Theo dấu chân người di cư – Kỳ 1: Đi dự đám tang một bà cụ

0
739

THEO DẤU CHÂN NGƯỜI DI CƯ

Ghi chép dân tộc học về phong tục tập quán của người Việt tại Hoa kỳ
____________________________________________________

Kỳ 01, Đi dự đám tang một bà cụ: ngày 19 tháng 07 năm 2009

Chúng tôi tới Hoa kỳ theo chương trình Post doctor – Visting Scholar tại trường Đại học Nam Cali (USC) vào một đêm cuối tháng tháng 6. Một chuyến đi khá cập rập, mà bản thân tôi không kịp nghỉ ngơi, sau nhiều chuyến điền dã nối tiếp nhau: An Giang, Cần Thơ và chuyến gần kề nhất là Đắk Nông chỉ trước một tuần trước khi tôi ra phi trường đến Mỹ.

Ảnh: tác giả tại ĐH Nam California

Công việc sau khi đến Mỹ là tập thích nghi về thời gian biểu hàng ngày, bởi ở Việt Nam là ngày thì ở Mỹ là đêm, cứ thế trái ngược nhau. Hai con mắt tôi cứ díp lại khi người ta tỉnh táo làm việc, còn khi người ta say giấc thì tôi lại lọ mọ làm mấy công việc vặt vãnh.

Gia đình tôi đến ở là gia đình một người Việt Nam, bà chủ nhà người gốc Quảng Nam (đồng hương với đồng nghiệp tôi) và chồng bà là người Vĩnh Long, nhưng đã về VN sống luôn vì không chịu nổi cảnh cô đơn, buồn chán của tuổi già trên đất người. Bà có chín người con, tất cả đều đã trưởng thành, chỉ còn cô út 27 tuổi mà ngày 2 tháng 8 tới đây sẽ làm đám hỏi (hì, hì vậy là sắp được dự đám hỏi người Việt ở Mỹ).

Nói tới đây, gợi nhớ cho tôi về cái đám tang một bà thông gia của bà chủ nhà, mới qua đời khi tôi tới Mỹ được 4 ngày. Dù không quen biết, không họ hàng nhưng với máu dân tộc học trong người, và được sự gợi ý của anh Tư con bà chủ nhà, chúng tôi đến viếng một đám tang của một cụ bà người Việt đã bước sang tuổi 70.

Một điều đặc biệt không giống ở Việt Nam, đám tang không tổ chức tại gia đình. Sau khi cụ bà qua đời, bệnh viện làm thủ tục chuyển vào nhà xác, gia đình phải thuê để ướp lạnh mỗi ngày hết 300 USD (tùy theo gia đình muốn để bao nhiêu ngày cũng được). Đến ngày viếng và đưa tang, quàng linh cữu tại một hội trường (giống như nà cộng đồng ở Việt Nam, nhưng của tư nhân, gia đình phải thuê). Khách tới viếng trong trang phục vest màu đen trông rất lịch sự, tôi và anh đồng nghiệp tới trong trang phục quần tây áo sơ mi trắng, nhưng không thành vấn đề gì? Tôi nghĩ như vậy, miễn là đừng mặc quần áo xanh, đỏ, tím, vàng là được.

Khoảng ba giời chiều chúng tôi tới điểm tổ chức an táng, cách thức bố trí trong gian phòng này giống nhà nguyện của bên Công giáo ở Việt Nam. Các hàng ghế dài được sắp theo hàng để người tới viếng ngồi và nhìn lên linh cữu người mới qua đời đặt ở vị trí trung tâm gian phòng. Tất cả không có bất cứ di ảnh tượng Chúa, Phật hay thành thánh gì? Chỉ có chiếc quan tài mở lắp với thi hài người mới qua đời. Bà cụ được trang điểm kỹ, trông giống như người năm ngủ, phía sau quan tài là bức tường có đặt tivi màn hình mỏng, chiếu lại tất cả hình ảnh của người quá cố từ thời trẻ, ở Việt Nam, đến khi sang Mỹ, rồi khi lớn tuổi quây quần bên con cháu và cả những chuyến về Việt Nam làm từ thiện. Tự nhiên lúc này tôi lại liên tưởng đến mấy bộ hình được chiếu cô dâu chú rể ở Việt Nam trong ngày cưới với những tấm hình chụp ngoại cảnh, diễn trò. Nhưng cũng tự cắt ngang suy nghĩ, rồi tự lẩm bẩm với chính mình là sự liên hệ vô duyên không đâu vào đâu”

Chúng tôi được mời lên nhìn mặt bà cụ và chụp hình lưu niệm, anh đồng nghiệp của tôi ngỏ ý muốn biết cách thức xá lạy người chết như thế nào. Vì anh này là dân nghiên cứu Tôn giáo mà, nhưng anh con trưởng của bà cụ nói: “ở đây không làm xá lạy gì cả. Chúng tôi theo Phật giáo nhưng má tui lại theo Tin lành, nên làm đơn giản để khách khứa đến viếng thôi, chứ không cần những nghi thức đó”. Chúng tôi ngắm nhìn bà cụ trông rất thanh thản, và con cái, cháu chắt bà cũng vậy, họ ngồi quây quần bên thi hài như chẳng có gì đau buồn, chết chóc xảy ra ở đây.

