Chân dung nữ chiến sĩ biệt động thành

0
967

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo nhưng giàu lòng yêu nước, ngay từ nhỏ, Nguyễn Thị Hòa đã là cánh tay đắc lực của cơ sở cách mạng. Trải qua bao cam go gian khổ, bị địch tra tấn tù đày, người nữ chiến sĩ cách mạng ấy vẫn một lòng kiên trung…

Chị Nguyễn Thị Hòa, sinh năm 1952 tại thôn Tứ Hà, xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn. Kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, cha mẹ chị đều là cơ sở cách mạng nuôi giấu cán bộ nằm vùng hoạt động. Dưới thời Ngô Đình Diệm, với luật 10/59, địch lê máy chém khắp nơi giết hại cán bộ và những người yêu nước. Bọn chúng bắt toàn dân võ trang bằng cây gậy, đèn gió, trống mõ thanh la, hàng đêm nổi lửa truy bắt chiến sĩ cách mạng. Bọn tay sai biết gia đình chị Hòa có liên quan đến kháng chiến nên ngày đêm rình rập hù dọa, liệt cha mẹ chị vào diện tình nghi. Lúc bấy giờ, chị Hòa có người anh trai tên Đán và chị gái là Nguyễn Thị Xứng bí mật thoát ly theo cách mạng. Anh Hai Đán gia nhập bộ đội giải phóng quân rồi giữ chức Huyện đội phó Điện Bàn. Và trong một trận chiến không cân sức, khi bất ngờ đụng độ với quân địch, anh Đán đã hy sinh, đó là vào đầu tháng 1-1969. Chỉ một tháng sau, người chị gái của chị Hòa (đơn vị bộ đội R20) cũng hy sinh trong trận chiến chống địch càn quét tại xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên. Nén nỗi đau, chị Hòa biến căm thù thành sức mạnh chiến đấu. Năm 1967, mới 15 tuổi, chị Hòa làm giao liên cho đội biệt động thành TP. Đà Nẵng. Lợi dụng tuổi nhỏ, dáng người thấp bé, chị đã dễ dàng vượt qua mắt địch và nhiều lần chuyển công văn, giấy tờ, tài liệu từ vùng ta ra vùng địch và ngược lại.

Theo thời gian tham gia hoạt động, mỗi ngày chị Hòa càng được giao trọng trách nặng nề hơn như chuyển chất nổ, vũ khí, mìn hẹn giờ, lựu đạn đưa vào nội thành hoạt động vũ trang. Tuy công việc được giao đầy khó khăn và nguy hiểm nhưng không làm chị nhụt chí. Bầu máu nóng tuổi thanh xuân thêm căng tràn sức sống vì được đứng vào hàng ngũ chiến sĩ dũng cảm làm nhiệm vụ giữa Đà Thành. Với quyết tâm của mình, chị đã đưa nhiều chuyến hàng quan trọng vào thành phố an toàn.

Vào đầu tháng 5-1971, trong một lần chuyển chất nổ vào nội thành, do có người phản bội, chị Hòa rơi vào tay giặc. Chúng đưa chị về giam tại nhà lao Hội An. với đủ mọi ngón đòn tra tấn dã man bằng điện, nước xà phòng… hay dụ dỗ mua chuộc, trong suốt gần mười ngày, địch vẫn không thể khuất phục tinh thần sắt son của người con gái kiên cường. Không lấy được lời khai, không đủ chứng cứ buộc tội, bọn chúng chuyển sang gán ghép chị Hòa tội tiếp tay với Việt cộng, phá rối trị an. Với “tội trạng” đó, chị Hòa chịu án một năm tù giam tại nhà lao Hội An.

