà thời đó chỉ Chủ nhật mới có thịt ăn, mà ăn theo tiêu chuẩn. Mình mới cưới vợ xa nhà lại đói.
Hôm đó tôi nhớ tại đền Angkor, bộ đội được thưởng sữa nhận ngày 2/9 anh em xúm lại nấu nồi nước sôi rồi đổ sữa vào kêu là sữa kho. Sáng hôm sau có thằng bạn hỏi mày về Sài Gòn không? Nói thiệt là mình đâu biết đường về chỗ nào, sang đây bằng máy bay mà. Tui nói mày tưởng về Sài Gòn ngày mai là được à mày. Nó nói theo đường chim bay khoảng 600 cây về tới Sài Gòn chắc đi bộ khoảng tháng. Mình đi đâu có gì đâu, có mấy kg gạo, vừa đi vừa đổi quân trang dọc đường rồi cũng về nhà được.
Thời đó vừa khổ vừa sợ, vì lúc đó đánh giải phóng Campuchia, mình không cẩn thận là nó (Khmer đỏ) đập đầu mình chết. Dân mà thấy bộ đội mình mừng lắm! Người dân ở đó kể cả Khmer đỏ nó đào hố giết tập thể ghê lắm. Sau này người ta đến cái hố đó để đãi vàng, ghê thấy bà, toàn là sọ người…
“Thời đó, tụi tôi đóng quân trên đồi cao khi chiều xuống như vậy, hoàng hôn đỏ au buồn thế bà nội. Cái đồi đó cao lắm, sáng đầu cần chạy tập thể dục, cứ bắt chạy xuống chạy lên cái đồi đó là đủ. Ở bên đó có nhiều cái lạ lắm. Tôi nhớ thời đó, ngay chỗ đóng quân có ông già chết người ta nhờ mình bảo vệ luôn. Tui thấy lạ lắm. Ông già đó chết người ta cuốn chiếu, rồi lấy tre đan lại giống như mình đan rổ vậy đó. Sau đó cuộn tròn ổng lại. Người ta đem ổng ra cái lỗ đào dài khoảng 2,5m, rộng 1,2m chất củi lên đốt. Đến khi cháy thì chỉ còn một người ở lại thôi để lấy cây đâm cho chảy mỡ ra. Còn số người còn lại người ta vật (ý nói giết) con bò ra, ăn uống, đốt lồ ô hát hò nhảy múa (múa Lâm thôn) vui lắm! Bộ đội mình cũng vào nhảy múa hát luôn. Còn thịt bò người ta vật ra đó muốn ăn gì thì lấy ăn.
Tôi về đây cũng trình diện vì mình bị truy nã đào tẩu, sau đó chú Tám sinh đôi với tui xin đi thay cho tui. Vì hoàn cảnh tui có vợ con. Sau cũng được chấp nhận. Nó đi ba năm mấy thì về. Còn tui thì được hai tháng mấy!
Sau này vào tập thể cũng cực lắm, thời đó mà không có ông Nguyễn Văn Linh dám loạn lắm! Hàng hóa mua theo phiếu thì mới mua được ở của hàng nhà nước, còn không thì mua hàng chợ đen mắc gấp mấy chục lần luôn.
Hồ Nguyên Đức ghi