Chúng tôi ra về và được bà chủ nhà cho biết ở đây khi chết thì không để xác ở nhà mà quàn tại một điểm, đến ngày đến giờ mình mới đi viếng (vì vậy tôi thấy nhà ở Mỹ nhà nào cửa chính cũng hẹp, chỉ vừa cho lối đi qua lại, trong khi nhà ở Việt Nam cửa chính bao giờ cũng lớn, chắc là phòng khi hữu sự). Bà còn nói với tôi thứ hai tới (hôm đó là thứ 6) mới đưa đi an táng, khi đi mình báo cho cảnh sát để nó dẹp được hộ tống mình đi cho trang trọng nhưng việc nào cũng cần có tiền”.Buổi tối, chúng tôi được mời đến nhà hiếu để ăn cơm gia đình, lúc này cũng gần kề ngày July 4, ngày lễ độc lập của Mỹ. Bữa tiệc được tổ chức tại nhà anh trai trưởng, khách khứa, họ hàng khoảng 40 người được chia làm hai bàn đàn ông, đàn bà tách biệt nhau. Trong buổi tiệc tôi không thấy một chút gì u buồn mà có vẻ giống như không khí buổi họp mặt ngày tết hơn. Có lẽ do gần kề ngày July 4 nên không khí mừng lễ quốc khánh có vẻ tưng bừng hơn, lấn át sự kiện đau buồn của gia đình? Một vài người đàn ông lớn tuổi có vẻ e ngại, dò xét chúng tôi nhưng vị khách lạ, ăn theo trong bữa tiệc này. Nhưng chúng tôi tỏ ra một cách bình thản như không có chuyện gì?

Cũng rất may, tôi được anh con trưởng kéo lại ngồi gần bên để nói chuyện. Anh kể cho tôi nghe về cuộc đời của anh. Ngay từ những năm đầu 80 của thế kỷ trước vượt biên sang đây. Nghĩ lại thấy hài lòng với cuộc sống hiện lại, anh nói khi mới tới nước Mỹ mình chỉ có đôi bàn tay trắng, chạy chiếc xe đạp lọc cọc đi làm đủ thứ nghề, tối về anh em đi học thêm, rồi nhiều năm cũng lấy được bằng đại học, cao học… Anh em cứ bảo nhau học, chứ cha mẹ không có thúc dục gì? Giờ cánh anh em của anh bây giờ đã ổn định, có nhà giá cả mấy triệu đô, đầy đủ tiện nghi…Nhưng chủ yếu làm bên lĩnh vực business hay computer (kinh doanh hay bên máy tính), còn đám mấy đứa con của anh thì mới học hành đàng hoàng. Anh chỉ tay về phía cậu thanh niên, trông mặt trẻ măng nói đã lấy bằng M.A rồi giờ đang làm PhD bên ngành dược. Tôi rất tâm đắc với anh là người Việt Nam sang đây có một “sức sống” rất bền bỉ, cuộc khủng hoảng kinh tế Mỹ ảnh hưởng rất nhiều đối với người Mỹ, nhưng đối với người gốc Việt thì không nhiều. Vì mình không làm việc này mình chuyển sang làm việc khác, xuất phát điểm mình sang đây đâu có gì, nhắm thấy 50 – 50 là mình làm thôi. Giờ thì vị thế của người Việt ở đây đã lên cao rồi, trong lĩnh vực computer, trong đám anh em của anh cũng làm khá thành công nhưng anh lại nói là đang chịu sức ép cạnh tranh với “tụi Ấn độ”. Tụi nó có chuyên môn và sang đây cạnh tranh giá cả lao động, bao nhiêu nó cũng làm, nên mình phải làm việc nhiều hơn nữa.

Anh lại nói cho tôi nghe về cách giáo dục con cái, anh nói con anh học ở trường tuổi còn nhỏ không bao giờ bắt chúng nó học, đến năm đầu đại học cũng vậy, chỉ đến khi vào chuyên ngành ở đại học thì mới tập trung tối đa. Bởi “nếu còn nhỏ mà bắt học nhồi nhét là mình Brun cái đầu nó, mình đốt hết não nó, sau này nó kém thông minh. Nên ở Mỹ này cái gì nó cũng để dành vậy”. Cái này hoàn toàn khác với cách nghĩ và cách làm của các bậc cha mẹ ở Việt Nam, tôi nghĩ nếu anh này ở Việt Nam chưa chắc anh đã nghĩ như vậy. Bởi tôi đã từng thấy một đồng nghiệp của tôi đã từng phải chở con đi luyện thi vào lớp một ở một trường điểm tại TP.HCM.

Kết thúc buổi gặp gỡ gợi cho tôi suy nghĩ bao điều về những người Việt ở Mỹ.

Nguyễn Đức Lộc
(còn tiếp)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.