Năm 1972, khi vừa ra tù, chị Hòa nhận ngay nhiệm vụ phối hợp tiêu diệt tên Đặng Biên, khét tiếng gian ác. Nắm quân trong tay, tên Biên đã đánh phá rất nhiều cơ sở, giết hàng chục cán bộ cốt cán của ta khiến nhiều lúc phong trào cách mạng ở địa phương phải điêu đứng. Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, chị Hòa và nhóm hành động quyết định triển khai kế hoạch theo phương án: chờ đêm tối chôn sẵn dây mìn kéo đến địa điểm Đặng Biên thường tập trung nơi đầu làng thôn Tứ Câu. Tuy nhiên, sáng hôm sau quân địch phát hiện đường dây điện của chị Hòa và 2 người trong nhóm là anh Cường và anh Minh bị giặc bắt. Lần này, bọn tay sai tra tấn chết đi sống lại nhiều lần bắt buộc khai ra người cầm đầu, nhưng tất cả đều không khai. Các anh Cường và Minh còn nhận hết trách nhiệm trong vụ bố trí tiêu diệt Đặng Biên và khai rằng Hòa không liên quan đến việc này. Dù không ký vào bản hỏi cung do bọn chúng tự lập, nhưng chúng vẫn bắt chị giam vào tù và hành hạ đủ trò. Hằng ngày chúng cho chị đói ăn, nhịn khát, sống trong dơ bẩn hôi thối. Chúng hành hạ đến nỗi chị nhiều lần co giật, chết đi sống lại triền miên. Ở được một năm tù tại nhà lao Hội An, giặc đưa chị Hòa ra tòa Mặt trận quân sự vùng 1 tại Sơn Trà – Đà Nẵng để xử án và ghép tội phá rối trị an. Đến cuối năm 1973 chị Hòa mới được thả. Lần này trở về quê nhà với thân hình đầy thương tích, nhưng chị vẫn tích cực tham gia vào công tác giành dân chống địch lấn đất, giai đoạn sau ký kết Hiệp định 73. Lúc bấy giờ kẻ thù ngoan cố không thực hiện hiệp định đã ký nên ta phải tổ chức đánh địch quyết liệt, buộc chúng không được kéo đi phá phách giành cờ, hô hào vùng quốc gia chiếm đóng. Cũng trong thời gian này, chị Hòa nhận quyết định của cấp trên chuyển về công tác trong ngành binh vận Đặc khu Quảng Đà. Ở nhiệm vụ mới, chị tiếp tục chuyển vũ khí, tài liệu cho cơ sở phục vụ ngành tại Đà Nẵng đến ngày giải phóng quê hương.

Sau ngày giải phóng, chị chuyển sang tham gia quản lý tù – hàng binh địch, tiếp quản thu gom vũ khí khi địch tháo chạy, góp sức ổn định công tác của ngành để chuẩn bị bàn giao giải thể đơn vị. Từ đây cấp trên cho chị đi học bổ túc văn hóa được 4 năm rồi về nhận công tác tại Ngân hàng Nông nghiệp huyện Đại Lộc từ 1978. Đến năm 1994 chị Hòa nghỉ hưu. Dù ở cương vị công tác nào, thời chiến hay thời bình chị Hòa đều năng nổ, nhiệt tình hết mình với công việc được giao. Trong những năm phục vụ tại ngân hàng, chị Hòa có 7 năm liền được đơn vị bình bầu danh hiệu Chiến sĩ thi đua của ngành và là cá nhân xuất sắc.

Nay trở về với cuộc sống đời thường, nhiều lúc chị tưởng chừng không thể vượt qua những cơn đau lúc “trái gió trở trời” khi những vết thương do địch tra tấn tái phát. Nhưng với khát vọng và nghị lực của người nữ chiến sĩ biệt động thành năm xưa, chị đã vượt qua tất cả. Chị Hòa thường tâm sự: “Mình phải tiếp tục sống là để còn có cơ hội được gặp lại anh em đồng đội cùng chiến hào năm xưa. Phải sống để thấy sự đổi thay đi lên từng ngày của quê hương”.

Nguyễn Thành Nhơn

Nguồn: Báo Quảng Nam

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.